Rộ tin Ukraine sẵn sàng từ bỏ yêu sách với các vùng lãnh thổ đã mất; Kiev thất thế trên mặt trận
Rộ tin Ukraine sẵn sàng từ bỏ yêu sách với các vùng lãnh thổ đã mất
“Trên thực tế, giới lãnh đạo chính trị Ukraine sẵn sàng chấp nhận mất một phần lãnh thổ. Họ đang tính đến điều này về lâu dài. Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky, chính phủ và các chính trị gia đối lập đã công khai bác bỏ điều này, bởi vì vào thời điểm hiện tại ở Ukraine làm như vậy sẽ bị coi là hành động tự sát chính trị”, Lidovky cho biết.
Rộ tin Ukraine sẵn sàng từ bỏ yêu sách với các vùng lãnh thổ đã mất. Ảnh: AP |
Lidovky lưu ý, Ukraine không còn nhìn thấy các lựa chọn để đạt được kết quả thuận lợi trong cuộc xung đột với Nga và việc phương Tây giảm hỗ trợ tài chính cho Kiev làm mất đi khả năng lực lượng vũ trang Ukraine tiến hành cuộc tấn công mới.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, Ukraine sẽ buộc phải từ bỏ các vùng lãnh thổ một cách công khai hoặc ở hậu trường.
Ukraine thất thế trên mặt trận khiến phương Tây nghĩ tới đàm phán
Tờ Le Figaro viết, tình hình bất lợi ở mặt trận đối với Kiev trong bối cảnh quân đội Nga tự tin tiến công ở Donbass đang buộc phương Tây phải nghĩ đến giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Ukraine.
Theo ấn phẩm của Đức, nhu cầu đàm phán đang được thảo luận ở cả Mỹ và châu Âu, cũng như ở Ukraine. Phương Tây đã công khai thừa nhận tình hình ở Donbass và Crimea nằm ngoài tầm với của quân đội Ukraine.
Đồng thời, cuộc tấn công của Ukraine vào Kursk không mang lại kết quả nào mà chính quyền Ukraine mong đợi cũng như không làm giảm sự hiện diện của quân đội Nga ở Donbass.
This browser does not support the video element.
Cũng theo Le Figaro, tình hình ở Ukraine cũng không mấy khả quan khi quân đội nước này vốn thiếu cả đạn dược và quân số, do đó bị hạn chế nghiêm trọng. Trong khi đó, Tổng thống Zelensky bắt đầu yêu cầu các đồng minh cho phép tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
“Cùng lúc đó, Berlin tuyên bố cắt giảm viện trợ cho Kiev, còn Pháp mất thế chủ động trong vấn đề này sau khi quốc hội giải tán”, Le Figaro nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Le Figaro lưu ý, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới cũng đặt ra câu hỏi về việc tiếp tục hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine.
Theo một quan chức Pháp, “bất cứ ai thắng cuộc bầu cử ở Mỹ, viện trợ sẽ bị cắt giảm”. Ngoài ra, Le Figaro cho biết thêm, phương Tây đã đánh giá thấp sức mạnh của mối quan hệ giữa Nga với các quốc gia ở phía Nam bán cầu.
“Tất cả những động thái này dẫn đến việc phương Tây mong muốn thảo luận về các kế hoạch giải quyết xung đột với Nga”, Le Figaro chỉ ra.
Khoảnh khắc Nga tập kích pháo tự hành Pháp viện trợ Ukraine ở Kursk
Bộ Quốc phòng Nga thông báo, quân đội nước này đã phá hủy một pháo tự hành Caesar trong biên chế lực lượng vũ trang Ukraine bên trong địa phận Kursk.
Theo đó, đoạn video được kênh quân sự Zvezda TV đăng tải cho thấy, UAV Nga trong khi thực hiện nhiệm vụ trinh sát tại Kursk đã phát hiện một xe pháo tự hành Caesar của lực lượng vũ trang Ukraine đang xâm nhập làng Nikolaevo-Darino sát biên giới Nga-Ukraine.
This browser does not support the video element.
Sau khi pháo Caesar rời khỏi đường lớn để di chuyển vào rừng, phía Nga thông qua dữ liệu do UAV cung cấp đã thực hiện đòn tập kích nhằm vào nơi khí tài Ukraine ẩn nấp. Ukraine chưa bình luận về thông tin phía Nga đưa ra.
Theo Viện Quốc tế Nghiên cứu chiến lược (IISS), quân đội Ukraine từ năm 2022 tới nay đã nhận ít nhất 43 pháo Caesar từ một số quốc gia phương Tây.
Caesar là pháo tự hành được Tập đoàn quốc phòng GIAT Industrial của Pháp chế tạo và đưa vào trang bị trong thập niên 1990. Tổng trọng lượng khi pháo đặt trên xe bánh lốp đạt 17,7 tấn; chiều dài 10m; rộng 2,5m; cao 3,26m. Kíp chiến đấu 6 người.
Caesar sử dụng đạn pháo cỡ 155mm; tốc độ bắn đạt từ 4-6 phát/phút; khả năng nâng góc nòng pháo nằm trong khoảng 0-60 độ. Tầm bắn tối đa của Caesar đạt 42km khi sử dụng đạn tăng tầm.