Tăng cường kết nối mạng lưới cố vấn khởi nghiệp toàn cầu
Hội thảo “Kết nối mạng lưới cố vấn khởi nghiệp toàn cầu” diễn ra tại Hà Nội nằm trong khuôn khổ hoạt động của Ban Điều hành Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2024” (Đề án 844) và triển khai thoả thuận hợp tác giữa Ban Điều hành Đề án 844 (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) về hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệpsáng tạo, thương mại hoá nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu (GMPV) là chương trình nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Ngoại giao, dựa trên hình thức cố vấn 1:1 giữa chuyên gia người Việt Nam trên toàn cầu (mentor) với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được lựa chọn (mentee) để giúp các doanh nghiệp này hoàn thiện công nghệ, mô hình kinh doanh, phát triển thị trường quốc tế.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Quang Lộc |
Điểm thu hút của chương trình đó chính là những chuyên gia, mạng lưới tri thức kiều bào sẽ cung cấp tư duy và tầm nhìn về thị trường toàn cầu để các startup Việt có thể tiến ra với thế giới. Các giải pháp, sản phẩm sáng tạo từ chương trình sẽ được giới thiệu hỗ trợ vốn từ hệ thống ngân hàng như VietinBank cùng kết nối để giải quyết các vấn đề của chính quyền địa phương thông qua chuỗi sự kiện TECHFEST hướng tới giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu và những nội dung được trao đổi trong hội thảo như trao đổi một số bài toán của địa phương, doanh nghiệp và làm sao để chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài có thể tham gia hỗ trợ, giải quyết; lên kết dữ liệu và ghi nhận khuyến nghị chính sách hỗ trợ nhân tài của mạng lưới GMVP trong chính sách quốc gia.
Được triển khai từ năm 2021 - 2023, chương trình có sự tham gia của 17 mentor giàu kinh nghiệm. Các mentor sinh sống và làm việc tại 7 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, như Việt Nam, Úc, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc)... Chương trình cũng đã kết nối 20 startups tiềm năng trên khắp các nước, hoạt động trong nhiều lĩnh vực đa dạng như Blockchain, AI, chuyển đổi số, IoT, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, nông nghiệp, truyền thông,...
Thông tin tại hội thảo cho biết, cộng đồng người Việt Nam ở các nước hiện đã đạt khoảng 6 triệu người, hiện diện trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, là một cộng đồng trưởng thành mạnh mẽ, có trình độ cao, ngày càng được trẻ hóa, hiện diện trên hầu khắp các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, có tiếng nói, có ảnh hưởng, ngày càng được nể trọng tại các xã hội sở tại. Đây là nguồn lực hết sức quan trọng của dân tộc Việt Nam.
Nhiều ý kiến tại hội thảo của các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục tăng cường và đa dạng hóa hơn nữa các hình thức kết nối mạng lưới chuyên gia, trí thức người Việt ở nước ngoài; tăng cường liên kết, xây dựng dữ liệu về mạng lưới chuyên gia trí thức trên các lục địa, góp phần biến các hoạt động đổi mới sáng tạo thành một thị trường mới.
Nhân dip này, Ban Tổ chức cũng đã phát động chương trình GMVP năm 2025 và kỳ vọng nhận được sự tham gia, đồng hành rộng rãi của các chuyên gia, trí thức, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.