Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển trước những biến động về giá cước
Giá cước tăng phi mã
Từ đầu năm nay, trước thực trạng cước vận chuyển hàng hóa đi Mỹ, Canada và EU, tăng gấp “phi mã” so với những tháng cuối năm 2023. Các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, xuất khẩu gỗ và thủy sản là các ngành hàng chịu áp lực lớn nhất từ việc biến động này.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển trước những biến động về giá cước |
Nguyên nhân của việc tăng giá cước vận chuyển hàng hóa và giới quan sát nhận định: Do căng thẳng ở Israel/Hamas, nhóm quân Houthi ở Yemen tấn công vào các tàu đi vào Biển Đỏ để qua kênh đào Suez. Tháng 12/2023, thông tin từ các tàu của Maersk, MSC và CMA cho biết họ đều bị tấn công, điều này buộc các tàu line phải vòng qua mũi Hảo Vọng thuộc Nam Phi, hành trình mất thêm 7-10 ngày.
Điều này dẫn đến vòng quay của con tàu lâu hơn, phát sinh chi phí vận tải nhiều hơn, vòng quay một con tàu mất khoảng hai tuần. Một số tuyến vận tải phải cắt bỏ một số chuyến hàng hàng tuần dẫn đến thiếu chỗ hoặc đưa thêm tàu vào khai thác làm tăng thêm chi phí.
Hiện nay, 80% lượng hàng hóa đi Bờ Đông nước Mỹ, Canada và EU đều qua kênh đào Suez. Cho nên, bắt đầu từ tháng 1/2024, cước đi các thị trường này tăng rất mạnh so với tháng 12/2023.
Theo đó, cước sang Bờ Tây tăng 800 USD - 1.250 USD, tùy theo tuyến. Tháng 12/2023, giá cước này ở mức 1.850 USD tăng lên 2.873 - 2.950 USD (tăng thêm 55% - 60%) cho tháng 1/2024.
Bờ Đông ghi nhận mức tăng nhiều hơn từ 1.400 USD đến 1.750 USD tùy theo tuyến, khi tháng 12/2023 giá ở mức 2.600 USD tăng lên 4.100-4.500 USD tăng thêm 58% - 73% cho tháng 1/2024.
Riêng cước tàu sang EU ghi nhận tăng mạnh so với tháng 12/2023 với cước đi Hamburg có giá 1.200-1.300 USD trong tháng 12/2023, tăng lên 4.350 USD-4.450 USD trong tháng 1/2024, tăng hơn gấp đôi so với tháng liền trước.
Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải biển
Đứng trước tình hình này, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các nhiệm vụ để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải biển.
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy hải sản cũng bị ảnh hưởng do giá cước vận tải biển tăng cao như thời gian qua. |
Các đơn vị cần đẩy nhanh thủ tục ra, vào cảng và việc xếp, dỡ hàng hóa đối với tàu thuyền vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là hàng container đi châu Mỹ, châu Âu. Cùng đó, khẩn trương làm việc với hãng tàu có tuyến vận tải để kêu gọi và thu hút các hãng tàu duy trì tuyến, bổ sung chỗ, vỏ container về Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa.
Đồng thời, nghiên cứu cơ chế chính sách nhằm thu hút các hãng vận tải container mở tuyến mới đến Việt Nam, cũng như tiếp tục, khẩn trương nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục liên quan đến hoạt động tàu thuyền.
Bên cạnh đó, Cục Hàng hải cho biết đã giao các cảng vụ hàng hải Hải Phòng, TP. HCM, Vũng Tàu phối hợp với các chi cục hàng hải làm việc với các hãng tàu có tuyến đi châu Âu, châu Mỹ để đánh giá biến động tăng giá vận chuyển.
Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu các hãng tàu chở container cam kết thực hiện và tuân thủ theo quy định tại nghị định số 146/2016/NĐ-CP về niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển và giá dịch vụ tại cảng biển. Các thay đổi về giá, phụ phí đều được cập nhật lên trang thông tin điện tử của hãng tàu và các đối tượng khách hàng đều biết trước được giá cước vận chuyển để chủ động trong hoạt động của doanh nghiệp mình.
Cục Hàng hải cũng dự báo với tình hình xung đột ở khu vực Trung Đông có khả năng lan rộng. Do đó, trong năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ tăng giá cước hàng container, tăng thời gian vận chuyển, tăng đơn hàng đặt chỗ, tăng hoãn đơn hàng và tăng các loại phụ phí khác. Điều này tạo áp lực cho các doanh nghiệp khi xuất khẩu các đơn hàng đã ký trước đó, đồng nghĩa với việc giá thành sản phẩm sẽ phải thêm một khoản chi phí, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên toàn thế giới.