Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam: Thách thức và kỳ vọng
Thực hiện chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam và Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg ngày 23/12/2020 Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) được ra đời trên cơ sở sáp nhập Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSX).
Hai Sở giao dịch này nay trở thành hai công ty con của VNX do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Yêu cầu thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển cả chiều rộng và chiều sâu đòi hỏi cần có sự thay đổi về mô hình tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán. Sự phát triển này cũng không nằm ngoài quy luật tự nhiên, khi mà xu hướng chung hiện nay là hợp nhất, sáp nhập các Sở Giao dịch chứng khoán để giảm thiểu chi phí xã hội, tăng quy mô để tạo ra thị trường lớn, hấp dẫn với nhiều sản phẩm đa dạng, thu hút tốt hơn dòng vốn quốc tế.
Tuy “sinh sau đẻ muộn” với thế giới, qua 25 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển ngày càng vững chắc hơn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thực sự trở thành một kênh huy động vốn quan trọng trong và ngoài nước cho nền kinh tế và thúc đẩy thị trường tài chính phát triển.
Ở thời điểm hiện tại trên thị trường cổ phiếu, chỉ số VN Index đã vượt mốc 1.500 điểm và là mức cao nhất kể từ khi thị trường chứng khoán chính thức đi vào hoạt động; giá trị giao dịch bình quân 11 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 37,2 nghìn tỷ đồng trên một phiên, gấp hơn 2 lần so với năm 2020;
Số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới đạt mức kỷ lục, chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới đạt gần 1,1 triệu tài khoản, cao hơn lũy kế 4 năm liên tiếp từ 2017-2020; tính đến hết tháng 10/2021, tổng quy mô vốn hóa cổ phiếu và dư nợ trái phiếu trên thị trường đạt gần 163% GDP năm 2020.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái (thứ nhất bên trái) và Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (thứ nhất bên phải) trao quyết định thành lập VNX và bổ nhiệm lãnh đạo VNX |
Trong lễ ra mắt Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam ngày 11/12/2021 tại Hà Nội, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh hai nhiệm vụ với ngành chứng khoán Việt Nam.
Tổ chức đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 01/3/2012), trong đó chỉ ra những nhiệm vụ đã hoàn thành, những nhiệm vụ chưa hoàn thành, những hạn chế yếu kém, bài học kinh nghiệm; chủ động đề xuất phương hướng cho Chiến lược trong giai đoạn tới 2021-2030.
Rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, có các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển thị trường chứng khoán bền vững hơn, nâng cao chất lượng và đa dạng nhiều hơn về sản phẩm và cơ sở nhà đầu tư, tạo môi trường thông thoáng, công khai, minh bạch, hiệu quả hơn nữa, làm sao để thị trường hoạt động an toàn và hiệu quả, đủ sức chống chịu những cú sốc của nền kinh tế.
Đi cùng đó các nhiệm vụ trong tâm khác với ngành chứng khoán Việt Nam cũng được lãnh đạo Chính phủ chỉ ra. Theo đó tăng cường công tác quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi pháp luật, đảm bảo tính công bằng, công khai, minh bạch, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư.
Đẩy mạnh tái cấu trúc toàn diện thị trường chứng khoán, trong đó tập trung cơ cấu lại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, không những về số lượng mà cả mô hình, chức năng hoạt động của tổ chức này.
“Hiện đại hóa hạ tầng công nghệ, làm chủ và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chủ động hội nhập thị trường tài chính quốc tế”- Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Sự ra đời của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng là sẽ thống nhất các mảng thị trường chứng khoán Việt Nam còn phân tán. Từ đó tăng quy mô, vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam, hội tụ đủ tiêu chuẩn để hội nhập và liên kết quốc tế, thu hút tốt hơn dòng vốn đầu tư trong nước và ngoài nước.