Quy định nồng độ cồn bằng 0 là bảo vệ tính mạng người dân
Hiện Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được đưa ra lấy ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Hình thành văn hóa giao thông “không uống rượu bia khi lái xe”
Theo báo cáo của Chính phủ tại Quốc hội ngày 10/11, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong những năm qua tuy đã có những chuyển biến nhưng còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông.
Theo thống kê, từ năm 2009 đến nay, toàn quốc đã xảy ra hơn 379 nghìn vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết hơn 124 nghìn người, bị thương hơn 367 nghìn người, chiếm hơn 97% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông, gây thiệt hại rất lớn về tài sản. Trung bình hàng năm có gần 9 nghìn người chết, gần 30 nghìn người bị thương, trong đó chủ yếu trong độ tuổi lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội…
Nhiều vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia (Ảnh minh họa) |
Trong đó, nhiều vụ tai nạn bắt nguồn từ việc người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia. Theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải, trong năm 2022 đã có 13.000 vụ tai nạn giao thông do lái xe say rượu gây ra, làm chết khoảng 4.000 người và bị thương khoảng 10.000 người.
Trước thực trạng này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020, thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Trong đó có quy định mức xử phạt vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như: Ô tô, các loại xe tương tự ô tô; xe mô tô, xe gắn máy; máy kéo, xe máy chuyên dùng; xe đạp, xe đạp máy, xe thô sơ khác.
Kể từ khi ra đời, Nghị định 100 đã được cả xã hội ủng hộ nhiệt tình. Các lực lượng công an cũng ráo riết vào cuộc, qua đó đã phần nào kéo giảm tai nạn giao thông; nâng cao ý thức của người dân trong việc tham gia giao thông. Đặc biệt đã hình thành văn hóa giao thông “đã uống rượu bia thì không lái xe”.
Khảo sát của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam thực hiện năm 2022 cho thấy, với quy định phạt nặng hành vi lái xe khi đã uống rượu bia, khảo sát năm 2015 cho thấy có 45% nam giới được hỏi cho biết có lái xe trong 2 giờ sau khi uống rượu bia, khảo sát năm 2021 tỉ lệ này chỉ còn 27%.
Số người tử vong do tai nạn giao thông giảm khoảng 1.000 ca/năm trong các năm 2020-2021, trong đó có nguyên nhân số người uống rượu bia và tham gia giao thông đã giảm bớt.
Bảo vệ tính mạng người dân
Có thể khẳng định, việc xây dựng, ban hành Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông; xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đảm bảo sự điều chỉnh sát thực tế về pháp lý; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, phù hợp với xu thế phát triển phát luật của nước ta và thông lệ quốc tế.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào ngày 24/11 vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh khẳng định, dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013; cơ bản bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước, thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế và khắc phục những vướng mắc, bất cập thời gian qua.
Liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8), đại biểu Quốc hội Vũ Xuân Hùng – đoàn Thanh Hóa đã đồng tình với quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Đại biểu này cho rằng, dự án luật quy định như Nghị định 100 là yêu cầu nồng độ cồn bằng 0. Điều này có mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông. Quy định này được đa số ý kiến nhất trí, đồng tình.
Đại biểu Vũ Xuân Hùng cho biết, qua khảo sát của 177 nước trên thế giới về quy định phòng chống tác hại rượu bia có 25 nước quy định bằng nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở bằng 0. Như vậy, cứ uống rượu bia vào, có nồng độ cồn trong hơi thở là vi phạm. Phần lớn các nước còn lại có những quy định khác nhau về các hành vi bị cấm với tỉ lệ nồng độ cồn trong máu và hơi thở khác nhau.
Quy định trên nhằm bảo vệ tính mạng của người tham gia giao thông, đồng thời quy định này thống nhất với quy định của luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Theo thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (V03) Bộ Công an: "Nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn. Sau thời gian quyết liệt kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể, chứng minh được hiệu quả của quy định trên trong thực tế".
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Ảnh: Quochoi.vn) |
Đồng tình với quy định nồng độ cồn bằng 0 tại dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Đặng Bích Ngọc - đoàn Hòa Bình đánh giá, dự thảo Luật đã được chuẩn bị công phu. Đại biểu cho rằng, thời gian qua, Bộ Công an đã rất quyết liệt trong chỉ đạo tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. Điều này góp phần rất quan trọng vào việc đảm bảo an toàn giao thông, trật tự xã hội, phòng ngừa nguy cơ tai nạn, hạn chế rất lớn những vụ tai nạn thương tâm xảy ra, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc tham gia giao thông, hình thành văn hóa, thói quen “đã uống rượu, bia thì không lái xe”. Do đó, đại biểu bày tỏ thống nhất theo quy định của dự thảo Luật.
Là một trong những người dân và cử tri theo dõi sát các phiên thảo luận về dự án luật tại Quốc hội, ông Phạm Trường Sơn - Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 4 - Phường Quán Thánh (Ba Đình - Hà Nội) chia sẻ: Tôi hoàn toàn đồng ý với quy định nồng độ cồn bằng 0 trong dự thảo Luật, bởi điều này nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân, đặc biệt là người tham gia giao thông. Tuy nhiên, để đảm bảo minh bạch và công bằng đối với một số trường hợp có thể nồng độ cồn trong máu cao hơn do một số nguyên nhân khác, thì cần dự thảo Luật quy định rõ và chi tiết hơn trong trường hợp như vậy thì cần có các xét nghiệm máu của cơ quan y tế để phân định rõ nguyên nhân gây ra nồng độ cồn trước khi ra quyết định xử phạt.