Tại sao Ukraine kiên trì nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu?
Theo bài viết trên website của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, động lực thúc đẩy Ukraine kiên trì ủng hộ hội nhập châu Âu bắt nguồn từ nhận thức Liên minh châu Âu (EU) là một cộng đồng chia sẻ các nguyên tắc dân chủ.
Ukraine đã bắt đầu công cuộc gia nhập EU vào đầu những năm 1990, ngay sau khi nước này giành được độc lập. Kể từ khi bắt đầu hành trình xây dựng nhà nước, hầu hết các nhà lãnh đạo Ukraine đều tuyên bố, nước này chắc chắn sẽ trở thành một phần của EU - ngay cả khi một số nhà lãnh đạo vẫn tìm cách duy trì hoặc thậm chí làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế và chính trị của Ukraine với Nga. Thế nhưng, không như với các nước láng giềng Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia, EU chưa bao giờ “trải thảm đỏ” chào đón Ukraine.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters |
Không có gì đáng ngạc nhiên khi mong muốn của người dân Ukraine về việc gia nhập EU tăng lên đáng kể sau các cuộc đảo chính và xung đột với Nga. Động lực gia nhập EU này bắt nguồn từ nhận thức rằng, khối này không chỉ là một liên minh chính trị và kinh tế mà quan trọng hơn, đó còn là một cộng đồng chia sẻ các giá trị và nguyên tắc dân chủ. Khi người Ukraine ủng hộ nền dân chủ, họ cũng ủng hộ ý tưởng Ukraine nên ở trong EU.
Bản sắc của Ukraine gắn liền với châu Âu
Có thể có nhiều biến số khiến tỷ lệ người dân Ukraine ủng hộ trở thành thành viên EU liên tục tăng trước cuộc xung đột với Nga vào năm 2022. Trong khi 2 cuộc đảo chính vào năm 2004 và 2013-2014 đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố tâm lý ủng hộ EU ở các khu vực bầu cử chủ chốt, các ứng cử viên hàng đầu trong cuộc tranh cử tổng thống Ukraine năm 2019 đều nhất trí về quỹ đạo gia nhập EU. Liệu Ukraine có nỗ lực gia nhập EU hay không không còn là vấn đề gây tranh luận về chính sách, mà là vấn đề gây tranh luận về sự gắn kết.
Kể từ năm 2014, Quốc hội Ukraine nhiệt tình ủng hộ EU và 2 tổng thống nước này đều cho rằng, việc gia nhập EU liên quan đến cuộc chiến với Nga và vì nền dân chủ lớn hơn.
Việc Ukraine mong muốn gia nhập EU không phải lúc nào cũng có nghĩa là họ tin tưởng vào liên minh và các thể chế của nó. Nhiều người Ukraine ủng hộ việc gia nhập EU hơn là tin tưởng vào liên minh này. Trở lại năm 2019, 40% dân số Ukraine hoàn toàn hoặc có phần không tin tưởng vào EU. Tuy nhiên, ngay trước khi cuộc xung đột với Nga bắt đầu, số người Ukraine tin tưởng EU tăng lên đến 41%.
Và đến tháng 9/2023, con số này đã tăng lên gần 50%. Quan điểm này không chỉ tồn tại mà còn được củng cố trong cuộc xung đột đang diễn ra. Hơn nữa, những dữ liệu này nêu bật niềm tin sâu sắc của người Ukraine rằng tương lai và thực sự là cả bản sắc của họ vốn gắn liền với châu Âu và đặc tính dân chủ của châu Âu.
Trong bối cảnh đó, các nhà phân tích và các nhà hoạch định chính sách EU nên dừng lại và đặt câu hỏi tại sao trong số khoảng 90% người Ukraine muốn nước này gia nhập liên minh, 32% tin tưởng hoặc không tin tưởng và 15% vẫn không tin tưởng vào liên minh. Điều này có thể là do một số người Ukraine chỉ trích rằng, EU không phải là đồng minh kiên định, đặc biệt là trong cuộc chiến với Nga. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì lịch sử can dự của EU với Ukraine rất phức tạp và một số người Ukraine có thể cho rằng EU chưa hành động đủ nhiều hoặc đủ sớm.
Hơn nữa, ngay cả những người dân thường của Ukraine cũng có thể nhận thấy mặc dù EU đã mở các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine, nhưng EU vẫn chưa làm rõ một số điểm mơ hồ trước đây. Đáng chú ý, có rất nhiều quan niệm sai lầm trong các cuộc thảo luận và diễn thuyết công khai của các quan chức EU, nhất là về mức độ tham nhũng tràn lan ở Ukraine trước khi Nga tiến hành cuộc xung đột hay về mức độ bền vững của nền dân chủ Ukraine.
