Chiều 25/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn yêu cầu Trường Đại học Luật Hà Nội báo cáo về quá trình tuyển sinh, đào tạo (gồm cả việc nộp hồ sơ phản biện, bảo vệ luận án...) và có minh chứng kèm theo liên quan vụ nghiên cứu sinh Thích Chân Quang (tên thật là Vương Tấn Việt) nhận bằng Tiến sĩ chỉ trong 2 năm đang gây xôn xao dư luận.
Ông Thích Chân Quang trong ngày nhận bằng tại trường Đại học Luật Hà Nội. Nguồn ảnh: Giáo hội Phật giáo Việt Nam |
Được biết, vào tháng 6/2019, Trường Đại học Luật Hà Nội công bố phương án tuyển nghiên cứu sinh năm 2019, trong đó quy định rõ với người có bằng Cử nhân luật hệ chính quy loại giỏi trở lên do các trường đại học trong nước cấp được phép học thẳng lên Tiến sĩ. Sau khi trúng tuyển, thí sinh phải học bổ sung kiến thức ở trình độ Thạc sĩ của ngành đào tạo tiến sĩ đã trúng tuyển.
Tuy nhiên, đến ngày 30/9/2019, nhà trường đưa lại thông báo điều chỉnh điều kiện tuyển nghiên cứu sinh, cho phép học viên có bằng Cử nhân luật loại giỏi trở lên do các trường đại học trong nước cấp được học thẳng lên Tiến sĩ.
Đến tháng 11/2019, Trường Đại học Luật Hà Nội phê duyệt và công bố danh sách thí sinh trúng tuyển nghiên cứu sinh luật đợt 2. Trong đó có ông Thích Chân Quang là nghiên cứu sinh ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính. Tính từ thời gian trúng tuyển (tháng 11/2019) đến khi bảo vệ luận án Tiến sĩ vào tháng 12/2021, ông Thích Chân Quang hoàn thành quá trình học trong 25 tháng.
Nhận xét về điều này, Phó giáo sư Nguyễn Tiến Trung, giảng viên một trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, quy chế đào tạo chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, thời gian để hoàn thành bậc Tiến sĩ tiêu chuẩn là 3 - 4 năm. Chỉ nghiên cứu sinh nào đặc biệt xuất sắc, được hiệu trưởng trường đại học phê duyệt mới có thể rút ngắn thời gian hoàn thành xuống tối đa là 36 tháng - tức 3 năm.
Theo Phó giáo sư Nguyễn Tiến Trung, thông thường, một cử nhân loại giỏi học thẳng lên Tiến sĩ sẽ cần tới 1 năm để hoàn thành từ 4 - 8 môn học bổ sung theo chương trình. Tính cả thêm quãng thời gian 2 năm để tự làm việc và học tập, các nghiên cứu sinh cần tối thiểu 3 năm trước khi bước vào giai đoạn nghiên cứu, thực hiện khảo sát, viết luận án. Vì vậy, Phó giáo sư Nguyễn Tiến Trung cho rằng các quy chế của Trường Đại học Luật Hà Nội trong đào tạo Tiến sĩ và quy trình thẩm định kết quả học tập của nhà trường cần được xem xét lại.
Giải đáp các thắc mắc của dư luận, Giáo sư Nguyễn Minh Đoan, người được trường Đại học Luật Hà Nội giao nhiệm vụ hướng dẫn ông Thích Chân Quang, lại cho rằng nghiên cứu của ông Thích Chân Quang là vấn đề lớn và đột phá.
Giáo sư Nguyễn Minh Đoan nói: "Tôi từng hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh nhưng đây là trường hợp đặc biệt". Giáo sư cũng đánh giá ông Thích Chân Quang là người có năng lực, hoàn thành rất nhanh đề tài nghiên cứu, có đam mê nghiên cứu khoa học chứ không phải làm vì nghĩa vụ.
Về vụ việc trên, đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, tổng thời gian đào tạo Tiến sĩ của ông Thích Chân Quang đã đáp ứng và tuân thủ quy chế đào tạo Tiến sĩ được ban hành trong Thông tư 08 cũng như đúng với quy định của Trường Đại học Luật Hà Nội.
Cụ thể, điểm b khoản 2 Điều 9 Thông tư 08 quy định: "Trong trường hợp đặc biệt, nghiên cứu sinh được rút ngắn hoặc kéo dài thời gian học tập…". Điểm c cũng của khoản 2 Điều 9 Thông tư 08 quy định: "Thủ trưởng cơ sở đào tạo xem xét, quyết định cho phép nghiên cứu sinh được rút ngắn thời gian học tập nếu nghiên cứu sinh hoàn thành đầy đủ chương trình đào tạo…".
Theo Trường Đại học Luật Hà Nội, ngày 3/10/2021 ông Thích Chân Quang đã có đơn xin rút ngắn thời gian đào tạo, đơn đã được hội đồng bảo vệ luận án cấp trường và được nhà trường đồng ý. Tuy vậy, đại diện lãnh đạo Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết nhà trường đang rà soát hồ sơ của ông Thích Chân Quang, và sẽ có văn bản báo cáo chi tiết liên quan đến sự việc trên.
Trước đó, ngày 19/6, thượng tọa Thích Phước Nguyên - Phó Tổng thư ký Hội đồng trị sự, Chánh Văn phòng 2 Trung ương giáo hội - đã thay mặt Ban thường trực Hội đồng trị sự ấn ký thông báo kỷ luật đối với thượng tọa Thích Chân Quang, trụ trì Thiền tôn Phật Quang (thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Cụ thể, thượng tọa Thích Chân Quang không được thuyết giảng dưới mọi hình thức, không chủ trì tổ chức các sự kiện tập trung đông người tại Thiền tôn Phật Quang và các địa điểm khác trong thời gian 2 năm.