Cảnh giác, tỉnh táo với thủ đoạn lợi dụng thiên tai để xuyên tạc, chống phá Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng: Kinh nghiệm từ công tác bồi dưỡng đảng viên trẻ ngành than |
Thế hệ trẻ Việt Nam là những chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng to lớn kế thừa và phát triển xã hội, do đó, giáo dục văn hoá chính trị để bồi đắp tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ cấp thiết, giúp các em có nhận thức đúng đắn, đầy đủ và luôn tự hào về dân tộc, Tổ quốc; đồng thời, phát huy giá trị, trách nhiệm của bản thân, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
Chú trọng trong việc bồi dưỡng văn hoá chính trị cho giới trẻ
Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển, mạng xã hội trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Song, bên cạnh sự đa dạng, các nguồn thông tin cũng trở nên ngày càng phức tạp, đòi hỏi thế hệ trẻ cần phải có khả năng nhận diện được thông tin chính xác trong vô vàn các thông tin xấu, độc hại, sai lệch xuất hiện tràn lan nhằm mục đích tuyên truyền những thông tin phản động, chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Không khó để bắt gặp những bình luận, bài đăng trên mạng xã hội thể hiện sự thiếu hiểu biết, thậm chí xuyên tạc, bóp méo lịch sử. Nhiều bạn trẻ dễ dàng tin vào những thông tin chưa được kiểm chứng, những lời đồn thổi thiếu căn cứ, dẫn đến những phát ngôn sai lệch, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của cộng đồng.
Một số ví dụ điển hình, trên mạng xã hội thường có xuất hiện các phát ngôn với nội dung gây công kích, tranh cãi như: Phủ nhận chiến thắng lịch sử của dân tộc, đánh giá sai lệch về vai trò của các anh hùng dân tộc, hoặc xuyên tạc sự thật về các sự kiện lịch sử quan trọng... Những phát ngôn này không chỉ thể hiện sự thiếu hiểu biết về lịch sử mà còn thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với quá khứ, đối với công lao của các thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước.
Từ thực việc trên, có thể thấy, việc bồi dưỡng văn hóa lịch sử cũng như văn hóa chính trị cho thế hệ trẻ hiện nay đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng một xã hội phát triển bền vững và ổn định. Quá trình giáo dục không chỉ giúp thanh niên hiểu rõ về lịch sử, truyền thống và tư tưởng chính trị của đất nước, mà còn hướng dẫn họ phát triển các phẩm chất đạo đức, nhận thức chính trị đúng đắn và tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội.
Các thầy cô giáo và sinh viên khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tham gia chương trình thực tế tại mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Gia đình - nhà trường - xã hội đồng hành giáo dục văn hoá chính trị cho thế hệ trẻ
Việc bồi dưỡng văn hoá chính trị giúp cho thế hệ trẻ có thể hiểu rõ hơn về những vấn đề chính trị - xã hội, hình thành khả năng phản biện và đánh giá thông tin một cách chính xác. Điều này vừa giúp cho các bạn trẻ tránh xa những tác động tiêu cực, vừa giúp các em trở thành những công dân có trách nhiệm với gia đình, xã hội và đất nước.
Theo đó, các nhà trường cần tích hợp giáo dục chính trị vào chương trình học. Tuyên truyền về tầm quan trọng của hệ thống chính trị và vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội thông qua các môn học về lịch sử, giáo dục quốc phòng, giáo dục công dân và pháp luật. Đồng thời, các môn học đã được tăng cường và đổi mới để phù hợp với bối cảnh hiện đại.
Tại Việt Nam ngoại trừ một số trường quốc tế không yêu cầu học bộ môn Triết học Mác - Lênin, còn lại, tất cả các trường đại học tại Việt Nam đều bắt buộc sinh viên phải học bộ môn Triết học Mác - Lênin vào năm thứ nhất. Bởi Triết học Mác - Lênin là môn học trực tiếp giáo dục tư tưởng chính trị cho sinh viên. Hiểu về các học thuyết Mác - Lênin sẽ giúp sinh viên hình thành niềm tin vào con đường phát triển của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần gắn liền lý thuyết với thực tiễn, đưa ra những ví dụ, tình huống cụ thể về các vấn đề chính trị - xã hội, tạo điều kiện, khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động ngoại khoá liên quan đến chính trị hoặc các buổi toạ đàm với các chuyên gia trong lĩnh vực này.
