Sập cầu Ghềnh (Đồng Nai): Giao thông tê liệt
Cầu Ghềnh sập, đứt gãy nhịp 2 và 3. Ảnh: HM |
Khoảng 11 giờ 30 ngày 20/3, một sà lan chở cát đã húc vào chân cầu Ghềnh làm sập nhịp 2 và 3, một đoàn đường sắt dài 3m bị đứt hoàn toàn, nhiều xe máy và người rơi xuống sông.
Sáng nay (21/3), Cơ quan Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định bắt khẩn cấp Trần Văn Giang (36 tuổi, quê tỉnh Bạc Liêu) và Nguyễn Văn Lẹ (28 tuổi, quê tỉnh Sóc Trăng). Giang và Lẹ là tài công điều khiển tàu đẩy số hiệu SG-3745 đẩy xà lan số hiệu SG-5984 chở khoảng 800 tấn cát đi từ Tiền Giang đến TP.Biên Hòa. Cơ quan chức năng đã xác định, chủ xà lan là bà Nguyễn Thu Hồng và chủ chiếc tàu đẩy là ông Phạm Thế Thượng (ở TP.Hồ Chí Minh). Hiện tại chưa xác minh được số người thương vong và mức độ thiệt hại do cầu sập.
Sau khi cầu Ghềnh bị sập, Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, phân công Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường, lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương có mặt tại hiện trường, phối hợp cùng lãnh đạo tỉnh Đồng Nai để chỉ đạo các lực lượng xử lý và khắc phục hậu quả. Phó thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và các lực lượng chức năng của địa phương triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do vụ tai nạn gây ra.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông, từ ngày 21/3, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức điều tiết lại việc chạy tàu cụ thể để tăng cường lực lượng cho Ga Biên Hòa. Đối với hệ thống chạy tàu sẽ phải bố trí lại toàn bộ hành trình, tìm mọi cách giải tỏa nhanh hành khách tại các ga bị dồn ứ. Trong 2 ngày tới, các lực lượng cứu hộ phải giải tỏa xong xà lan để không trôi dạt gây ảnh hưởng đến các phương tiện khác lưu thông trên sông và khảo sát tiến hành trục vớt dầm cầu đã bị gãy. Theo ông Trường nhận định, việc khắc phục được sự cố cầu Ghềnh sập có thể phải mất từ 3-5 tháng.
Ông Nguyễn Văn Nở- Trưởng phòng Kiểm tra điều hành của Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng Đồng Nai - cho biết, trung tâm đang tập trung phối hợp với các doanh nghiệp vận tải ở Biên Hòa hỗ trợ tối đa phương tiện cho Ga Biên Hòa nhằm vận chuyển hành khách từ Ga Biên Hòa về TP.Hồ Chí Minh.
Nhân viên cứu hộ có mặt kịp thời để ứng phó xung quanh cầu Ghềnh bị sập. Ảnh: HM |
Trên tuyến đường sắt Bắc-Nam hiện vẫn còn hàng trăm chiếc cầu có tuổi đời từ 80 năm đến hơn 100 năm và thường rung lắc dữ dội mỗi khi tàu ngược xuôi do sức chịu tải thấp. Cầu Bình Lợi nối quận Bình Thạnh qua quận Thủ Đức TP.Hồ Chí Minh là một ví dụ, cầu này hiện nay đã quá yếu, dù đã được cảnh báo nhiều năm nhưng vẫn chưa được nâng cấp hoặc thay thế.
Theo Công ty Quản lý đường sắt Sài Gòn (đơn vị quản lý đường sắt cầu Bình Lợi), Cầu Bình Lợi thuộc tuyến xe lửa Bắc- Nam xây năm 1902, chiều dài 800m, ngoài đường ray còn có thêm đường bộ rộng gần 1,5 m dành cho xe gắn máy và người đi bộ qua lại. Năm 2009, một chiếc xà lan chở 630m³ xăng dầu cố tình vượt ngang gầm cầu khi nước thủy triều đang dâng cao bị mắc kẹt khiến cầu Bình Lợi bị nâng lên hơn 2m, làm cho giao thông đường sắt bị ngưng trệ một thời gian. Theo người dân sống xung quanh cầu Bình Lợi cho biết, ầu bắc qua sông Sài Gòn có tuổi thọ quá cao và bị tác động bởi các cơn nước thủy triều lên xuống, trong khi tàu thuyền vận chuyển vật liệu xây dựng, hàng hóa qua lại thương xuyên và không ít lần bị va đập dạ cầu và trụ cầu, nhất là vào ban đêm rất nguy hiểm.