Thứ hai 18/11/2024 13:21

Quý I/2019: GDP tăng khá, lạm phát kiểm soát thấp nhất

Nhờ những thuận lợi từ kết quả ấn tượng đạt được trong năm 2018, nền kinh tế những tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực. Đây là thông tin được đưa ra tại Họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế Quý I/2019 do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vào ngày 29/3.  

Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2019 đạt mức tăng trưởng khá 6,79%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm 2017 – 2019. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

GDP quý I/2019 tăng 6,79%

Ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê – cho biết, GDP quý I ước tính tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước, tuy thấp hơn mức tăng trưởng của quý I/2018, nhưng cao hơn tăng trưởng quý I các năm 2011- 2017. Cụ thể, năm 2011 tăng 5,9%; năm 2012 tăng 4,75%; năm 2013 tăng 4,76%; năm 2014 tăng 5,06%; năm 2015 tăng 6,12%; năm 2016 tăng 5,48%; năm 2017 tăng 5,15%; năm 2018 tăng 7,45%.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%; khu vực dịch vụ tăng 6,5%.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 3,97% của quý I/2018, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 4,2%, do chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 5,1%, đạt mức tăng trưởng cao nhất của quý I trong 9 năm trở lại đây, đóng góp 0,14 điểm phần trăm.

Khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 8,95% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,14 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, tuy nhiên mức tăng trưởng này lại thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Phạm Đình Thúy – Vụ trưởng Vụ Công nghiệp (Tổng cục Thống kê) – cho biết, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp đạt 2 con số là kết quả cao so với các ngành khác. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu thấp hơn, phụ thuộc vào 2 ngành: công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành khai khoáng.

Ngành khai khoáng quý I năm nay tăng trưởng âm (giảm 2,2%), chủ yếu là do khai thác dầu thô giảm 10,3%, khẳng định nền kinh tế đã thoát khỏi sự phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và tài nguyên. Trong khi đó, động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong quý I chính là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,35%, tuy không bứt phá mạnh như quý I/2018 (tăng 14,3%) nhưng cao hơn mức tăng quý I các năm 2012-2017, đóng góp lớn vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm với 2,72 điểm phần trăm” – ông Phạm Đình Thúy nhấn mạnh.

Về Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ông Nguyễn Bích Lâm thông tin thêm, CPI tháng 3 năm nay giảm 0,21% so với tháng trước, bình quân quý I/2019 tăng 2,63% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức tăng bình quân quý I thấp nhất trong 3 năm gần đây, chủ yếu do tác động của quy luật tiêu dùng sau Tết Nguyên đán, ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Đặc biệt là nhờ sự chủ động điều hành giá xăng dầu, kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt, giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Lạm phát cơ bản tháng 3 giảm 0,06% so với tháng trước và tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân quý I/2019 tăng 1,83% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Bà Đỗ Thị Ngọc – Vụ trưởng Vụ thống kê giá (Tổng cục Thống kê) – khuyến nghị, cần thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý vào thời điểm hợp lý để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2019.

Doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất

Môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện, thể hiện số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao, cao hơn quý I của 5 năm trở lại đây. Theo đó, trong quý I/2019 cả nước có 28.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 375,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% về số doanh nghiệp và tăng 34,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.

Ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, trong tình sản xuất như vậy, doanh nghiệp vẫn đăng ký mới cao hơn, chứng tỏ môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Điều này thể hiện qua nỗ lực của Chính phủ, bộ, ngành, đặc biệt các địa phương trong việc cắt giảm các thủ tục hành chính; cơ chế hành động doanh nghiệp tham gia Cơ chế một cửa, quy định thời gian trong vòng 3 ngày có thể thành lập; và một loạt chính sách tạo dựng cho doanh nghiệp thành lập, đặc biệt là chính sách khởi nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng cao nhất trong các quý của các năm. Theo báo cáo, có 15.050 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 78,1% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm nay lên 43,5 nghìn doanh nghiệp. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong quý I năm nay là 14.761 doanh nghiệp, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo báo cáo của Nikkei, tâm lý kinh doanh vẫn rất lạc quan khi chỉ số PMI của Việt Nam trong những tháng đầu năm nay tiếp tục duy trì mức trên 50 điểm, các nhà sản xuất cho rằng, sản lượng sẽ tăng trong thời gian tới và kỳ vọng nhu cầu thị trường cải thiện, số lượng đơn đặt hàng mới tăng.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2019 cho thấy: Có 33,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I năm nay tốt hơn quý trước; 25,8% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 40,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý II/2019, có 54,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 10,6% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 34,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Thu Phương - Tuấn Vũ

Tin cùng chuyên mục

Các tập đoàn hàng không vũ trụ, thực phẩm... Brazil muốn mở rộng hợp tác toàn diện với Việt Nam

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm trong buổi làm việc với tỉnh Cà Mau

Việt Nam cùng ASEAN đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để phát triển

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại ấp Mũi, xã Đất Mũi (Cà Mau)

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải phát huy ngoại giao cao hơn, rộng hơn thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Brazil

Chủ tịch nước Lương Cường kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC

Chủ tịch nước Lương Cường hội kiến Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Nhật Bản

Chủ tịch nước Lương Cường tham dự và phát biểu tại APEC lần thứ 31

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc tại Cà Mau

Chủ tịch nước Lương Cường gặp lãnh đạo các nền kinh tế nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao APEC

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo sắp xếp bộ máy Chính phủ tinh gọn, hiệu quả

Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương, dâng hoa tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cà Mau

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam

Chủ tịch nước Lương Cường gặp lãnh đạo Indonesia, Hong Kong (Trung Quốc), New Zealand

Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil và thăm chính thức Cộng hòa Dominica

Chủ tịch nước tham dự Đối thoại không chính thức giữa các nhà lãnh đạo APEC và khách mời

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Chương trình 'Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024'

Thủ tướng phân công 4 Phó Thủ tướng theo dõi, giải quyết kiến nghị của Quảng Trị

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu

Quy định giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn bao lâu?