Sự kiện nào đánh dấu 'hào quang rực rỡ' của Thượng tọa Thích Chân Quang?
Thời điểm đó, Thượng tọa Thích Chân Quang được cho là vị tu sĩ Phật giáo đầu tiên trên cả nước đón nhận danh hiệu này. Danh hiệu trên ghi nhận những đóng góp của vị Thượng tọa trụ trì chùa Phật Quang đối với Phật giáo Việt Nam và các hoạt động xã hội.
Theo Đài Phát thanh và Truyền hình Bà Rịa - Vũng Tàu, Thượng tọa Thích Chân Quang nhận bảng vàng vinh danh "Nhân tài đất việt thời kỳ hội nhập quốc tế" ngay tại Thiền tôn Phật Quang ở Núi Dinh, thôn Chu Hải, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thời điểm nhận vinh danh, vị Thượng tọa còn là trụ trì chùa Phật Quang, Phó trưởng Ban Kinh tế tài chính Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Sự kiện đánh dấu "hào quang rực rỡ" đối với Thượng tọa Thích Chân Quang. |
Bản tin của Đài Phát thanh và Truyền hình Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, vị Thượng tọa trụ trì chùa Phật Quang nhận vinh dự trên do đã thành lập Hội từ thiện Thiền Tôn Phật Quang, chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện, có những đóng góp lớn cho các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội.
Chỉ trong vòng 6 năm, từ năm 2013 đến 2018, chùa Phật Quang đã đóng góp hơn 307 tỷ đồng cho các hoạt động thiện nguyện.
Các hoạt động thiện nguyện được trải dài bởi nhiều chương trình như: Xây cầu, đắp lại các đoạn đường hư hỏng; xây nhà tình thương; tặng quà Tết cho các hộ gia đình khó khăn; triển khai chương trình đạo đức học đường nhằm xây dựng nền tảng đạo đức cho các em học sinh; hỗ trợ tìm việc làm cho sinh viên…
Thượng tọa Thích Chân Quang, tên thật là Vương Tấn Việt được biết đến là người khai phá, xây dựng chùa Phật Quang ngày nay với vai trò là trụ trì ngôi chùa này.
Ông là người tổ chức và tham gia trực tiếp vào việc thuyết giảng tại nhiều ngôi chùa trong và ngoài nước, đã viết và xuất bản nhiều đầu sách ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Từ sau khi nhận bảng vàng vinh danh, vị Thượng tọa chùa Phật Quang còn có thêm "mốc son" trong sự nghiệp của mình khi cuối năm 2021, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ được Trường Đại học Luật Hà Nội trao bằng Tiến sĩ ngành Luật.
Tuy nhiên, từ hồi tháng 5/2024, Thượng tọa Thích Chân Quang liên tục vướng lùm xùm liên quan đến thuyết giảng và các phát ngôn gây xôn xao dư luận.
Sau đó, ông bị Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỷ luật, yêu cầu không được thuyết giảng dưới mọi hình thức, không chủ trì tổ chức các sự kiện tập trung đông người tại Thiền tôn Phật Quang và các địa điểm khác trong thời gian 2 năm.
Sóng gió vẫn chưa dừng lại, khi mới đây vị Thượng tọa chùa Phật Quang tiếp tục bị cư dân mạng réo tên, ghép hình ảnh và chia sẻ trên nhiều nền tảng mạng xã hội.
Một trong vấn đề được cư dân mạng đặt nhiều dấu hỏi nhất trong những ngày qua là tấm bằng Tiến sỹ ngành Luật của Trường Đại học Luật Hà Nội mà ông nhận năm 2021.
Vấn đề mà cư dân mạng đặt ra là thời gian từ lúc Thượng tọa Thích Chân Quang trúng tuyển (tháng 11/2019) đến lúc bảo vệ luận án Tiến sĩ vào tháng 12/2021 tương đương 2 năm (24 - 25 tháng) liệu có đúng quy trình, quy định hiện hành?
Liên quan đến vấn đề này, chiều 24/6, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, một lãnh đạo Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, Thượng tọa Thích Chân Quang là người học hành nghiêm túc, chăm chỉ và trong các quá trình đều đảm bảo đúng quy định.
“Trường Đại học Luật Hà Nộilà cơ sở đào tạo uy tín nên không có việc như thông tin đồn thổi trên mạng xã hội. Tất cả mọi thứ đều đúng quy trình và quy định. Người nào đăng tin vu khống, xúc phạm khi cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ thì người đó phải chịu trách nhiệm", vị đại diện này nói.
Đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội khẳng định quá trình đào tạo, công nhận trình độ tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt - Thượng tọa Thích Chân Quang đã được thực hiện đúng, đầy đủ các bước theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo Trường Đại học Luật Hà Nội, không chỉ ông Thích Chân Quang, mà bất cứ học viên nào theo học tại trường đều phải đáp ứng đầy đủ, đúng các quy định, điều kiện.