Thứ ba 26/11/2024 06:36

Quốc hội giám sát lĩnh vực điện - 'mạch máu' năng lượng của nền kinh tế - Bài 3: Chỉ ra bất cập, mở đường gỡ khó cho điện

Do tầm quan trọng của lĩnh vực điện lực với sự phát triển của đất nước, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các ĐBQH sẽ tiếp tục giám sát việc triển khai.

Tăng cường công tác giám sát, nhận diện thực trạng

Giám sát là một trong những chức năng quan trọng của Quốc hội, là phương thức kiểm soát quyền lực có tính nền tảng trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam. Ngoài việc tiến hành giám sát như xem xét báo cáo về tình hình hoạt động của các cơ quan nhà nước Trung ương, chất vấn tại kỳ họp, Quốc hội đã nghe các báo cáo giám sát chuyên đề do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành về các vấn đề vấn đề “nóng”, nhận được nhiều phản ánh của cử tri, có nhiều ý kiến trái chiều trong xã hội.

Cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện - (Ảnh: Cấn Dũng)

Thông qua giám sát đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, pháp luật, tiếp tục phát huy những việc làm tốt, kịp thời phát hiện hạn chế, bất cập, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Đối với lĩnh vực điện lực, triển khai các Nghị quyết về chương trình giám sát, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban/cơ quan trực thuộc, Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội và người đứng đầu các Ủy ban liên quan đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, giám sát cụ thể; các đoàn đại biểu Quốc hội đã vào cuộc tích cực bằng việc tổ chức nhiều phiên họp; tổ chức, kiểm tra thực tế và làm việc với các cơ quan chính quyền ở địa phương, doanh nghiệp liên quan để lắng nghe những kết quả, khó khăn vướng mắc trong ngành... làm cơ sở báo cáo Quốc hội.

Đơn cử, ngày 9/9/2023, tại Hà Nội, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm Trưởng Đoàn công tác đã có cuộc làm việc với Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0). Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn Giám sát đề nghị A0 làm rõ hơn về việc quản lý và vận hành điện quốc gia, đảm bảo an toàn hệ thống điện; điều động kỹ thuật và vận hành hệ thống điện một cách tốt nhất; chất lượng nguồn nhân lực; điều hành giá điện một cách công khai minh bạch; chống tiêu cực trong mua bán điện; vai trò của A0 khi tách khỏi EVN.

Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0)

Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15 ban hành ngày 13/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 đã chỉ ra những bất cập, vướng mắc trong lĩnh vực điện lực, bao gồm cả các nội dung về thể chế và đề nghị nhiều biện pháp, cơ chế tổng thể để giải quyết những bất cập, vướng mắc nêu trên.

Theo đó, tại Nghị quyết đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện xong trước cuối năm 2025 đối với phân ngành điện, đó là nghiên cứu, rà soát, đánh giá, ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đối với các dự án nguồn và lưới điện trong giai đoạn 2023-2030; bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể từ khâu khai thác khí đến khâu mua điện đối với các chuỗi dự án khí - điện để sớm đưa vào khai thác các nguồn khí trong nước.

Đối với giá điện, hoàn thiện cơ chế giá phát điện nhằm khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh nguồn điện năng lượng tái tạo, trong đó có điện rác và điện sinh khối; xử lý dứt điểm vướng mắc các dự án điện gió, điện mặt trời giai đoạn trước. Khẩn trương xây dựng, thực hiện cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà máy điện năng lượng tái tạo và khách hàng tiêu thụ điện lớn; cơ chế đấu giá, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư công trình điện bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa các bên; điều chỉnh kịp thời giá bán lẻ điện theo biến động thực tế...

Đặc biệt, tại Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15 đã nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp: Rà soát, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung các luật theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, bao gồm: Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Khoáng sản, Luật Hóa chất, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Dự trữ quốc gia.

Trước đó, báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn Giám sát cho biết, cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện. Đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp điện có sự phát triển mạnh mẽ, đưa điện lưới quốc gia tới hầu hết mọi miền của đất nước. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng được quan tâm.

Cùng với đó, Đoàn Giám sát kiến nghị rà soát, đánh giá tính khả thi của các dự án nguồn và lưới điện dự kiến thu hút đầu tư hoặc được cam kết đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2023-2030; xem xét ban hành chính sách ưu tiên triển khai xây dựng hạ tầng kho cảng nhập khẩu LNG theo hướng phát triển các kho cảng LNG trung tâm có công suất lớn, gần các trung tâm điện lực sử dụng LNG để tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng vận chuyển, phân phối khí, tối ưu hóa chi phí và giảm giá thành sản xuất điện...

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Là người tham gia cùng Đoàn Giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội giám sát một số tỉnh miền Trung - Tây Nguyên về vấn đề phát triển điện gió, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - đoàn Hải Dương chia sẻ, chiến lược phát triển điện gió là hết sức đúng đắn và cần đẩy mạnh, bởi vì Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.

Tuy nhiên, để phát triển điện gió, chúng ta cần quan tâm đến vấn đề công nghệ, nếu như sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu tuy có ưu điểm ban đầu là đầu tư rẻ nhưng đến khi vận hành lại bộc lộ nhiều vấn đề khác nhau như tiếng ồn và hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, cần quan tâm vấn đề quy hoạch, vừa đảm bảo có thể tận dụng được tối đa năng lượng thiên nhiên nhưng không phá vỡ quy hoạch điện, tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu.

Ngoài ra, cần rà soát kỹ về cơ sở hạ tầng, thể chế để có những quy định mới liên quan đến việc đầu tư lưới điện, hệ thống truyền tải điện năng linh hoạt hơn. Một số quy định khác cũng phải rà soát thật kỹ để vừa phát triển được năng lượng tái tạo nhưng đảm bảo được cuộc sống của người dân như quy định đền bù cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng; xác định vùng bị ảnh hưởng; đối tượng đền bù...

