Quyết liệt đảm bảo nguồn cung và điều hành hợp lý giá xăng dầu - Bài 3: Tiếp tục hướng tới những giải pháp quyết liệt và căn cơ
Bên cạnh nguồn cung còn là bảo đảm tính kỷ luật của thị trường xăng dầu bởi đây không chỉ thuần là câu chuyện mua – bán, lỗ - lãi mà còn là chuyện an ninh năng lượng, an ninh kinh tế và cao hơn là an ninh quốc gia.
Giá tăng thì cần phải tính đến điều chỉnh thuế
Trao đổi với báo Công Thương, TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế cho rằng, để “hạ nhiệt” giá xăng dầu trong nước, giảm thuế, phí được coi là giải pháp quan trọng nhất thời gian này.
TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế cho rằng: Để “hạ nhiệt” giá xăng dầu trong nước, giảm thuế, phí được coi là giải pháp quan trọng nhất thời gian này |
Ông phân tích cụ thể, các khoản thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt (chỉ thu đối với xăng, không thu với dầu) đang chiếm từ 40-43% trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu hiện hành. Trong đó, thuế bảo vệ môi trường hiện có mức thu cao nhất và là số tiền tuyệt đối, không đổi (4.000 đồng cho mỗi lít xăng A95; 3.800 đồng/lít xăng E5 RON 92 và dầu 2.000 đồng/lít diesel, dầu mazut và mỡ nhờn; 3.000 đồng/lít nhiên liệu bay). “Bởi vậy, trong số các giải pháp giúp cải thiện áp lực tăng giá bán lẻ xăng dầu, thì việc điều chỉnh cơ cấu mức thu ngân sách Nhà nước qua giá xăng dầu cả về mức và thời gian áp dụng là cần thiết. Trong đó, giảm mức thuế bảo vệ môi trường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là việc cần làm ngay vì việc triển khai đơn giản và có tính khả thi cao” - TS Nguyễn Minh Phong đề xuất.
Đồng ý kiến, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) cho rằng, nền kinh tế nước ta còn đang rất khó khăn. Nếu giá xăng dầu cao sẽ tác động đến các lĩnh vực khác. Do đó, việc đề xuất có biện pháp để kiềm chế giá xăng dầu không tăng lên quá cao là cần thiết. Để điều chỉnh giá xăng dầu phải sử dụng công cụ thuế. Trong bối cảnh giá tăng thì cần phải điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu hoặc thậm chí thuế về môi trường cũng tạm thời duy trì ở mức hợp lý.
Liên quan đến nội dung này, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay khi quỹ bình ổn giá có hạn thì phải tính toán đến các phương án điều hành linh hoạt hơn, đặc biệt trong trường hợp diễn biến giá quá cao và phức tạp, trên 100 USD/thùng, chắc chắn phải sử dụng các công cụ khác như thuế, phí. "Nếu để giá tăng cao quá sẽ làm vô hiệu hóa một số công cụ, chính sách hỗ trợ đang áp dụng để phục hồi tổng thể kinh tế, trong đó có việc giảm VAT từ 10% xuống 8%. Do đó, chúng tôi đã kiến nghị giảm thuế môi trường với xăng dầu và điều chỉnh các khoản phí phù hợp", ông Đông đề nghị.
Dưới đề xuất của Bộ Công Thương và ý kiến của các chuyên gia kinh tế, mới đây, Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Cụ thể, giảm thuế môi trường với xăng ở mức 1.000 đồng/lít, tức là thuế bảo vệ môi trường đối với xăng còn 3.000 đồng/lít, thay cho mức hiện hành là 4.000 đồng/lít. Các mặt hàng dầu có chung đề xuất với mức giảm là 500 đồng/lít. Thời hạn áp dụng đến hết 31/12 năm nay. Bộ Tài chính cũng kỳ vọng, Đề án sớm được trình lên Thường vụ Quốc hội, dự kiến là trong khoảng nửa cuối tháng 3 này.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đề xuất, để tạo hiệu ứng lan toả hơn, Bộ Tài chính có thể cân nhắc đến phương án giảm thuế mạnh mẽ và linh hoạt hơn. Đặt trong bối cảnh các DN đã trải qua 2 năm khó khăn vì dịch bệnh, trợ lực về thuế, phí lại càng trở nên quan trọng hơn. Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị mức giảm mạnh mẽ hơn: 2.000 đồng/lít đối với xăng và 1.000 đồng/lít đối với dầu. "Trong bối cảnh xăng dầu tăng cao như vậy thì Việt Nam dự báo được hưởng lợi từ giá dầu thô xuất khẩu tăng. Rồi 2 tháng đầu năm, thu ngân sách vừa rồi cũng rất tích cực, cho nên chúng tôi cho rằng tương đối khả thi để giảm phí bảo vệ môi trường trên xăng dầu mạnh mẽ hơn" - ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho biết.
