Sách lậu "lộng hành"
Thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều cơ sở in sách lậu. Điển hình, tháng 7 vừa qua, Cục QLTT Hà Nội đã phối hợp với Tổ công tác 304 (Tổng cục QLTT) kiểm tra Công ty Cổ phần dịch vụ Chính Nghĩa có địa chỉ tại A2-6 TT Bảo tàng hậu cần Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) phát hiện, tạm giữ 2.278 kg bìa và ruột sách bán thành phẩm mang tên Nhà xuất bản (NXB) giáo dục Việt Nam. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện công ty không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc, cũng như không cung cấp được hợp đồng kèm theo của NXB giáo dục Việt Nam.
Trước đó, Cục QLTT Hà Nội cũng đã kiểm tra một số cơ sở kinh doanh tại khu vực các quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai (Hà Nội) và thu giữ số lượng lớn xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu in lậu. Điều này cho thấy vấn nạn in, tiêu thụ sách lậu ngày càng trở nên nhức nhối nhưng chế tài xử lý chưa đủ mạnh để răn đe vi phạm.
Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh sách |
Không chỉ có tình trạng sách trên giấy bị in lậu mà sách điện tử cũng liên tục bị xâm phạm bản quyền, khiến doanh thu và thị phần độc giả giảm sút nghiêm trọng. Trên thực tế, NTD cũng rất khó để phân biệt chính xác được sách thật, sách giả. Chưa kể, trên các trang mạng xã hội, các tác phẩm ăn khách của nhiều NXB được in lậu, ngang nhiên quảng cáo dưới nhiều cái tên rất giống với các thương hiệu lớn như “Tổng kho sách NXB Trẻ”, “Tổng kho xuất bản sách-NXB Trẻ”... gây nhầm lẫn cho NTD. Trước vấn nạn này, các NXB đã phải thông báo tới độc giả là họ không còn tái bản những cuốn sách này. Vì mỗi lần tái bản đều phải trả tiền bản quyền cho phía đối tác, cộng thêm các chi phí in ấn, thiết kế không kém chi phí xuất bản ban đầu.
Theo thống kê, năm 2017, NXB giáo dục lỗ hơn 40 tỷ đồng vì sách lậu. Tính trong 10 năm qua, đơn vị này phát hiện hơn 600 nghìn bản sách bị in giả tương đương với hàng chục tấn. Liên quan đến vụ việc nhà sách First News - Trí Việt khởi kiện Lazada vì tiếp tay cho việc tiêu thụ sách giả gần đây, đại diện First News - Trí Việt cho biết, đã có hàng trăm đầu sách của đơn vị bị làm giả và bán trên trang TMĐT trong suốt 2 năm qua và phía Lazada vẫn chưa có phản hồi cụ thể về vấn đề này.
Mặc dù sách giả không phải mặt hàng gây hại cho sức khỏe, cuộc sống của NTD nhưng về lâu dài nếu không có “thuốc đặc trị” sẽ có nhiều ảnh hưởng xấu đến ngành xuất bản, các doanh nghiệp và cả nền kinh tế - xã hội. Lợi nhuận từ việc in ấn, tiêu thụ sách lậu rất lớn nên khi các chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, nhiều cơ sở sẵn sàng nộp phạt rồi lại hoạt động với quy mô lớn và thủ đoạn tinh vi hơn. Vì vậy, cần phải áp dụng truy tố tội hình sự với tội vi phạm bản quyền mới có thể trả lại môi trường trong sạch cho ngành xuất bản.
Theo Nghị định 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản quy định, hành vi in sách lậu từ 300 bản trở lên chỉ bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng. |