Thứ hai 25/11/2024 17:08

Quảng Ninh: Xây dựng mô hình cửa khẩu số, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các FTA

Đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa, tỉnh Quảng Ninh thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các FTA; xây dựng mô hình cửa khẩu số.

Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các FTA

Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, hiện nay, đã có rất nhiều FTA được đưa vào thực thi như: EVFTA, CPTPP, UKVFTA, RCEP… Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng được những ưu đãi từ các Hiệp định này để đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa trên trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, với công tác tuyên truyền, ngành Công Thương Quảng Ninh đã cập nhật thường xuyên, kịp thời các quy định có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu; thông tin về thị trường xuất khẩu và các chương trình xúc tiến xuất khẩu nước ngoài… thông báo tới các doanh nghiệp, các sở, ngành địa phương có liên quan bằng văn bản, đồng thời đăng tải công khai, chi tiết tại chuyên mục Hoạt động xuất nhập khẩu của Cổng thông tin điện tử của Sở. Năm 2022 và 8 tháng năm 2023, Sở đã đăng tải 716 nội dung vào chuyên mục này.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Quảng Ninh cũng tổ chức các chương trình cafe doanh nhân, hội nghị phố biến, tập huấn về hội nhập kinh tế quốc tế, tiêu biểu: Hội nghị “Tập huấn Thông tư quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)”; Chương trình cà phê doanh nhân hướng dẫn thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Hội nghị phổ biến các cam kết về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Chương trình cà phê doanh nhân hướng dẫn thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) Form E, Form RCEP cho các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh…

Nhờ nhiều giải pháp hiệu quả được thực hiện đã thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh Quảng Ninh gia tăng và khởi sắc

Từ năm 2022 đến nay, Sở Công Thương đã hướng dẫn thủ tục xuất khẩu (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O) các sản phẩm sản xuất sang các thị trường mới để hưởng ưu đãi thuế quan do Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết cho gần 100 doanh nghiệp. Đồng thời, kết nối các sản phẩm của tỉnh Quảng Ninh như: vật liệu xây dựng, nến, nước mắm... đến các tham tán Việt Nam tại nước ngoài như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Malaysia; Ấn Độ, Trung Quốc; hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tìm kiếm đối tác xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tiêu biểu như: sản xuất sản phẩm OCOP miến dong Bình Liêu, xơ sợi, điện tử…

Xây dựng mô hình cửa khẩu số

Để hoạt động xuất khẩu của tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển trong thời gian tới, Sở Công Thương Quảng Ninh cho biết, sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu được thuận lợi.

Sở tiếp tục thông tin, nắm bắt tình hình tại các cửa khẩu biên giới để thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp, Sở Công Thương các tỉnh/thành trong cả nước các thông tin có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu như: quy định có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu; tình hình hoạt động tại các cửa khẩu, lối mở biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình chính sách biên mậu, chính sách tiền tệ của phía Trung Quốc, kịp thời dự báo, nhận định và triển khai các giải pháp kịp thời để hỗ trợ, đồng hành, định hướng cho doanh nghiệp thích ứng linh hoạt, ổn định hoạt động thông quan hàng hóa trên địa bàn.

Ngoài ra, ngành Công Thương Quảng Ninh sẽ đẩy mạnh các hoạt động định hướng hoạt động xuất nhập khẩu theo thông lệ quốc tế để chủ động và không bị phụ thuộc vào các chính sách của nước bạn; đồng thời tận dụng được các ưu đãi do các FTA mà Việt Nam đã ký kết thông qua các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp nhận thức đúng và đủ về các hình thức xuất nhập khẩu hiện nay.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh: T.Bình

Song song đó, chỉ đạo các lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động xuất nhập khẩu không để xảy ra hiện tượng buôn lậu, gian lận thương mại; Tích cực triển khai: Hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ổn định, bền vững đáp ứng những quy định về xuất xứ, tiêu chuẩn, nguồn gốc hàng hóa; Triển khai công tác tuyên truyền về hội nhập quốc tế về kinh tế đến các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp; Tuyên truyền, in ấn tờ rơi tập gấp về các Hiệp định thương mại tự do theo Kế hoạch đề ra; Tham mưu triển Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030…

Đặc biệt, Sở sẽ thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh để phát huy hiệu quả tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; Tổ chức làm việc với một số tỉnh/thành phố trong cả nước để đưa hàng hoa quả, thủy sản xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới tỉnh Quảng Ninh, trong đó quan tâm đến các tỉnh phía Nam; Đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương xây dựng Đề án “Phát triển dịch vụ logistics của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045”; Tham mưu triển khai Kế hoạch “thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025. Tham mưu xây dựng Đề án thí điểm khu hợp tác qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Ninh)

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại hàng xuất khẩu, đặc biệt tận dụng Công nghệ 4.0 trong công tác xúc tiến thương mại, Sở Công Thương Quảng Ninh sẽ triển khai kết nối doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh, các sản phẩm có khả năng và nhu cầu xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc thông qua các vàn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trung Quốc; hỗ trợ doanh nghiệp các thông tin về thị trường xuất, nhập khẩu, các cơ hội giao thương, tìm kiếm đối tác bạn hàng để xuất khẩu sản phẩm.

