"Lạm phát" chứng chỉ hành nghề
Chứng chỉ hành nghề không thể có giá trị cao hơn bằng tốt nghiệp của các cơ sở hợp pháp
- Tại một hội thảo góp ý cho dự thảo luật, nhiều ý kiến thắc mắc: Vì sao người đã được cấp chứng chỉ hành nghề, nhưng muốn được hành nghề lại phải xin cấp đăng ký hành nghề do cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cấp? Vị đại diện Ban soạn thảo giải thích rằng, chứng chỉ hành nghề chỉ là văn bản xác nhận trình độ chuyên môn đủ khả năng hành nghề, còn để được hành nghề thì phải có sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước. Cách giải thích này thật khó chấp nhận.
Trước hết, không thể coi chứng chỉ hành nghề là văn bản chứng nhận về trình độ chuyên môn đủ khả năng hành nghề. Nước ta có hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề. Người học ở những cơ sở đào tạo đó, khi tốt nghiệp được cấp bằng tốt nghiệp. Đó mới là văn bản chứng nhận về trình độ chuyên môn của người học. Chứng chỉ hành nghề không thể thay thế và càng không thể có giá trị cao hơn bằng tốt nghiệp của các cơ sở đào tạo hợp pháp. Chẳng hạn, không thể cho rằng, một người đã theo học 4 năm đại học chuyên ngành kế toán doanh nghiệp và có thời gian công tác thực tế tới 5 năm nhưng chưa có chứng chỉ hành nghề kế toán tức là chưa đủ trình độ chuyên môn để hành nghề kế toán. Hơn nữa, nếu quan niệm về chứng chỉ hành nghề như vậy, phải chăng một người chưa tốt nghiệp khóa đào tạo nào về chuyên ngành kế toán nhưng vẫn tham gia thi và có được chứng chỉ hành nghề kế toán thì đã đủ khả năng hành nghề kế toán?
Không cần thiết phải đặt ra nhiều điều kiện khắt khe, những thủ tục “hành là chính” khi cấp chứng chỉ hành nghề mà phải quản lý chặt chẽ sau khi cấp chứng chỉ hành nghề. |
Đánh giá đúng, chứng chỉ hành nghề chỉ là văn bản xác nhận một cá nhân, tổ chức có hoạt động trong lĩnh vực nào đó khi đã được đào tạo về chuyên môn, để quản lý về đạo đức nghề nghiệp và việc cập nhật kiến thức, bắt kịp những thay đổi về nghiệp vụ chuyên môn và các chính sách có liên quan. Vì vậy, không phải bất kỳ nghề nào cũng phải có chứng chỉ hành nghề mà chỉ áp dụng với một số nghề nhất định có liên quan mật thiết đến lợi ích cộng đồng như: Khám chữa bệnh, dược phẩm, luật sư, kiểm toán, thiết kế xây dựng...
Trong một “rừng” giấy phép con đã và đang được đặt ra đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay, chứng chỉ hành nghề được sử dụng nhiều nhất. Bởi lẽ, khi quy định về chứng chỉ hành nghề trong dự thảo luật, người ta dễ thuyết minh với Quốc hội hơn, việc đặt ra giấy phép con nhằm nâng cao quyền lực trong quản lý được giấu kín dễ dàng hơn. Vì vậy, ở nước ta hiện nay, đã và đang xảy ra tình trạng “lạm phát” chứng chỉ hành nghề.
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được đưa ra xin ý kiến Quốc hội trong kỳ họp vừa qua. Ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh là vấn đề đã làm “nóng” nghị trường. Từ nay tới kỳ họp thứ 8- thời điểm Quốc hội sẽ thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)- rất cần một cuộc tổng rà soát kỹ và nghiêm túc về sự hợp lý của những điều kiện kinh doanh, để loại bỏ những điều kiện kinh doanh, trong đó có rất nhiều chứng chỉ hành nghề vô lý, không cần thiết, không để tiếp diễn tình trạng “lạm phát” chứng chỉ hành nghề.
Luật gia Vũ Xuân Tiền