Chủ động giải pháp, ứng phó linh hoạt
Đề xuất giải pháp ứng phó với giá dầu tăng cao như hiện nay, một số chuyên gia kinh tế cũng “hiến kế”, Việt Nam có thể tham khảo các nước lớn trên thế giới bán dầu dự trữ chiến lược hoặc thương mại để bình ổn thị trường và tăng thu ngân sách, đảm bảo điều tiết thị trường khi giá dầu cao. Khi thị trường biến động giảm, có thể mua vào để gia tăng dự trữ và đây là bài toán kinh tế nhằm đảm bảo hiệu quả tối ưu. Ngoài ra, sớm nghiên cứu xây dựng những chế tài, quy định, lộ trình cụ thể phát triển thị trường tương lai đối với các sản phẩm dầu thô và các sản phẩm năng lượng khác, qua đó giúp tăng thêm chất lượng trong mua bán dầu và quản lý rủi ro.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Trong vai trò quản lý nhà nước, bảo đảm nguồn cung với một mặt hàng chiến lược như xăng dầu cùng sự bình ổn của thị trường luôn là trách nhiệm cao nhất của Bộ Công Thương |
Bộ Công Thương luôn nhìn nhận, xăng dầu là mặt hàng chiến lược có ý nghĩa không chỉ kinh tế, mà còn cả về xã hội và chính trị. Ổn định nguồn cung và giá xăng dầu là nhiệm vụ quan trọng, đồng thời cũng là thước đo năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước và thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa nói chung, cũng như để góp phần triển khai thành công chương trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế gắn với chống dịch Covid-19 hiện nay. Tuy nhiên, việc điều hành cần phải bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp - Nhà nước và người dân
Vừa qua, do tình hình biến động của mặt hàng xăng dầu trên thế giới, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có chỉ đạo, 2 ngày một lần, Tổ điều hành xăng dầu liên Bộ Công Thương – Tài chính rà soát về tình hình biến động của giá xăng dầu, để nếu cần thiết sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc có điều chỉnh giá xăng dầu sớm hơn so với quy định tại Nghị định 95 hay không.
Mặc dù Nghị định 95 về quản lý kinh doanh xăng dầu đã rút ngắn chu kỳ điều hành giá xăng dầu xuống còn 10 ngày. Tuy nhiên để nỗ lực bình ổn xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng cần có sự linh hoạt hơn trong điều hành giá xăng dầu như không nhất thiết phải chờ đúng 10 ngày như quy định mà có thể 3 hoặc 5 ngày điều chỉnh. “Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ đề nghị cho phép Liên Bộ Công Thương-Tài chính linh hoạt hơn trong điều hành để giá mặt hàng này tiệm cận thế giới” - Bộ trưởng chủ động nêu giải pháp.
Bộ Công Thương cũng đã kiến nghị với các cơ quan liên quan để hỗ trợ các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu như: Kiến nghị ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện về thủ tục và tăng hạn mức tín dụng cho các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức được Bộ Công Thương phân giao bổ sung; Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện về thủ tục nhập khẩu đối với các DN kinh doanh đầu mối nhập khẩu theo hạn mức đã được Bộ Công Thương phân giao…
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ trục lợi và các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Qua đó, nhiều chế tài mạnh đã được thực thi. Cộng đồng DN và người dân tin tưởngvới những giải pháp quyết liệt và thực tế từ công tác điều hành của Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu sẽ được kiểm soát ổn định, tạo đà cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của công tác truyền thông: Chúng tôi đề nghị các cơ quan truyền thông phối hợp với Bộ Công Thương để cung cấp thông tin đầy đủ, thường xuyên kịp thời khách quan để cho các tổ chức, cá nhân thường xuyên sử dụng các mặt hàng chiến lược này hiểu được tình hình, hiểu được quyết tâm của Chính phủ, trách nhiệm của Chính phủ, trách nhiệm của Bộ Công Thương, của các Bộ, ngành có liên quan trong việc điều hành mặt hàng này.