Sơn La phấn đấu trở thành trung tâm chế biến sâu nông sản
Đặc biệt, tỉnh đã và đang chuyển hướng với mục tiêu trở thành trung tâm chế biến sâu mặt hàng nông sản.
Tiềm năng lớn về sản xuất nông nghiệp
Nằm ở trung tâm của Tiểu vùng Tây Bắc với vị trí địa lý kinh tế thuận lợi, Sơn La có lợi thế nổi trội về thổ nhưỡng, khí hậu ôn đới, có diện tích tự nhiên trên 14.000 km2, lớn thứ 3 cả nước… Với 350.000 ha đất làm nông nghiệp, hàng năm, Sơn La sản xuất trên 1 triệu tấn sản phẩm nông sản các loại (trừ lâm sản gỗ, tre, nứa…) đây là lợi thế cho việc phát triển công nghiệp chế biến.
Sơn La tiếp tục hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho nông sản |
Hiện nay, Sơn La đã có vùng nguyên liệu cà phê, chè, mía, sắn, bò sữa, chanh leo… dồi dào. Cụ thể, vùng nguyên liệu cà phê 17.840 ha, sản xuất 25.048 tấn cà phê nhân/năm; chè 5.474 ha với 47.424 tấn chè búp tươi/năm (khoảng 6.000 tấn chè khô/năm); sắn 37.017 ha, sản lượng 439.657 tấn sắn củ/năm; diện tích cây ăn quả 70.327 ha, sản lượng quả 246.970 tấn/năm, cây đậu tương 731 ha, rau các loại 10.306 ha; sản lượng rau, đậu các loại 128.383 tấn/năm…
Thời gian qua, nông sản, thực phẩm địa phương đã từng bước được sản xuất theo quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo các tiêu chuẩn của thị trường. Sản xuất nông nghiệp đã bước đầu gắn với công nghiệp chế biến để đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Giai đoạn 2016-2020, Chỉ số sản xuất công nghiệp đã có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 24,1%/năm, trong đó công nghiệp chế biến nông sản tăng bình quân đạt 8,08%/năm. Chế biến nông sản chiếm 29,4% trong tổng chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh (cao nhất trong 4 tỉnh Tiểu vùng Tây Bắc). Cùng với mô hình kho lạnh, hiện nay, toàn tỉnh có trên 500 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản. Toàn tỉnh có 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; có 24 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có 2 sản phẩm được bảo hộ tại châu Âu và Thái Lan.
Điểm đến cho doanh nghiệp chế biến
Với tiềm năng lớn của ngành nông nghiệp, kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp chế biến nông sản. Thời gian qua, cơ cấu thành phần ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp của tỉnh cũng có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, giảm tỷ trọng các doanh nghiệp chế biến nông sản thuộc thành phần kinh tế nhà nước.
Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược của Tập đoàn TH đặt tại huyện Vân Hồ tỉnh Sơn La |
Một số tập đoàn, doanh nghiệp có năng lực, uy tín cao hàng đầu trong lĩnh vực chế biến, bảo quản, xuất khẩu nông sản trong và ngoài nước đã quan tâm đầu tư các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh như: Vinamilk (nhà máy chế biến sữa tại Mộc Châu); Tập đoàn TH (Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ); Công ty CP Thực phẩm Đồng Giao (Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La); Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea)...
Các doanh nghiệp đã tích cực đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ, áp dụng công nghệ mới hiện đại, tiên tiến trong chế biến nông sản như: Chuyển chế biến từ sấy truyền thống sang sấy hơi nóng, lạnh; từ công nghiệp cơ sang điện tử, điện tử tự động, công nghệ 4.0… Đặc biệt, các hộ sản xuất cá thể có xu hướng sáp nhập để hình thành các hợp tác xã, liên hợp tác xã. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân cũng năng động trong đổi mới kỹ thuật công nghệ, tiếp thu công nghệ hiện đại.
Trong quá trình đầu tư, các doanh nghiệp đã kiểm soát chặt chẽ việc chuyển giao công nghệ, lựa chọn công nghệ tiên tiến, máy móc, thiết bị hiện đại; tích cực áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến ISO 9000, ISO 14000 nhất là hệ thống tiêu chuẩn HACCP (Hazard Analysis and Critical Control Points) là hệ thống quản lý mang tính phòng ngừa nhằm đảo bảo an toàn thực phẩm thông qua nhận biết mối nguy, thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát tại các điểm tới hạn.
Với sự đầu tư nghiêm túc, thời gian qua, sản phẩm nông sản chế biến trên địa bàn tỉnh đã tăng nhanh về số lượng, mẫu mã, nhãn mác, chất lượng cũng như giá trị, đảm bảo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, HCCP, đảm bảo các quy chuẩn trong nước và quốc tế. Một trong số đó phải kể đến Trung tâm chế biến rau, quả Doveco đang trở thành một trong những đầu tàu, dẫn dắt giúp địa phương phát triển vùng nguyên liệu theo hướng quy mô hàng hóa có sự liên kết giữa công ty và người dân trong phát triển các loại cây ăn quả phục vụ cho nhà máy chế biến. Ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc trung tâm - cho biết, với công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm thì nhu cầu đáp ứng cho trung tâm cần từ 130.000-170.000 nguyên liệu các loại trong một năm. Từ những năm 2019 đến nay, trung tâm đã triển khai được gần 500ha dứa, 200 chanh leo; đồng thời, mỗi một vụ, triển khai khoảng 500 đến 700ha ngô ngọt và đậu tương, rau.
Hiện nay, tỉnh Sơn La đang tiếp tục tăng cường, đổi mới các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản; phát triển thương mại điện tử nhằm tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản của tỉnh sang thị trường nước ngoài; xây dựng thương hiệu và tìm kiếm đối tác tiêu thụ, nhà nhập khẩu để mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản, nhất là những thị trường có tiềm năng cho việc xuất khẩu nông sản của tỉnh như: Trung Quốc, Đức, Australia, Anh,... Đồng thời, tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản, nhất là sản phẩm chế biến đóng gói tại địa phương.
Ngoài ra, Sơn La tiếp tục hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu cho các mặt hàng nông sản của địa phương. Tập trung cao vào xây dựng mã số vùng trồng và các giải pháp đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu. Nỗ lực này sẽ giúp Sơn La sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất, chế biến nông sản của cả nước.
Thời gian qua, nông sản, thực phẩm Sơn La đã từng bước được sản xuất theo quy trình an toàn, đảm bảo các tiêu chuẩn của thị trường. |