Sản xuất công nghiệp nỗ lực duy trì đà tăng
Duy trì sản xuất, giữ đà tăng tưởng
Theo Bộ Công Thương, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên cả nước, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg khiến sản xuất công nghiệp trong tháng 8 tiếp tục gặp khó khăn. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2021 ước tính giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 2,4%; ngành chế biến, chế tạo giảm 9,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 1,5%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,2%.
Một số doanh nghiệp vẫn đảm bảo duy trì sản xuất |
Bên cạnh những địa phương giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vẫn có một số địa phương đạt tăng trưởng cao như: Hải Phòng tăng 21,2%; Hà Nam tăng 18,5%; Hải Dương tăng 17,8%; Quảng Ninh tăng 17,5%; Thái Bình tăng 15,8%…
Có được kết quả trên là nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt cùng những giải pháp linh hoạt của các cấp chính quyền và doanh nghiệp (DN). Đơn cử như tỉnh Hà Nam, để giữ vững sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, lãnh đạo tỉnh đã giao Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) hướng dẫn các DN thực hiện giãn cách sản xuất, giảm số lượng công nhân lao động tại các nhà máy; đề nghị các chuyên gia, cán bộ lãnh đạo DN không đi về trong ngày mà ở lại tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn.
Tại TP. Hải Phòng, lãnh đạo thành phố yêu cầu các DN chủ động xây dựng kịch bản, các biện pháp phòng, chống dịch cụ thể, phù hợp với mức độ và tính chất phức tạp của dịch bệnh trong từng thời điểm. Đến nay, hầu hết công nhân, lao động trong các KCN ở Hải Phòng đã cơ bản được xét nghiệm Covid-19 diện rộng, nhờ đó, các DN hoạt động ổn định. Ví dụ tại Công ty Cổ phần DAP Vinachem Hải Phòng trong KCN Đình Vũ vẫn duy trì hoạt động sản xuất, bảo đảm lượng phân bón cung ứng và góp phần ổn định giá phân bón. 7 tháng, sản lượng phân bón của đơn vị đạt hơn 163 nghìn tấn, tăng gấp hơn hai lần so cùng kỳ năm ngoái.
Để giữ vững nhịp độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, đã duy trì 100% DN sản xuất liên tục trong mùa dịch nhờ triển khai đồng bộ, nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch, duy trì "vùng xanh". Nhờ đó, trong 7 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tập đoàn đạt hơn 27.986 tỷ đồng, tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2020; tổng doanh thu ước đạt 29.802 tỷ đồng, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Chủ động các giải pháp thúc đẩy sản xuất
Nhằm lấy lại đà tăng trưởng của sản xuất công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã đưa ra các giải pháp: Các địa phương, thực hiện phối hợp phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; đề xuất các chính sách ưu đãi phù hợp, trước hết là đối với ngành dệt may, da giày và các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với DN FDI đa quốc gia (như Samsung, Toyota...) tăng cường tìm kiếm các DN sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Thường xuyên cập nhật, nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, nhằm hình thành mạng lưới kết nối các DN, nhà đầu tư, tổ chức trong và ngoài nước liên quan đến ngành công nghiệp, hình thành chuỗi cung ứng trong nước.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác sản xuất, điều tiết tiêu thụ sản phẩm phù hợp không để gián đoạn, đứt gãy nguồn cung các sản phẩm thiết yếu (dầu thô, khí tự nhiên, xăng dầu, phân bón…). Đối với nhóm ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, chế biến thủy sản, điện tử hóa chất..., tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa để các nhà máy duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất nhằm giữ được chân hàng, chuỗi cung ứng, trước mắt là hoàn thành các đơn hàng đã ký kết và tranh thủ những đơn đặt hàng phục vụ dịp mua sắm cuối năm ở các thị trường khu vực châu Âu, Mỹ để gia tăng sản lượng.
Bộ Công Thương sẽ bám sát tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn cả nước, hướng dẫn thực hiện giải pháp nhằm vừa phòng, chống Covid-19 hiệu quả, vừa bảo đảm phát triển sản xuất, kinh doanh.
8 tháng đầu năm, IIP cả nước tăng khoảng 5,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,7%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%. |