Quyết định tạm hoãn xuất cảnh và ''bức màn'' bí ẩn tại My Way Hạ Long
Vừa ngồi "ghế nóng" đã bị tạm hoãn xuất cảnh
Trong danh sách người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu thuộc ngân sách nhà nước đến thời điểm ngày 31/3/2024 do Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh vừa công bố, Công ty Cổ phần Đầu tư và Khách sạn My Way Hạ Long (viết tắt là Công ty My Way Hạ Long) là một trong số cái tên rất đáng chú ý.
Công ty My Way Hạ Long là chủ đầu tư dự án xây dựng khu hỗn hợp chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại, nhà ở kết hợp phố mua sắm - Times Garden Hạ Long tại TP. Hạ Long. Khu đất xây dựng Times Garden nằm ở vị trí trung tâm thành phố, sở hữu nhiều tiện ích nên dành được sự quan tâm của giới đầu tư.
Phối cảnh Times Garden Hạ Long, dự án trọng điểm của nhóm My Way Group |
Khoản nợ lớn của Công ty My Way Hạ Long nảy sinh từ nhiều năm về trước, tới nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Khi cơ quan chức năng không thể tiếp tục kiên nhẫn đối với trường hợp này, một quyết định mạnh tay được đưa ra vào trung tuần tháng 4/2024. Theo đó, Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh đã điền tên ông Phạm Văn Cung, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật vào danh sách tạm hoãn xuất cảnh.
Lý do công bố là Công ty My Way Hạ Long đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Vẫn theo nhà chức trách, thời gian tạm hoãn xuất cảnh của ông Phạm Văn Cung từ ngày 19/4/2024 cho đến khi Công ty My Way Hạ Long hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước theo quy định.
Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu như người phải đón nhận chế tài xử lý nghiêm khắc từ cơ quan chức năng kia là ông Vũ Duy Thành (SN 1965) - cộng sự thân thiết của ông Đỗ Vũ Diên (SN 1975) và ông Trần Đình Lâm (SN 1972), những đại gia đứng sau sự ra đời của My Way Group, tập đoàn "đầu não" với hệ sinh thái đông đảo thành viên, trong đó bao gồm Công ty My Way Hạ Long.
Chi tiết ông Phạm Văn Cung được bổ nhiệm "cấp tốc" lên vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị My Way Hạ Long vào ngày 28/3/2024 nhằm "thế chân" ông Vũ Duy Thành - nhân vật nắm "ghế nóng" này liên tục từ ngày 26/7/2021 (gần 3 năm đương chức) đã đặt ra không ít câu hỏi. Tính ra ông Phạm Văn Cung, nhân vật có phần "đen đủi" vừa làm đại diện pháp luật Công ty Đầu tư và Khách sạn My Way Hạ Long chưa nổi 1 tháng, đã bị tạm hoãn xuất cảnh.
Gánh nợ ngàn tỷ
Ngược về thời gian từ khi Công ty My Way Hạ Long bước đầu được thành lập để thấy rõ sự liên quan của ông Vũ Duy Thành, ông Đỗ Vũ Diên tại doanh nghiệp này. Hồ sơ của Báo Công Thương chỉ rõ, Công ty My Way Hạ Long chập chững tiến lên thị trường vào ngày 25/6/2014 với số vốn điều lệ 36,8 tỷ đồng.
Danh sách cổ đông sáng lập bao gồm: Công ty Cổ phần Khách sạn và Nghỉ dưỡng My Way góp 18,4 tỷ đồng (50% cổ phần), ông Trần Đình Lâm (SN 1972) góp 12,88 tỷ đồng (35%) và ông Lê Quốc Hưng (SN 1955) góp 5,52 tỷ đồng, tương đương 15% còn lại. Khi ấy, ông Vũ Duy Thành được giao làm Tổng giám đốc.
Bước sang giai đoạn 2016 - 2021, Công ty My Way Hạ Long tăng vốn rầm rộ lên 150 tỷ đồng, 219 tỷ đồng rồi 354 tỷ đồng. Trong 5 năm dồn vốn, huy động nguồn lực phục vụ mục tiêu cốt yếu là cho ra đời dự án Times Garden này, ông Vũ Duy Thanh được rút đi và nhường lại trách nhiệm đứng tên doanh nghiệp cho ông Đỗ Vũ Diên. Đến khi ông Thanh được đưa trở về ghế "nóng" thì công tác đầu tư, xây dựng Times Garden cơ bản cũng đã ổn thỏa.
Tuy nhiên đáng lưu tâm, rằng từ khi bắt tay vào đầu tư Times Garden, chủ đầu tư đã không giấu nổi sự khó khăn khi huy động vốn, với số tiền nợ thuế và các khoản phải nộp nhà nước lên tới hơn 500 tỷ đồng, tại thời điểm cuối năm 2017. Cùng ngày, Công ty My Way Hạ Long còn vay mượn gần 1.100 tỷ đồng là tiền phải trả dài hạn khác, qua đó đẩy tổng nợ phải trả lên 1.837 tỷ đồng, cao gần 5 lần so với vốn chủ sở hữu (370 tỷ đồng).