Đáp ứng được mong mỏi của cử tri, nhân dân

Đánh giá về công tác giám sát của Quốc hội với lĩnh vực điện, đại biểu Tạ Thị Yên - đoàn Điện Biên cho rằng, an ninh năng lượng là một trong những trụ cột an ninh phi truyền thống tối quan trọng với mọi quốc gia, trong đó có việc đảm bảo cung cấp đủ điện năng cho sản xuất và sinh hoạt. Do đó, việc Quốc hội thường xuyên quan tâm về vấn đề này là lẽ đương nhiên. "Hơn nữa, đó cũng chính là tâm tư, nguyện vọng của cử tri trong việc thụ hưởng những chính sách phát triển điện năng của Nhà nước và tất cả đại biểu Quốc hội đều có trách nhiệm" - đại biểu nói.

Theo đại biểu, trong năm 2023, Quốc hội khóa XV đã tiến hành giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”, làm rõ kết quả, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế để đi tới kiến nghị rà soát các quy định hiện hành của pháp luật liên quan đến phát triển điện lực, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực và các luật có liên quan, tháo gỡ khó khăn cho ngành điện lực trong đầu tư các dự án, hạ tầng năng lượng, đồng thời bổ sung các chính sách pháp luật về chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng mới.

Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên

Từ báo cáo thẩm tra dự án luật có thể thấy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng các cơ quan của Quốc hội, cơ quan có liên quan của Chính phủ đã dày công nghiên cứu dự án Luật Điện lực (sửa đổi), khảo sát, hội thảo, tổ chức họp thẩm tra sơ bộ, thẩm tra chính thức, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến tham gia thẩm tra của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, báo cáo Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để các vị đại biểu nghiên cứu, cho ý kiến về dự án Luật, sau đó, mới báo cáo với Quốc hội.

"Điều này thể hiện việc làm công phu, rà đi soát lại nhiều lần, nghiêm túc, tuân thủ tuyệt đối, thận trọng quy trình lập pháp để đảm bảo chất lượng của dự án luật rất quan trọng đối với ngành điện lực, thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển điện lực trước khi trình ra Quốc hội xem xét, quyết định" - đại biểu Tạ Thị Yên nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Yên cũng chia sẻ, là đại biểu của tỉnh Điện Biên, đất rộng người thưa, địa hình miền núi hiểm trở, lũ quét, sạt lở đất thường xuyên mỗi mùa mưa bão, nên bà nhận thức rõ về yêu cầu phát triển điện lực ở vùng nông thôn, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn và triển khai các công trình điện lực khẩn cấp mỗi khi có sự cố do thiên tai, bất khả kháng để đảm bảo nguồn điện cho sản xuất và sinh hoạt của bà con.

"Ý kiến phát biểu của tôi tại hội thảo tháng 9 vừa qua ở Cần Thơ cũng như thảo luận về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trong Kỳ họp thứ 8 đã được cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra chú ý, tiếp thu" - đại biểu bày tỏ, đồng thời cho hay, việc ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) rất cấp bách nhằm đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án nguồn điện, tiến độ thực hiện quy hoạch điện VIII để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Vì vậy, đại biểu hoàn toàn đồng tình với đề nghị của Chính phủ về việc trình dự án Luật Điện lực (sửa đổi) để Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này. Có thể nói, chính từ kết quả của hoạt động giám sát của Quốc hội, yêu cầu của thực tiễn nên việc sửa đổi Luật Điện lực trong kỳ họp này đã được thảo luận kỹ lưỡng, công khai, minh bạch, bám sát hầu hết các chính sách pháp luật được thiết kế trong dự án luật để Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ sớm phát huy hiệu lực, hiệu quả pháp lý, được cộng đồng doanh nghiệp ngành điện lực, cử tri và Nhân dân đánh giá cao.

Đại biểu khẳng định, do tầm quan trọng của ngành điện lực đối với sự phát triển của đất nước, chất lượng cuộc sống của người dân, Quốc hội, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát việc triển khai, tổ chức thực hiện luật, nhất là trong việc đáp ứng nhu cầu điện năng của nền kinh tế, khả năng tiếp cận và đa dạng các nguồn cung cấp năng lượng, giá thành điện năng và đảm bảo môi trường bền vững của ngành điện lực nước ta theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong thời gian qua, Quốc hội đã tổ chức nhiều cuộc giám sát chuyên đề tập trung vào các vấn đề then chốt của đất nước như phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, an sinh xã hội và quản lý tài nguyên môi trường, năng lượng. Các cuộc giám sát này đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần nhận diện và giải quyết các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn.

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề về Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 'nóng' về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Bulgaria Rumen Radev

Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Bulgaria gặp gỡ báo chí

Tuyên bố chung Việt Nam-Bulgaria: Đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực

Nên để cơ quan báo, tạp chí quyết định diện tích quảng cáo trên báo in

Kiểm soát nội dung quảng cáo trực tuyến: Thiết lập chế tài mạnh

Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, thống nhất nhiều vấn đề quan trọng

Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Bulgaria

Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Tổng thống Bulgaria Rumen Radev gặp gỡ bạn bè Việt Nam từng học tập, làm việc tại Bulgaria

Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Đại biểu bàn phân cấp, phân quyền

Tổng thống Bulgaria đến Hà Nội, bắt đầu thăm chính thức Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Phiên họp toàn thể Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chào xã giao lãnh đạo Campuchia nhân dịp dự IPTP 11

Củng cố nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ quan hệ Việt Nam-Malaysia

Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)