Quảng Ninh quyết tâm thu hẹp chênh lệch vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Với mục tiêu đến hết năm 2022, Quảng Ninh không còn thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới, 100% số xã thuộc khu vực này đạt chuẩn nông thôn mới…
Thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi
Trong giai đoạn 2017 - 2020, Chương trình 135, Đề án 196 đã đi vào cuộc sống và đem lại hiệu quả cao. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình 135 từ năm 2016 - 2020 đạt hơn 1.700 tỷ đồng, mức bố trí vốn bình quân đối với 01 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK)/năm cao hơn khoảng 7 lần so với định mức Trung ương bố trí.
Bên cạnh đó, Đề án 196 đã tạo sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt về diện mạo nông thôn, miền núi, biên giới, địa bàn ĐBKK. Việc hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng đã góp phần nâng cao đời sống, tăng điều kiện và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân vùng ĐBKK; những mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất triển khai có hiệu quả, được nhân rộng đã giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo có thêm động lực, kiến thức, kinh nghiệm từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã có chuyển biến tích cực về ý thức vươn lên thoát nghèo, chủ động đăng ký lộ trình, phấn đấu thoát nghèo, tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo khi đủ điều kiện.
Nhiều mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất triển khai có hiệu quả đã giúp nâng cao đời sống của người đồng bào dân tộc |
Đến hết năm 2019, 100% các xã, thôn ĐBKK trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (23 xã, 56 thôn) đã được công nhận, đạt tiêu chí hoàn thành Chương trình 135, ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành trước 1 năm so với lộ trình.
Kết quả trên góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, vùng ĐBKK và là cơ sở, tiền đề quan trọng để tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Dành tối thiểu 4.000 tỷ đồng phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS
Việc ban hành Chương trình tổng thể chính là cụ thể hóa Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Trung ương và Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh.
Từ nay đến hết năm 2025, Quảng Ninh sẽ dành tối thiểu 4.000 tỷ đồng từ ngân sách, kết hợp với các nguồn lực huy động hợp pháp khác để thực hiện chương trình. Mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020. Đến hết năm 2022, Quảng Ninh không còn thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới, 100% số xã thuộc khu vực này đạt chuẩn nông thôn mới… Sẽ có hơn 162.000 người DTTS, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở các xã, thôn, bản thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức đầu tư trên địa bàn được hưởng các chính sách hỗ trợ.
Phát triển du lịch tại vùng cao là một trong những mục tiêu được tỉnh Quảng Ninh hướng đến |
Theo ông Vũ Kiên Cường, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh cho biết: Chương trình tập trung vào 3 khâu đột phá: Thứ nhất, phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, bảo đảm liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng và nội vùng, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các mô hình sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp trong vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Thứ hai, phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập ổn định cho lao động, nhất là lao động trẻ trong vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Cuối cùng là phát triển du lịch cộng đồng bền vững và thương mại biên giới ở những nơi có điều kiện.
“Để Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi và Chương trình tổng thể của tỉnh được thực hiện có hiệu quả trong thời gian tiếp theo, đòi hỏi quyết tâm lớn, trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự tham gia tích cực của cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và sự vào cuộc chủ động, với vai trò chủ thể của chính cộng đồng, người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo” - ông Cường khẳng định.