Sẽ có 5 ngân hàng được nới room tín dụng?
Với quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024, ngày 28/11, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cấp bổ sung hạn mức tín dụng cho các ngân hàng đã sử dụng từ 80% hạn mức được cấp. Đây là lần cấp hạn mức tín dụng bổ sung thứ 2 trong năm 2024 (lần 1 vào tháng 8/2024).
Theo Công ty CP Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS), có 5 ngân hàng đủ điều kiện được cấp hạn mức tín dụng bổ sung lần này gồm: VietinBank, ACB, VIB, Techcombank và MSB. Cụ thể, theo thống kê của SHS, 5 ngân hàng kể trên có hạn mức tín dụng ban đầu là: VietinBank (14%), ACB (16,1%), VIB (16%), Techcombank (16%) và MSB (14,2%); hạn mức tín dụng đến tháng 8/2024 của 5 nhà băng này là: VietinBank (14%), ACB (18,4%), VIB (18,4%), Techcombank (18,5%) và MSB (16,3%); SHS dự báo các ngân hàng này sẽ được bổ sung hạn mức lần lượt là: VietinBank (2%); ACB (2,29%); VIB (3,2%); Techcombank (1,5%) và MSB (1,97%).
“Việc được cấp thêm room tín dụng giúp các ngân hàng nói trên mở rộng quy mô kinh doanh, khi mà nhu cầu tín dụng thường cao thời điểm cuối năm” - bà Đoàn Thị Ánh Nguyệt, chuyên gia phân tích của SHS khẳng định.
Tính đến hết 27/11/2024, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ước đạt 11,5%, tổng dư nợ tín dụng tính đến hết quý 3/2024 đạt hơn 14,8 triệu tỷ đồng, trong đó 27 ngân hàng niêm yết chiếm 11,4 triệu tỷ đồng, tương đương 77% toàn ngành.
Nhóm ngân hàng tư nhân đặc biệt là nhóm cho vay doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn như: Techcombank, HDBank hay LPBank đều đã vượt hạn mức năm và đã được nới room tín dụng trong quý 4 năm nay.
Ước tính có 5 ngân hàng đủ điều kiện được cấp hạn mức tín dụng bổ sung. Ảnh: Duy Minh |
Trong khi đó, ở nhóm ngân hàng tư nhân cho vay bán lẻ, VPBank tăng trưởng tín dụng 9% (55% hạn mức), khá thấp so với các ngân hàng thương mại khác trong nhóm. Lý do một phần đến từ việc VPBank tiếp tục chủ động giảm dư nợ trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, 9 tháng năm 2024 ghi nhận dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng này giảm 47% xuống 18.442 tỷ đồng sau khi đã giảm 20% trong năm 2023. Đồng thời, cho vay khách hàng hợp nhất tăng 12,2% (cùng kỳ 2023 tăng 19%).
Dư nợ tín dụng bất động sản 9 tháng 2024 đạt 3,15 triệu tỷ đồng tăng 15% so với cùng kỳ và tăng 9% từ đầu năm, chiếm khoảng 21% tổng tín dụng. Dự nợ trong lĩnh vực này có sự phân hóa rõ rệt giữa tín dụng đầu tư và tín dụng tiêu dùng. Mảng bất động sản tiêu dùng cá nhân vay mua nhà, sửa nhà trong 9 tháng năm 2024 đạt 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,2% so với năm ngoái và tăng 4,6% từ đầu năm. Mảng cho vay chủ đầu tư liên tục tăng tỷ trọng trong 2 năm gần đây, đạt 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 28,2% so cùng kỳ năm ngoái và 16,0% từ đầu năm.
Về lãi suất huy động, theo thống kê, có 15 ngân hàng đã tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 11. Trong đó, MB, Agribank và VIB là các ngân hàng đã hai lần tăng lãi suất kể từ đầu tháng để chuẩn bị nguồn vốn phục vụ cho cao điểm giải ngân tín dụng cuối năm.