Cập nhật, cung cấp thông tin sản phẩm có thể mạnh của tỉnh gửi các Thương vụ Việt Nam tại các thị trường nước ngoài tập trung vào các nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...; tham mưu xây dựng, triển khai “Mẫu phiếu thu thập thông tin về nhu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 và thông tin về sản phẩm xuất khẩu” của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh để tổng hợp, chuyển cho các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài; tham mưu triển khai kế hoạch triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh”.

Đồng thời, tiếp tục nắm bắt thông tin kịp thời, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu để kịp thời có các giải pháp tháo gỡ, đảm bảo thông quan thuận lợi, an toàn, hạn chế tối thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp.

Ngoài những biện pháp kể trên, được biết, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu xây dựng và triển khai Nền tảng cửa khẩu số trong năm 2023. Cụ thể, nền tảng cửa khẩu số sẽ được thực hiện tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, áp dụng thí điểm tại Cửa khẩu Cầu Bắc Luân II.

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, tỉnh giao Cục Hải quan tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất triển khai Nền tảng cửa khẩu số theo lộ trình của Tổng cục Hải quan. Từ việc khảo sát thực hiện công tác triển khai Nền tảng cửa khẩu số tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu phụ Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn), Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã đối chiếu, đánh giá cụ thể các vị trí công tác của các lực lượng chức năng tại Cửa khẩu Cầu Bắc Luân II hiện nay để xây dựng dự thảo, phù hợp định hướng Mô hình cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh của Tổng cục Hải quan.

Mô hình cửa khẩu số áp dụng thí điểm tại Cửa khẩu Cầu Bắc Luân II sẽ có 2 giai đoạn. Ở giai đoạn 1 (2023-2025), phương tiện vận tải chở hàng hoá xuất nhập khẩu khi vào khu vực cửa khẩu phải thực hiện khai báo trên Hệ thống phần mềm cửa khẩu số. Toàn bộ thông tin được chia sẻ tới các vị trí công tác của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu và kết nối với phần mềm khai báo 119 của Tổng cục Hải quan.

Phương tiện và hàng hoá xuất nhập khẩu phải thực hiện đầy đủ thủ tục của các lực lượng chức năng mới được ra khỏi khu vực cửa khẩu. Cơ quan Hải quan quyết định hàng được phép qua khu vực giám sát khi đã hoàn thành các nghĩa vụ và thủ tục, đồng thời giám sát cho tới khi phương tiện xuất nhập khẩu ra khỏi khu vực cửa khẩu và qua biên giới. Tới giai đoạn 2 (dự kiến từ năm 2025), mô hình sẽ kết nối, hoàn thiện theo định hướng của Tổng cục Hải quan.

Ông Phạm Văn Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái cho biết, với mô hình này, cơ quan Hải quan sẽ là đơn vị chủ trì, kiểm soát Hệ thống khai báo chung và chỉ chia sẻ những tiêu chí cần thiết cho các cơ quan chức năng theo yêu cầu.

Cũng theo ông Minh, việc khai báo 1 lần lên Hệ thống chung sau đó chia sẻ tiêu chí khai báo sang phần mềm 119 của Tổng cục Hải quan giúp công chức Hải quan chỉ thực hiện thao tác 1 lần. Phần mềm mô hình cửa khẩu số được xây dựng đảm bảo tính mở, tính kết nối thuận lợi cho việc thực hiện chủ trương xây dựng cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh của ngành Hải quan.

Ngân Thương
Bài viết cùng chủ đề: tỉnh Quảng Ninh

Tin cùng chuyên mục

Quảng Ninh: Tăng tốc hoàn thành kế hoạch, giữ vững tăng trưởng 2 con số

Nước lũ dâng cao, tỉnh Quảng Ngãi di dời khẩn cấp người dân

Quảng Nam: Mưa lớn gây sạt lở làm sập tường ở điểm trường Răng Chuỗi huyện Nam Trà My

Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh): Hướng tới ‘cái nôi’ giá trị văn hóa lịch sử

Quảng Ninh: Doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh

Sẽ sớm ổn định cuộc sống cho người dân khu tái định cư dự án Trung tâm điện lực Quảng Trạch

Bình Định: Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu

Quảng Ninh tăng cường quản lý, khai thác tài nguyên than

Chuyển đổi số tạo 'cú hích' phát triển du lịch Quảng Ninh

Vĩnh Phúc: Tăng trưởng GRDP năm 2024 dự kiến đạt 7,5-7,8%

Quảng Ninh: Ngành du lịch 'chạy nước rút' chinh phục mục tiêu 19 triệu lượt khách

Dân ca Quan họ Bắc Ninh: 15 năm lan tỏa mạnh mẽ

Chung tay bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thế giới vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà

Quảng Ninh: Doanh nghiệp giảm chi phí, tăng năng suất nhờ tiết kiệm điện

Quảng Ninh quyết tâm cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' IUU

Bắc Giang: Kiểm soát bình ổn thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu

Quảng Ninh ưu tiên phát triển nhà ở xã hội

Bà Rịa – Vũng Tàu: Chạy đua với thời gian trong giải ngân vốn đầu tư công

‘Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa’: Cú huých mạnh mẽ cho du lịch

Mỏ khoáng sản làm vật liệu san lấp 39,4ha ở tỉnh Thanh Hóa về tay doanh nghiệp nào?