Rạng Đông và hành trình 6 lần khởi nghiệp
60 năm hành trình vẻ vang
Ngày 24/2/1961, Phó Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ - ông Lê Thanh Nghị, cắt băng khánh thành Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Đây là một sự kiện mang dấu ấn lớn lao với ngành công nghiệp nhẹ Việt Nam. Chiếc bóng đèn dây tóc mang nhãn hiệu Rạng Đông đã xuất xưởng, đến với người tiêu dùng Việt Nam kể từ những năm tháng đó.
53 năm sau, đúng 15h00 ngày 9/1/2014, tại cơ sở Hạ Đình, cũng là chiếc bóng đèn tròn nhưng với chip LED đầu tiên được xuất xưởng. Hôm đó cũng là ngày thành lập Xưởng LED – Điện từ và Thiết bị chiếu sáng của Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Với người bên ngoài thì sự kiện này không có gì đặc biệt, chỉ là dấu mốc khánh thành một dây chuyền sản xuất bóng đèn. Nhưng với người Rạng Đông và dân trong nghề chiếu sáng – hai chiếc bóng đèn tròn gắn liền với hai tầng công nghệ khác biệt.
Nhà báo Lê Thanh Hà – Giám đốc Nhà xuất bản Thanh Niên đánh giá, 53 năm để đi từ đèn tròn dây tóc Wolfram đến đèn tròn chip LED – đó là cả chặng đường dài chuyển đổi ngoạn mục các tầng công nghệ, là kết quả của sự chuẩn bị từ rất sớm. Như chiếc bóng đèn chip Led ra đời là kết quả của quá trình thai nghén từ năm 2008. Có thể so sánh mỗi lần chuyển đổi là một lần Rạng Đông khởi nghiệp, chinh phục, làm chủ một tầng công nghệ mới, vượt qua một khúc ngoặt hay một biến cố, đạt được một thành tựu mới.
Hình ảnh một số sản phẩm của Rạng Đông đã được xuất khẩu ra nước ngoài |
Với tổ chức, mỗi lần chuyển đổi – tái khởi nghiệp, là một lần đội ngũ Rạng Đông trưởng thành, bước lên một đẳng cấp mới. Trong lịch sử hơn 60 năm xây dựng, phát triển, Rạng Đông đã trải qua nhiều thời điểm “tái khởi nghiệp”.
Có thể tóm tắt câu chuyện về những thời điểm quan trọng đó ngắn gọn như sau: /chu-de/doanh-nghiep-khoi-nghiep.topic lần 1 – thực hiện sứ mệnh sản xuất thiết bị chiếu sáng dân dụng, góp phần tạo nền móng của ngành công nghiệp nhẹ Việt Nam. Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông là 1 trong 13 nhà máy được Bác Hồ và Chính phủ chọn lựa xây dựng trong thời điểm hoà bình lập lại sau chín năm kháng chiến, khởi đầu của nền công nghiệp nhẹ Việt Nam.
Khởi nghiệp lần 2 – Đứng lên từ đổ nát, sự tàn phá của chiến tranh. Những năm chiến tranh phá hoại trên miền Bắc, có thời điểm Rạng Đông phải vừa sản xuất vừa chiến đấu, di dời nhà máy sang Hưng Yên, về Hà Tây, sản xuất sản phẩm phục vụ thời chiến như đèn cho ô tô quân sự.
Khởi nghiệp lần 3 – Vượt qua bờ vực phá sản, tự chủ và đi lên bằng nỗ lực vô song của người Rạng Đông. Đây là một chương bi tráng trong lịch sử Rạng Đông. Khi nền kinh tế chuyển từ kế hoạch hoá, tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường, do không có sự chuẩn bị từ trước, Nhà máy phải đóng cửa 9 tháng, tinh giảm hàng trăm lao động theo tinh thần “xuống bớt người để tránh việc con tàu đắm”. Lần tái khởi nghiệp này, Rạng Đông phải bước ra, làm quen với cạnh tranh, với thị trường, với khách hàng, với vô vàn điều mới mẻ, lạ lẫm chưa từng hình dung.
Khởi nghiệp lần 4 – Làm chủ công nghệ chiếu sáng Led, xác lập vị thế dẫn đầu trong ngành chiếu sáng, hội nhập quốc tế, cổ phần hóa thông minh và nhân văn, trở thành mô hình có một không hai, “hiện tượng Rạng Đông”.
Khởi nghiệp lần 5 – Chủ động và quả cảm trong tự làm mới, tự thay đổi, thực hiện Chuyển đổi số bằng lý luận và cách làm phù hợp.
Ngay trong những ngày gian khó khắc phục hậu quả một biến cố lớn, Rạng Đông quả cảm “dò đá qua sông”, vừa làm vừa học, vừa nỗ lực tích luỹ thắng lợi nhỏ trong những chiến dịch tăng trưởng ngắn hạn, vừa mở rộng tầm nhìn về một kỷ nguyên mới hứa hẹn, quyết đoán trong chuyển đổi số để tạo ra mặt bằng tăng trưởng mới.
60 năm với 5 lần khởi nghiệp, Rạng Đông đi trọn một hoa giáp với nhiều thành tựu, trở thành hiện tượng, với hơn nửa thời gian trong đó, (hơn 30 năm), tăng trưởng liên tục, năm sau cao hơn năm trước cả về chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận. Cứ mỗi lần chuyển tầng công nghệ, Rạng Đông lại tiến thêm một bước cơ bản và rất vững chắc, vượt qua được tình thế “sao đổi ngôi” mà ngay cả các công ty lớn cũng đã và đang gặp phải.