Là ngân công bố chương trình huy động tiết kiệm nhân dịp Xuân Đinh Tỵ 2025 sớm nhất thị trường, OceanBank cho biết, khách hàng tham gia gửi tiết kiệm trong chương trình “Chào xuân rộn ràng - Tưng bừng lãi suất”, với các kì hạn dưới 12 tháng sẽ được hưởng mức lãi suất thuộc top dẫn đầu thị trường. Cụ thể, kì hạn 1 tháng lãi suất là 4.3%; 3 tháng là 4,6%; 6 tháng là 5,5% và 12 tháng là 5,8%. Đặc biệt, khi gửi tiết kiệm kì hạn 6 tháng, khách hàng của OceanBank đồng thời được hưởng trọn vẹn chương trình khuyến mại “Gửi tiền liền tay - Nhân đôi tài lộc”, cơ hội trúng xe oto Vinfast VF7, điện thoại iPhone 16 Promax, tai nghe Airpod 4…
Ngày 27/11, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng duy trì mặt bằng lãi suất tiền gửi ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, nhằm ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường. “Dự báo lãi suất huy động trong ngắn hạn duy trì ở mức hiện tại và có sự phân hóa giữa các ngân hàng, tùy vào nhu cầu huy động vốn” - bà Nguyệt dự báo.
Theo SHS, ngày 31/12/2024, Thông tư 02 về tái cơ cấu nợ sẽ hết hiệu lực. Hiện chưa có thông tin từ phía Ngân hàng Nhà nước liên quan tới việc gia hạn hoặc dừng áp dụng Thông tư 02 theo đúng lộ trình dự kiến. Tại thời điểm cuối quý 2/2024, dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 có giá trị 230 nghìn tỷ đồng, tăng 25,6% từ đầu năm. Theo quy định, các ngân hàng phải trích lập dự phòng khoản nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 theo đúng nhóm nợ, khoản chênh lệch so với nhóm nợ hiện tại được trích lập 50% mỗi năm, đạt 100% vào cuối năm 2024.
Bà Nguyệt cho rằng, việc không gia hạn Thông tư 02 có thể làm tăng quy mô nợ xấu và giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu, không ảnh hưởng đến trích lập dự phòng của Ngân hàng. “Thông tư 02 hết hiệu lực sẽ có tác động khác nhau đối với từng ngân hàng. Nhóm ngân hàng như BIDV, Vietcombank, VietinBank, Techcombank, ACB,… sẽ ít chịu ảnh hưởng nhờ sở hữu bộ đệm dự phòng vững chắc và sức khỏe tài chính tốt. Nhóm Ngân hàng có tỷ lệ nợ nhóm 2 cao và tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp dự báo sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn” - chuyên gia của SHS nhận định.
Về cổ phiếu, trên thị trường chứng khoán, hệ số định giá P/B ngành ngân hàng dao động trong biên độ hẹp 1,4x-1,6x trong 2 năm gần đây và thấp hơn mức trung bình trong giai đoạn 2012- 2024. Hiện P/B ngành ngân hàng đang là 1,5x, thấp hơn 13% so với định giá P/B trung bình.
So sánh tương quan tại thời điểm cuối quý 3/2024, trừ hai ngân hàng quốc doanh BIDV, Vietcombank và LPBank có P/B cao hơn trung bình ngành, đa số các ngân hàng đều giao dịch ở mức P/B thấp hơn trung bình ngành. VietinBank có P/B 1,37x, thấp nhất trong nhóm ngân hàng quốc doanh.
Trong giai đoạn 2014 - 2024, trừ LPBank, đa số PB các ngân hàng ở thời điểm hiện tại đang thấp hơn hoặc tương đương mức trung vị. TPBank là ngân hàng có mức PB thấp hơn mức trung vị cao nhất (22,5%), tiếp theo là VPBank (22,4%).