Tại khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhận thức rõ việc “học phải đi đôi với hành”. Mỗi khoá sinh viên đều sẽ có một chuyến đi thực tế chuyên môn vào đầu năm thứ tư đến các địa điểm lịch sử liên quan đến cách mạng kháng chiến tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước để sinh viên có cơ hội được phân tích và đánh giá những sự kiện và nhân vật lịch sử từ dưới góc độ triết học. Từ đó, hiểu rõ hơn về sự phát triển của tư duy và nền tảng tư tưởng trong lịch sử. Nâng cao nhận thức về giá trị của di sản văn hóa và triết học trong bối cảnh quốc gia, nhận thức được trách nhiệm bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị tư tưởng và văn hóa từ quá khứ cho các thế hệ tương lai.
Chuyến đi thực tế tại Huế của khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội |
Để học sinh, sinh viên có cơ hội được tham gia, tiếp xúc với các hoạt động chính trị - xã hội, vai trò của các tổ chức Đoàn Thanh niên và các Hội học sinh, sinh viên là không thể thiếu. Cần phải tuyên truyền, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động tình nguyện để thanh niên thể hiện trách nhiệm của mình đối với cộng đồng và xã hội. Qua đó, giúp các em học hỏi nhiều kiến thức về chính trị và phát triển tinh thần đoàn kết, yêu nước và trách nhiệm với xã hội.
Cùng đó, các nhà trường cần tận dụng sức mạnh từ nền tảng mạng xã hội, bởi đây là công cụ giúp các bạn trẻ nắm bắt thông tin một cách nhanh chóng và kịp thời. Các nhà trường có thể truyền tải các kiến thức về chính trị thông qua những bài viết, video, clip,… Hoặc các buổi thảo luận trực tuyến, khoá học online. Giúp thế hệ trẻ có thể học tập và trao đổi kiến thức bất cứ lúc nào.
Đặc biệt quan trọng, gia đình cần phối hợp với nhà trường, định hướng tư tưởng và kịp thời dạy dỗ, chấn chỉnh những suy nghĩ, hành động chưa đúng chuẩn mực văn hoá - xã hội của học sinh. Cảnh báo con em mình về những tác động tiêu cực từ xã hội tránh trường hợp các em bị dụ dỗ, lôi kéo xa vào tệ nạn xã hội hoặc tham gia vào các tổ chức phản động, chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Không chỉ gia đình, nhà trường mà Đảng và Nhà nước cũng rất chú trọng bồi dưỡng văn hoá chính trị cho thế hệ trẻ ngày nay. Đại hội XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030, trong đó nêu rõ một đột phá có ý nghĩa chiến lược để đảm bảo phát triển nhanh và bền vững đất nước là: “Tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam”. Đại hội XIII đã nêu lên khát vọng phát triển đất nước, mà để hiện thực hóa những khát vọng đó thì thế hệ trẻ Việt Nam phải đóng vai trò tiên phong.
Sau cùng, thế hệ trẻ cần phải tự chủ động trong việc bồi dưỡng văn hoá chính trị cho bản thân mình, tự thấy được trách nhiệm của mình với xã hội, với đất nước. Từ đó, họ sẽ tự nảy sinh yêu cầu, đòi hỏi bản thân mình phải cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức vì tương lai, sự nghiệp của đất nước.
Vì vậy, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bồi dưỡng văn hoá chính trị không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, mà còn là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Cần tạo ra một môi trường thuận lợi để thế hệ trẻ có thể phát triển toàn diện về cả kiến thức, kỹ năng và phẩm chất đạo đức, từ đó đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.