Chặng đường mới sau hành trình 60 năm
Ở tầm quốc gia, Việt Nam đang đặt vấn đề cần nhận thức sâu sắc về cơ hội bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của “phương thức sản xuất số”. Ở Rạng Đông, ngay sau sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm nhà máy (28/4/1964 – 28/4/2024), đội ngũ lãnh đạo đã khởi thảo, tổ chức thảo luận sâu rộng về Định hướng chiến lược 2025 – 2030. Trong đó, Rạng Đông đã đặt ra yêu cầu đối với đội ngũ là cần nhận thức sâu sắc bối cảnh và tình hình mới để sớm xây dựng năng lực thích ứng những thách thức mới với những thay đổi lớn lao của thời đại mới.
Mức độ cao hơn là xây dựng năng lực mới có thể biến thách thức mới thành cơ hội lớn tạo bước ngoặt phát triển cho doanh nghiệp tiến lên vị trí dẫn dắt. Rạng Đông xác định một hoa giáp đã qua là quá trình xây dựng, chuyển đổi, chuyển dịch để đưa công ty đến trước thềm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Còn ở năm khởi đầu của một hoa giáp mới này, công ty phải có bước chuyển mình.
Nhà báo Nguyễn Thanh Hà khẳng định, trong lịch sử, có thời điểm công ty buộc phải “tái khởi nghiệp” trong bị động, như lần khởi nghiệp thứ 3, từ kế hoạch hoá tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường nhưng không có sự chuẩn bị từ trước. Thời điểm đó, để cứu con thuyền sắp đắm, Rạng Đông đã phải chọn giải pháp cho bớt người xuống thuyền, tinh giảm bộ máy, đội ngũ để tái cơ cấu và tồn tại, tìm cơ hội đi lên.
Tuy nhiên, lần khởi nghiệp thứ 6 này, Rạng Đông tiến hành với tinh thần chủ động. Không chỉ đội ngũ lãnh đạo cao nhất, đội ngũ cán bộ kỹ sư tinh hoa chủ động, mà chủ động trên toàn hệ thống, đến từng cá nhân cán bộ, công nhân, từ khối sản xuất, hỗ trợ cho đến bán hàng, tiếp thị. Trạng thái chủ động trên toàn hệ thống, chủ động với toàn bộ đội ngũ trong tái khởi nghiệp lần này là điểm mấu chốt để củng cố niềm tin về sự thành công tiếp tục của Rạng Đông. Có được sự chủ động đó, là nhờ Rạng Đông đã trải qua một thời gian đủ dài tiếp cận, lĩnh hội tri thức mới, xây dựng lý luận phù hợp và lựa chọn cách làm, phương pháp đúng đắn.
Bí quyết giúp Rạng Đông bứt tốc chuyển đổi số là sự kết hợp đúng đắn giữa Ban lãnh đạo với đội ngũ kỹ sư công nghệ của công ty và các đối tác bên ngoài. |
Tháng 8 năm 2023, trong tài liệu về chuyển đổi số của công ty, đã đề cập rất căn bản về các bước đi, các bước thử nghiệm để tạo đột phá khẩu cho thời điểm năm 2025. Trong đó, Rạng Đông nêu bước đi về Mô hình chuỗi giá trị, từ Nhà cung cấp lên Đa kênh, nêu yêu cầu cần tiến hành từng bước, có trọng tâm, giành kết quả tích cực để tạo nền tảng và niềm tin cho bước đột phá tiếp theo. Giữa cuối năm 2023 tiến hành Chiến dịch thương mại hóa thành công HST SP/DV I-4.0+ với tinh thần thử nghiệm, có trọng tâm. Công ty xác định đây cũng là quá trình đào tạo đội ngũ lãnh đạo các cấp, đội ngũ chỉ huy thực chiến và đội ngũ nhân viên về kỹ năng, về văn hóa số, tạo ra môi trường, điều kiện và xây dựng ý thức, tiêu chí tự học, đào tạo trong công việc để trưởng thành từng bước theo các vòng lặp chuyển đổi Công ty. Đây cũng là tiền đề, nền tảng để Rạng Đông bước vào thời điểm khởi nghiệp lần thứ 6, chuyển đổi kép: Chuyển đổi số - Chuyển đổi xanh.
Ông Nguyễn Đoàn Thăng - Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông chia sẻ với báo chí về Rạng Đông chuyển mình trong kỷ nguyên mới |
Cũng như 60 năm của hoa giáp trước, mỗi thế hệ đều khát khao kể câu chuyện của thế hệ mình, tạo ra di sản của thế hệ mình. Lần khởi nghiệp thứ 6 này sẽ là hành động của toàn hệ thống, toàn đội ngũ, từng cá nhân, để tạo nên một Rạng Đông mới, một doanh nghiệp số và xanh. Điều hấp dẫn hơn nữa trong khát vọng của Rạng Đông là sự chia sẻ, tạo ra cảm hứng “khởi nghiệp cùng Rạng Đông” đối với cả bên trong là cán bộ, kỹ sư, công nhân, kinh doanh và có thể với cả bên ngoài là đối tác, đại lý, người bán hàng, với cộng đồng khởi nghiệp số, đi cùng khát vọng của Việt Nam trong kỷ nguyên và thời đại mới.