Tái định vị thương hiệu hậu Covid-19: Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì?
Câu chuyện VPBank gần đây đã tái định vị thương hiệu là một ví dụ. Ngân hàng này đã thay đổi slogan và tinh chỉnh logo. Sự thay đổi này hướng đến phong cách hiện đại hơn, hài hoà hơn và nhận diện mới của ngân hàng là biểu trưng cho gắn kết của con người và công nghệ.
CEO Pencil Group Nguyễn Tiến Huy (ở giữa) chia sẻ về thương hiệu tại một sự kiện |
Theo VPBank, với định vị mới, tuyên ngôn thương hiệu của VPBank sẽ được thay đổi từ “Hành động vì những ước mơ” thành “Vì một Việt Nam thịnh vượng”. Sứ mệnh đó sẽ được VPBank từng bước hiện thực hóa thông qua nhiều chương trình, dự án trọng điểm tập trung.
Theo ông Nguyễn Tiến Huy, nhà sáng lập và điều hành tổ hợp truyền thông Pencil Group, đơn vị vừa triển khai dự án tái định vị thương hiệu cho VPBank cho rằng, quá trình tái định vị thương hiệu thường diễn ra ở những doanh nghiệp có lịch sử lâu năm trên thị trường hay thậm chí đã từng có vị thế nhất định trong quá khứ.
Trước bối cảnh chung có nhiều biến động của kinh tế, xã hội, các doanh nghiệp buộc phải chuyển mình để thích ứng linh hoạt với những sự dịch chuyển chung, đặc biệt là sự lên ngôi của công cuộc chuyển đổi số và các thế hệ tiêu dùng mới. Vì hậu Covid-19, sự dịch chuyển về lối sống số mạnh mẽ hơn rất nhiều. Tất cả mọi người đều giao tiếp kết nối, tương tác với nhau trên môi trường số.
Vì thế, mỗi doanh nghiệp cần xác định doanh nghiệp của mình đang ở đâu trong bối cảnh chung của kinh tế xã hội và trong các bối cảnh riêng của thị trường, đặc thù ngành hàng, thậm chí là phải hình dung được trước cả những viễn cảnh tương lai.
Bên cạnh đó, xét ở khía cạnh kinh doanh, ngay khi doanh số, thị phần hay các năng lực, lợi thế cạnh tranh trở nên suy yếu trong một khoảng thời gian dài thì đó chính là thời điểm thích hợp nhất để doanh nghiệp “làm mới” lại lại thương hiệu của mình.
Theo ông Nguyễn Tiến Huy, có 5 giai đoạn lớn mà doanh nghiệp cần chuẩn bị tái định vị thương hiệu bao gồm: Nghiên cứu và phân tích bối cảnh; xây dựng chiến lược lấy tinh thần thương hiệu làm trung tâm; thiết kế kiến trúc thương hiệu; sáng tạo bản sắc thương hiệu và cuối cùng là đưa vào ứng dụng bằng chiến lược truyền thông phù hợp.
Nền tảng bắt buộc của quy trình này bao gồm một bản phân tích chuyên sâu về phân khúc khách hàng, đối thủ cạnh tranh, xu hướng thị trường, các yếu tố môi trường, điểm mạnh, điểm yếu hiện tại của thương hiệu và chiến lược, mô hình kinh doanh trong tương lai.
CEO Pencil Group còn cho hay, một vấn đề nhiều doanh nghiệp cũng quan tâm đó là khi tái định vị thương hiệu, làm thế nào để thoát ra khỏi cái bóng của thương hiệu cũ, nhất là khi chúng ta đã có sẵn khách hàng.
Tái định vị là một giải pháp hiệu quả cho một thương hiệu đang gặp các vấn đề hoặc đang có sự thay đổi lớn về định hướng, sự phát triển. “Có một sự thật là việc tái định vị thương hiệu sẽ khó hơn định vị thương hiệu ban đầu vì bạn phải giúp khách hàng “nhận thức mới” định vị thương hiệu hiện tại, tức là thay đổi những gì họ đã nghĩ” - ông Nguyễn Tiến Huy nhấn mạnh.
Theo đánh giá của giới truyền thông, việc một doanh nghiệp của Việt Nam như Pencil Group là tác giả của chiến lược tái định vị thương hiệu, thiết kế bộ nhận diện thương hiệu và truyền thông thương hiệu cho một ngân hàng lớn như VPBank đã cho thấy năng lực sáng tạo của người Việt không hề thua kém doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt đã vươn lên đứng ngang hàng với các tập đoàn đa quốc gia và chiến thắng trong những dự án phát triển thương hiệu lớn của nước nhà.