Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển phía Bắc
Theo đó, nhóm 1 có 4 cảng biển: Cảng Hải Phòng, cảng Quảng Ninh, cảng Thái Bình và cảng Hải Thịnh - Nam Định được quy hoạch chi tiết như sau: Cảng biển Hải Phòng là cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế (loại IA) gồm các khu bến chính: Khu bến trên sông Cấm; khu bến Đình Vũ; khu bến Lạch Huyện; các bến cảng Nam Đồ Sơn, Bạch Long Vĩ; các bến phao, khu neo chuyển tải. Lượng hàng thông qua dự kiến vào năm 2020 khoảng 109 đến 114 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 178,5 đến 210 triệu tấn/năm. Nhu cầu thông qua lượng hành khách quốc tế đường biển đến năm 2020 là 25,8 ngàn lượt/năm; năm 2030 là 46,9 ngàn lượt/năm.
Ảnh minh họa |
Cảng biển Quảng Ninh là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), gồm khu bến chính như sau: Khu bến Cái Lân; bến cảng khách Hòn Gai; khu bến Cẩm Phả; khu bến Yên Hưng (sông Chanh, sông Bạch Đằng, đầm Nhà Mạc); khu bến Hải Hà; bến cảng Vạn Gia; bến cảng Mũi Chùa; bến cảng tổng hợp Vân Đồn (Đông Bắc đảo Cái Bầu); bến cảng Vạn Hoa; bến cảng huyện đảo Cô Tô; các bến phao và khu neo đậu chuyển tải. Lượng hàng thông qua dự kiến vào năm 2020 khoảng 65,5 đến 75,5 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 121 đến 142,5 triệu tấn/năm. Nhu cầu thông qua lượng hành khách quốc tế đường biển đến năm 2020 là 252,5 ngàn lượt/năm; năm 2030 từ 723,2 đến 823,2 ngàn lượt/năm.
Cảng biển Thái Bình là cảng tổng hợp địa phương (loại II), gồm khu bến Diêm Điền và khu bến Trà Lý. Lượng hàng thông qua dự kiến vào năm 2020 khoảng 2 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 6,25 triệu tấn/năm.
Cảng biển Hải Thịnh - Nam Định là cảng tổng hợp địa phương (loại II), gồm khu bến Hải Thịnh và bến cảng chuyên dụng cho nhà máy nhiệt điện Nam Định. Năng lực hàng hóa thông qua dự kiến vào năm 2020 đạt khoảng 0,5 triệu tấn/năm; năm 2030 đạt khoảng 6,25 triệu tấn/năm.
Về quy hoạch di dời, với bến cảng dầu B12 thuộc cảng biển Quảng Ninh sẽ thực hiện di dời ra khu bến Yên Hưng trước năm 2020 (theo Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ). Còn bến cảng Hoàng Diệu thuộc cảng biển Hải Phòng, lộ trình di dời cần phù hợp với kế hoạch xây dựng cầu Nguyễn Trãi và tiến độ xây dựng các bến cảng tại khu bến Lạch Huyện.
Bên cạnh đó, cũng phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa kết nối cảng biển như: ưu tiên xây dựng tuyến đường bộ ven biển; nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, tuyến Hà Nội - Hải Phòng hiện có; khai thác hiệu quả tuyến vận tải thủy nội địa kết nối với cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh...
Nhiều giải pháp thực hiện
Để đạt mục tiêu quy hoạch, ngành giao thông vận tải đã đề ra nhiều chính sách, cơ chế và giải pháp thực hiện như: đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển bằng các hình thức PPP (BOT, BTO...); tăng cường xúc tiến đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển cảng biển bằng các hình thức theo quy định; khuyến khích các nhà đầu tư thuộc khu kinh tế, khu công nghiệp tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển và cơ sở hạ tầng kết nối cảng.
Nguồn vốn ngân sách chỉ đầu tư cho các hạng mục cơ sở hạ tầng công cộng (luồng tàu, đê chắn sóng...) của cảng biển, bến cảng quan trọng. Việc đầu tư bến cảng theo quy hoạch được thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Lưu ý dành quỹ đất thích hợp phía sau cảng để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa với chức năng đầu mối logistics.
Ngoài ra, các bến phao, điểm chuyển tải hàng hóa theo quy hoạch được quy hoạch, tổ chức quản lý quy hoạch và được khuyến khích đầu tư, khai thác ổn định, lâu dài, phù hợp quy hoạch chung của cảng như đối với cầu cảng, bến cảng...