Ông Đỗ Vũ Diên (bên trái) và ông Phạm Thanh Hưng tại buổi ký kết hợp tác năm 2016. (Ảnh: Cen Group) |
Đến hết năm 2022, món nợ này của Công ty My Way Hạ Long giảm nhẹ xuống mức 1.704 tỷ đồng, nhưng vì thua lỗ triền miên nên vốn chủ sở hữu cũng giảm còn 331 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ trên vốn vẫn vượt quá 5 lần.
Nợ nần hơn nghìn tỷ đồng khiến chủ dự án Times Garden nhiều năm phải chật vật, loay hoay thực hiện nghĩa vụ nộp thuế Nhà nước là điều tương đối dễ hiểu. Trong khi đó, dự án Times Garden khó "thoát thai", chưa hẹn ngày về đích càng bóp nghẹt dòng tiền của doanh nghiệp thêm dồn ép, tắc nghẽn.
Thách thức của My Way Group
Không riêng gì Công ty My Way Hạ Long, thói quen sử dụng đòn bẩy cao là điểm chung của nhóm My Way Group. Đòn bẩy tài chính là con dao hai lưỡi, nếu hoạt động tốt doanh nghiệp sẽ nhanh chóng lớn mạnh, nếu không sẽ bị đòn bẩy quật ngã.
Trường hợp của Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị (CUD), chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng sân golf Đầm Vạc (tên thương mại Heron Lake Golf Course) và khu biệt thự nhà vườn Mậu Lâm Đầm Vạc (Times Garden Vĩnh Yên Residences), tỉnh Vĩnh Phúc là ví dụ điển hình nhất.
CUD phát sinh khoản nợ xấu tại OceanBank theo hợp đồng tín dụng từ tháng 8/2007, tổng dư nợ tạm tính đến hết ngày 1/8/2023 là hơn 911 tỷ đồng, trong đó nợ gốc chiếm 229,8 tỷ đồng, còn lại tiền lãi và tiền phạt lên tới 681 tỷ đồng. Đến cuối năm 2023, OceanBank đã "trầy trật" tổ chức đến 13 lần đấu giá khoản nợ này, với mức giá khởi điểm chỉ 390,7 tỷ đồng, dần tiến sát về dự nợ gốc và chỉ bằng gần 43% tổng dư nợ. Đáp lại nỗ lực giải quyết món nợ xấu là sự ngó lơ của nhà đầu tư.
Trong khi đó, tài sản bảo đảm cho khoản nợ là toàn bộ tài sản gắn liền với hơn 50ha đất thuộc quyền sử dụng của CUD trong thời hạn đến ngày 3/2/2054 tại xã Thanh Trù, thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc (đầu tư xây dựng sân golf Đầm Vạc). Tài sản gắn liền đất gồm các tài sản đã và đang hoặc sẽ hình thành trong tương lai, bao gồm sân golf, công trình câu lạc bộ, công trình khách sạn 5 sao, hệ thống giao thông nội bộ, bãi đỗ xe, khu bảo dưỡng sân golf, các công trình phụ trợ khác...
Liên quan đến dự án này, ngày 26/11/2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch sân Golf đến năm 2020. Theo đó, dự án của CUD thuộc diện phải chia tách hoạt động sân Golf độc lập với Khu đô thị. Vì vậy, CUD đã dùng các tài sản là sân Golf góp vốn vào pháp nhân mới để vận hành sân Golf, có tên Công ty Cổ phần Khu nghỉ dưỡng và sân golf Đầm Vạc (Công ty Đầm Vạc).
Sân golf Đầm Vạc, khoản nợ xấu "khó nhằn" nhất của OceanBank |
Sau khi pháp nhân mới thành lập, các cổ đông cũ và cổ đông mới tại CUD đã hoán đổi cổ phần tại CUD sang cổ phần của Công ty Đầm Vạc. Việc hoán đổi cổ phần này, tại CUD đã phát sinh một khoản công nợ phải thu từ các cổ đông hoán đổi chuyển sang cổ đông Công ty Đầm Vạc với số tiền 276,7 tỷ đồng.
Theo OceanBank, CUD đã mang toàn bộ tài sản thế chấp này góp vốn vào Công ty Đầm Vạc và đã chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần góp vốn của mình tại đây cho các tổ chức, cá nhân khác. Đây là vi phạm của CUD không thực hiện đúng nghĩa vụ của bên thế chấp. OceanBank đã yêu cầu CUD trả lại nguyên trạng tài sản thế chấp nhưng đến nay công ty vẫn chưa thực hiện được.
Đứng sau CUD, hay Công ty Đầm Vạc đều là ông Đỗ Vũ Diên và ông Trần Đình Lâm. Liên quan mật thiết đến hai đại gia này là loạt doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần Vườn Thời đại Việt Nam, Công ty Cổ phần Khách sạn C.L.U.B.M Hạ Long, Công ty Cổ phần Ô tô Cửu Long Giang, Công ty Cổ phần Phát triển Khu kinh tế Móng Cái, Công ty Cổ phần Dịch vụ và Công nghệ Ô tô Sài Gòn, Công ty TNHH Hợp Nhất, Công ty Cổ phần Thực phẩm và Đồ uống My Way...