Standard Chartered điều chỉnh tăng trưởng của Việt Nam từ 6,7% xuống 6,5%
Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Việt Nam và Thái Lan của Standard Chartered chia sẻ, Việt Nam đang trên con đường tiến tới mục tiêu trở thành trung tâm chuỗi cung ứng mang tầm khu vực, một nền kinh tế công nghiệp hiện đại và một quốc gia có thu nhập cao trong tương lai. Dịch COVID-19 được kiểm soát tốt trong năm 2020 đã giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng được hưởng lợi từ quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng trong những năm gần đây.
“Khả năng kiếm soát dịch COVID-19 sẽ đóng vai trò quan trọng đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn” - ông Tim Leelahaphan nói.
Các chuyên gia kinh tế của Standard Chartered dự báo các lĩnh vực tập trung vào thị trường trong nước như bán lẻ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu làn sóng dịch COVID-19 hiện tại kéo dài. Điều cần chú ý hiện nay là liệu những tác động lên lĩnh vực công nghiệp sẽ là nhất thời hay sẽ kéo dài.
Đại dịch đã gây ra những ảnh hưởng lên nền kinh tế trong nước khi lĩnh vực du lịch bị co hẹp, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và nhu cầu từ thị trường quốc tế suy yếu, tuy nhiên, các yếu tố bên ngoài đang cho thấy những dấu hiệu hồi phục. Xuất khẩu trong nửa đầu năm đã tăng 28,4% và nhập khẩu tăng 36,1%.
Theo Standard Chartered, lạm phát gia tăng sẽ ảnh hưởng đến khả năng xảy ra các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo. Mặc dù tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tín dụng đã được cải thiện từ quý IV năm 2020, Standard Chartered cho rằng các đợt tăng lãi suất sẽ không xảy ra.
Cũng theo Standard Chartered, Ngân hàng Nhà nước có khả năng sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 4% cho đến cuối năm 2023 để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Khả năng xảy ra một đợt tăng lãi suất có thể sẽ gia tăng nếu lạm phát và tốc độ tăng trưởng tăng nhanh hơn dự kiến.
Dự báo cho năm 2022 tiếp tục được duy trì ở mức 7,3% dựa trên kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. Làn sóng COVID-19 hiện tại có thể ảnh hưởng tới các dự báo trong tương lai.