Tăng cường phối hợp đảm bảo bình ổn thị trường
Thị trường trong nước tăng trưởng ổn định
Theo báo cáo của Tổ Điều hành thị trường trong nước 6 tháng đầu năm, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm đạt hơn 2.120 tỷ đồng, tăng khoảng 10,65% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, mức tăng chủ yếu vẫn nhờ các nhóm mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ dùng gia đình…
Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, nhờ thời tiết thuận lợi, những tháng đầu năm tình hình sản xuất nông nghiệp thuận lợi, nguồn cung các mặt hàng nông sản, thực phẩm tăng cao so với năm trước, đặc biệt là các loại rau quả. Phần lớn các loại rau quả được mùa, nguồn cung cho thị trường tăng mạnh với nhiều chủng loại đa đạng, giá tương đối rẻ. Đối với một số loại quả đặc sản vùng miền như vải, dưa hấu, sản lượng thu hoạch tăng so với năm trước, tuy nhiên do có sự chủ động trong việc kết nối tiêu thụ với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK), phân phối nên giá giảm không quá sâu, bảo đảm thu nhập cho người trồng. Riêng mặt hàng thịt lợn, nguồn cung giảm nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
“Nhìn chung, thị trường hàng hóa trong nước gặp nhiều biến động trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, do có sự phối hợp điều hành từ các Bộ, ngành, địa phương nên cung cầu hàng hóa được điều tiết tương đối tốt, giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý điều hành tương đối phù hợp, hạn chế tác động vào Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)” – ông Nguyễn Lộc An cho hay.
Nỗ lực kiềm giữ CPI
Dù thị trường tương đối ổn định nhưng chỉ số CPI lại đang có dấu hiệu tăng cao. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI bình quân nửa đầu năm 2018 đã tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm ngoái. Riêng CPI tháng 6/2018 tăng 2,22% so với tháng 12/2017 và tăng 4,67% so với cùng kỳ năm trước, là tháng có CPI tăng cao nhất trong 7 năm qua.
Về nguyên nhân khiến CPI tháng 6 tăng mạnh, bà Tạ Thị Thu Việt - Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, sau thời gian thua lỗ, nhiều hộ chăn nuôi bỏ chuồng, nguồn cung thịt lợn giảm khiến giá tăng mạnh. Bên cạnh đó, mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh giảm vào đợt 22/6, nhưng do ảnh hưởng từ đợt tăng giá trước nên bình quân tháng 6/2018 giá xăng dầu tăng thêm 2,38% so với tháng 5, làm tăng CPI chung 0,1%. Thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng làm cho chỉ số giá điện sinh hoạt tháng 6 tăng 0,86%, chỉ số giá nước sinh hoạt tăng 0,38% so với tháng trước…
Dự báo tình hình những tháng cuối năm, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường hàng hóa sẽ chịu sự tác động của các yếu tố: lương cơ bản của các đối tượng hưởng lương ngân sách và lương cơ sở trong cơ cấu tính giá dịch vụ khám chữa bệnh tăng; thuế môi trường tăng; một số mặt hàng tăng do mùa vụ… Đặc biệt là mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng đang diễn biến phức tạp theo thị trường thế giới và tiềm ẩn xu hướng tăng sẽ là áp lực tương đối lớn để có thể đạt mục tiêu CPI cả năm dưới 4%. Chính vì thế, Tổ Điều hành thị trường trong nước sẽ chủ động các kịch bản ứng phó, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương sử dụng các công cụ, Quỹ bình ổn giá để đảm bảo mức tăng thấp nhất, góp phần kiểm soát lạm phát và chỉ số CPI.
Theo các chuyên gia, thời gian tới, do nguồn cung các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng và đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nên thị trường nhìn chung sẽ không có biến động lớn. CPI cả năm dự báo sẽ đạt mục tiêu Quốc hội giao. |