Kênh CNN đưa tin, ông Mike Waltz, người được Tổng thống đắc cử Donald Trump bổ nhiệm làm Cố vấn An ninh Quốc gia, đang cân nhắc một số "kịch bản" từ các đồng minh để chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine, bao gồm một đề xuất từ Trung tướng Keith Kellogg, người mà ông Donald Trump đã bổ nhiệm làm đặc phái viên tới 2 quốc gia này.
Ông Mike Waltz, người được Tổng thống đắc cử Donald Trump bổ nhiệm làm Cố vấn An ninh Quốc gia, đang xem xét 3 "kịch bản" để chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Ảnh: Getty Image. |
Theo các nguồn tin của CNN, mặc dù các chi tiết cụ thể của các "kịch bản" vẫn đang được hoàn thiện, các quan chức được ông Donald Trump bổ nhiệm mong muốn thúc đẩy lệnh ngừng bắn ngay từ đầu nhiệm kỳ, để tạm thời đóng băng xung đột trong khi cả hai bên đàm phán. Đội ngũ của ông Donald Trump cũng sẽ thúc đẩy các đồng minh châu Âu và NATO chia sẻ chi phí để hỗ trợ Ukraine.
Trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình Fox News vào cuối tuần trước, ông Waltz tuyên bố: "Chúng ta cần chấm dứt tình trạng này một cách có trách nhiệm. Chúng ta cần khôi phục khả năng răn đe, khôi phục hòa bình và đi trước một bước trong quá trình leo thang xung đột, thay vì phản ứng lại nó".
Trong số 3 "kịch bản" mà ông Waltz đang xem xét, nổi bật nhất là kế hoạch từ Trung tướng Kellogg, người từng là Cố vấn An ninh Quốc gia trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Kế hoạch này kêu gọi Mỹ tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine, với điều kiện là Kiev tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với Nga, và đưa ra "một chính sách chính thức của Mỹ nhằm tìm kiếm lệnh ngừng bắn và giải quyết thông qua đàm phán cho cuộc xung đột Ukraine". Trong khi đó, mong muốn gia nhập NATO của Ukraine sẽ bị "hoãn lại" trong một thời gian dài để kéo Nga ngồi vào bàn đàm phán.
Ông Waltz cũng đang xem xét một đề xuất đã được cựu đại sứ Mỹ tại Đức Ric Grenell tán thành. Ông Grenell trước đây đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc thành lập "các khu vực tự trị" bên trong Ukraine, mặc dù chi tiết về kế hoạch này vẫn chưa được rõ ràng. Trả lời phỏng vấn của Bloomberg vào tháng 7 vừa qua về kế hoạch trên, ông Grennel nói: "Các khu vực tự trị có thể có ý nghĩa rất lớn đối với nhiều người, nhưng bạn phải giải quyết các chi tiết đó".
Một ý tưởng khác đang được đưa ra là cho phép Nga giữ lại lãnh thổ mà nước này đang nắm giữ, để đổi lấy việc Ukraine trở thành thành viên NATO, mặc dù ít người trong đội ngũ của ông Donald Trump có mong muốn mời Ukraine gia nhập NATO trong thời gian tới.
Chính quyền Tổng thống đương nhiệm Joe Biden cũng phần nào đồng tình với quan điểm trên, khi nói rằng Ukraine sẽ có thể gia nhập NATO, nhưng chỉ khi chiến sự Nga - Ukraine kết thúc. Ukraine cũng là vấn đề chính mà ông Mike Waltz đã thảo luận với Cố vấn An ninh Quốc gia đương nhiệm, ông Jake Sullivan, trong một cuộc họp vào tuần trước.
Trả lời phỏng vấn của kênh CNN, Phát ngôn viên Nhóm Chuyển giao Quyền lực của ông Donald Trump, ông Steven Cheung cho biết Tổng thống đắc cử sẽ cam kết chấm dứt chiến tranh.
"Như Tổng thống đắc cử Donald Trump đã nói trong chiến dịch tranh cử, ông là người duy nhất có thể đưa cả hai bên lại với nhau để đàm phán hòa bình, hướng tới chấm dứt chiến tranh và chấm dứt thương vong", ông Cheung khẳng định.
Trước khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, ông Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố rằng chiến sự Nga - Ukraine sẽ không bắt đầu nếu ông là Tổng thống. Ông cũng nhiều lần tuyên bố sẽ chấm dứt chiến tranh, và vào tháng 7, ông cho biết ông có thể giải quyết xung đột trong một ngày.
Vào tháng 9 vừa qua, trong một sự kiện vận động tranh cử, ông Donald Trump từng gợi mở rằng Ukraine nên "nhượng bộ" cho Nga, khẳng định rằng "bất kỳ thỏa thuận nào, cũng sẽ tốt hơn những gì chúng ta có hiện tại".