Sử dụng hóa chất trong công nghiệp: Sẽ quản chặt hơn
Vẫn còn vi phạm
Vĩnh Phúc – địa phương có ngành công nghiệp khá phát triển, chiếm 60% cơ cấu kinh tế của tỉnh. Do đó, nhu cầu sử dụng hóa chất trong sản xuất của DN, nhất là lĩnh vực sản xuất ôtô, xe máy; linh kiện điện tử; khai khoáng; may mặc… ngày càng tăng. Đa phần các loại hóa chất đều có đặc tính nguy hiểm, dễ cháy nổ, oxy hóa, ăn mòn, độc tính cấp, độc mãn tính... đe dọa đến sức khỏe, tính mạng con người và môi trường sống.
Diễn tập ứng phó sự cố hóa chất |
Theo báo cáo của Sở Công Thương Vĩnh Phúc, qua công tác rà soát, kiểm tra hàng năm cho thấy, vẫn còn DN chưa chấp hành các quy định về an toàn hóa chất (ATHC) trong sản xuất, vận chuyển, lưu trữ và sử dụng. Đặc biệt, một số DN chưa thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, khai báo hoạt động kinh doanh, sử dụng hóa chất định kỳ theo quy định. Hiện, cả tỉnh có hơn 7.000 DN đang hoạt động song mới chỉ có gần 40 DN khai báo, nộp báo cáo.
Tương tự, Bình Dương hiện có 1.042 DN sử dụng hóa chất phục vụ cho sản xuất công nghiệp hoạt động trong nhiều ngành nghề. Do đó, việc quản lý, thanh tra, kiểm tra ATHC thuộc thẩm quyền của ngành Công Thương gặp không ít khó khăn. "Luật Hóa chất và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan được ban hành tương đối muộn (tháng 7/2007 trở về sau) đã có nhiều điểm bất cập; các văn bản quy phạm pháp luật chưa điều chỉnh đến hóa chất là hỗn hợp chất và quy định về trình độ chuyên môn của người quản lý hóa chất…" - đại diện Sở Công Thương Bình Dương cho biết.
Tăng cường quản lý
Trước thực trạng trên, ông Phạm Huy Nam Sơn - Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố và an toàn hóa chất - Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) - cho rằng, cần nâng cao năng lực công tác quản lý tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các đơn vị có hoạt động hóa chất về việc thực hiện quy định an toàn, phòng, chống cháy nổ, phát tán chất độc hại. "Đồng thời, tuyên truyền ý thức chấp hành ATHC là những phương án mà Cục Hóa chất đã và đang thực hiện nhằm đưa hoạt động sử dụng hóa chất trong công nghiệp tại các DN từng bước đi vào nề nếp" - ông Phạm Huy Nam Sơn khẳng định. Tại địa phương, Sở Công Thương Vĩnh Phúc đã chú trọng đẩy mạnh kiểm tra theo kế hoạch về ATHC; ban hành văn bản về việc quản lý hóa chất và công tác diễn tập ứng phó sự cố đến các DN có hoạt động hóa chất; chú trọng yêu cầu DN báo cáo định kỳ việc sử dụng hóa chất của đơn vị theo quy định.
Sở Công Thương Bình Dương sẽ chủ động tham mưu UBND tỉnh kiện toàn ban chỉ đạo ứng cứu sự cố hóa chất; xây dựng cơ sở dữ liệu DN hoạt động hóa chất cũng như tăng cường việc tổ chức thực hiện diễn tập ứng phó, huấn luyện chuyên sâu nhằm hướng dẫn DN thực hiện diễn tập ứng phó sự cố hóa chất phù hợp với từng loại hình nguy cơ. Đặc biệt, Sở sẽ phối hợp với các địa phương, ngành chức năng trong thanh tra, kiểm tra; xử lý đơn vị vi phạm an toàn hoạt động hóa chất.
Cục Hóa chất đề nghị các địa phương chủ động thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong ứng phó sự cố hóa chất. |