EU nên làm việc nhiều hơn để nhận ra các nhà lãnh đạo và xã hội dân sự Ukraine đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong việc cải cách nông nghiệp, phân quyền và chống tham nhũng so với các quốc gia Đông Âu khác trước khi bước vào các cuộc đàm phán gia nhập chính thức.
Theo quan điểm của người Ukraine, họ đã thể hiện một cách quyết liệt sự dân chủ của mình. Bất kỳ cảm nhận nào của công chúng Ukraine đều khiến EU có thể kéo dài quá trình gia nhập bằng những phát ngôn thiếu chi tiết và không rõ ràng đều có thể làm suy yếu lòng tin.
Gia nhập EU, Ukraine có thể nhận được bảo vệ từ 27 quốc gia thành viên còn lại cùng những đặc quyền khác có lợi cho nền kinh tế Ảnh: Pixabay |
Điều cuối cùng và chắc chắn dễ nhận thấy đối với người Ukraine là việc cung cấp hỗ trợ tài chính, nhân đạo và quân sự một cách liên tục và nhanh chóng cho Ukraine bị gián đoạn và thậm chí là bị chậm trễ nghiêm trọng kể từ tháng 12/2023.
Những diễn biến này cũng có thể làm giảm niềm tin của người Ukraine vào EU và năng lực thể chế của khối này. EU cần giải quyết những nút thắt thể chế nội bộ đang cản trở hoặc làm trì hoãn việc cung cấp kịp thời sự hỗ trợ quan trọng cho Ukraine. Điều này càng quan trọng hơn khi cuộc chiến bước vào giai đoạn khó khăn nhất và sự hỗ trợ từ các đồng minh lớn khác, chẳng hạn như Mỹ, trở nên khó đoán định.
Nếu những nút thắt này tỏ ra không thể tháo gỡ, EU cần phải nỗ lực quản lý kỳ vọng, bởi vì việc hỗ trợ không kịp thời hoặc không thành công có thể bị các đối thủ của Ukraine và EU lợi dụng trong các chiến dịch thông tin sai lệch.
Các giá trị dân chủ thiết yếu
Tuy nhiên, các yếu tố có thể làm giảm niềm tin của người Ukraine vào EU từ bên ngoài không làm giảm niềm tin rằng họ thuộc về liên minh với tư cách là thành viên chính thức. Điều này là do đối với người Ukraine, EU đại diện cho các giá trị dân chủ thiết yếu.
Phân tích dữ liệu khảo sát cho hay, sự ủng hộ đối với các giá trị đó có mối tương quan chặt chẽ với tâm lý ủng hộ EU. Một người được xác định là theo chế độ dân chủ sẽ càng có khả năng ủng hộ việc gia nhập EU và điều này vẫn tác động mạnh mẽ đến các biến số về nhân khẩu học và kinh tế-xã hội.
Phát hiện này thách thức quan điểm cho rằng, các yếu tố kinh tế hoặc những điều cần cân nhắc về địa chính trị là động lực chính thúc đẩy khát vọng gia nhập EU bằng việc chỉ ra sự gắn kết sâu sắc và có nguyên tắc của người Ukraine với các lý tưởng dân chủ và mô hình quản trị được EU ủng hộ.
Xu hướng này nhấn mạnh, EU cần đánh giá lại cách tiếp cận, đặc biệt là đối với các nước như Nga, và đặt các giá trị dân chủ lên hàng đầu trong các mối quan hệ đối ngoại cũng như các chính sách đối với việc gia nhập.
Mặc dù 3 vấn đề là hỗ trợ thời chiến, gia nhập EU và tái thiết sau chiến sự đan chống chéo lên nhau, nhưng EU vẫn có lý do để tách bạch chúng. Tính thực tiễn về mặt kỹ thuật, các ưu tiên về chính sách và sự phối hợp cần thiết để giành chiến thắng trong cuộc chiến không giống như tiến trình chính sách cần thiết để Ukraine gia nhập EU và tái thiết hoàn toàn.
Trên thực tế, Ukraine có thể tuân thủ hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, các yêu cầu theo luật của EU để gia nhập liên minh trước khi nước này có thể giành được chiến thắng mang tính quyết định trước Nga và hoàn tất quá trình tái thiết sau chiến sự.
Ngược lại, nếu EU xâu chuỗi những vấn đề này với nhau, thì cách tiếp cận như vậy có thể khiến người dân Ukraine có ấn tượng cơ hội trở thành thành viên đang dần xa rời. Hơn nữa, không nên trói buộc con đường gia nhập của Ukraine với con đường của các nước láng giềng, vì ngay cả trong thời chiến, tiến bộ của Ukraine trong các lĩnh vực chính sách then chốt có thể là ngoại lệ.