Thứ hai 02/12/2024 21:50

Quảng Ninh phát triển thuỷ sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Quảng Ninh có nhiều lợi thế quan trọng để phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, để nâng cao hiệu quả của kinh tế biển.

Phát huy tiềm năng nuôi trồng thủy sản

Là tỉnh biên giới phía Đông Bắc Tổ quốc, Quảng Ninh có diện tích tự nhiên trên 6.100km2 và ngư trường biển với diện tích hơn 12.000km2, một trong 28 tỉnh, thành có biển, với 2.077 đảo lớn nhỏ, với dải bờ biển dài 250km, với 40.000ha bãi triều và trên 20.000 ngàn ha eo vịnh và hơn 35.000 ngàn ha mặt nước biển.

Quảng Ninh cũng là tỉnh có đầy đủ các hệ sinh thái biển quan trọng (cửa sông, rừng ngập mặn, bãi triều đáy mềm, bãi triều đá, cỏ biển, san hô, đầm hồ ngập mặn ven biển, hang động ngầm... Là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, Quảng Ninh có trữ lượng nguồn lợi thuỷ sản phong phú, đa dạng và đã được xác định là hơn 86.000 tấn, có khả năng cho phép khai thác bền vững hằng năm khoảng 52.000 tấn.

Cùng với đó, Quảng Ninh là cửa ngõ của các nước ASEAN, là trung tâm trung chuyển hàng hoá xuất khẩu của miền Bắc sang thị trường quốc tế, đặc biệt với Trung Quốc, trong đó có mặt hàng thuỷ sản; tạo cơ hội hợp tác sâu rộng về kinh tế thuỷ sản với Trung Quốc (nước có sản lượng thuỷ sản lớn nhất thế giới); đồng thời là tỉnh công nghiệp - dịch vụ, hoạt động dịch vụ và du lịch phát triển. Đây là những tiềm năng, lợi thế nổi trội của tỉnh Quảng Ninh, tạo tiền đề để kinh tế thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia.

Tỉnh Quảng Ninh có tiềm năng lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Tiến Dũng.

Những năm qua, ngành thuỷ sản Quảng Ninh đã có những bước phát triển và đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, trong 10 năm (2013-2023), diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh tăng 1,5 lần (từ 21.425ha lên 32.092ha); sản lượng thủy sản tăng 1,96 lần (từ 88.984 tấn lên 175.324 tấn). Với 16 cơ sở sản xuất, hằng năm đã ương dưỡng trên 3 tỷ con giống; tỉnh tổ chức thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản ra các thủy vực tự nhiên trên 3 triệu con giống thủy sản các loại/năm…

Trong nuôi trồng thủy sản, toàn tỉnh có 11.284 cơ sở nuôi trồng với 3 phương thức tổ chức sản xuất bao gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình. Trong đó hình thức quản lý theo hộ gia đình vẫn là hình thức tổ chức quản lý phổ biến với 11.077 hộ chiếm đến 98,2% tổng số cơ sở sản xuất thuỷ sản; có 33 doanh nghiệp và 119 hợp tác xã.

Riêng hoạt động nuôi cá nước ngọt với 5.471 cơ sở chiếm 48,5%, nuôi tôm là 2.765 cơ sở chiếm 24,5%, nuôi nhuyễn thể là 2.515 cơ sở chiếm 22,3%, nuôi cá biển là 532 cơ sở chiếm 4,7%. Cùng với đó, toàn tỉnh có 30 cơ sở kinh doanh thức ăn, chế phẩm sinh học đảm bảo chuỗi cung ứng dịch vụ, phục vụ phát triển nuôi trồng thuỷ sản.

Nâng giá trị nguồn lợi thủy sản

Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh quan tâm phát triển kinh tế biển, trong đó ban hành nhiều nghị quyết để cụ thể hóa các mục tiêu, điển hình là Nghị quyết số 13-NQ/TU (ngày 6/5/2014) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Đặc biệt, ngày 1/9/2017 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành 18-CT/TU về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Sau khi Chỉ thị được ban hành công tác quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi có nhiều chuyển biến tích cực việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm được thực hiện nghiêm; đồng thời thả bổ sung tái tạo gần 39,9 triệu giống thủy sản, trung bình thả hơn 6,6 triệu giống/năm. Qua đó tình trạng sử dụng các ngư cụ cấm, ngư cụ khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản từng bước được kiểm soát, nguồn lợi thuỷ sản có dấu hiệu phục hồi trở lại.

Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Ninh, trên cơ sở phát huy lợi thế biển đảo hoàn chỉnh hệ thống hậu cần nghề cá, nuôi biển, chế biến đồng bộ, hiện đại…

Theo tính toán, đến 2030, giá trị sản xuất ngành thủy sản của tỉnh Quảng Ninh đạt 32.170 tỷ đồng (bình quân tăng 12%/năm). Tỷ trọng thuỷ sản chiếm từ 1,9-2% GRDP của tỉnh và chiếm trên 50% GRDP trong cơ cấu ngành nông lâm ngư nghiệp. Giá trị xuất khẩu thuỷ sản đạt 250 - 260 triệu USD (tăng bình quân 8%/năm), giải quyết việc làm khoảng 40.000 lao động.

Vùng biển Quảng Ninh là nơi sinh sống của nhiều loài có giá trị, tạo ra cơ hội lớn cho phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, đặc biệt phục vụ xuất khẩu, công nghiệp chế biến thực phẩm giá trị cao - Ảnh: Minh Đức

Để thực hiện mục tiêu trên, Quảng Ninh đã nhanh chóng triển khai nhiều chính sách, cùng hàng loạt hoạt động đạt hiệu quả thiết thực.

Ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Chúng tôi đã yêu cầu và đã phê duyệt được quy hoạch vùng nuôi ở tất cả các địa phương có biển trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là một cơ sở pháp lý rất quan trọng để thu hút đầu tư. Tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc giao khu vực biển đối với người dân, doanh nghiệp ở các khu vực biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh".

Cụ thể, tỉnh đã hoàn thành Quy hoạch phương án phát triển nông lâm nghiệp và thủy sản. Trong đó, lĩnh vực thủy sản được quy hoạch không gian sản xuất 100.000 ha, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia chuyển đổi mô hình sản xuất nuôi trồng thủy sản từ kinh tế hộ, nhỏ lẻ, manh mún sang mô hình liên kết đa chủ thể theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến sâu tạo ra sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng cao.

Hiện tại, quy hoạch đã được tỉnh triển khai đến tận cấp xã, các địa phương đang tiếp tục sắp xếp lại hệ thống khu nuôi trồng, bố trí quỹ đất và mặt nước chuyên dùng là 50.000 ha cho cấp phép nuôi biển ổn định lâu dài, để người nuôi trồng thủy sản yên tâm đầu tư sản xuất.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành liên quan nhanh chóng rút gọn, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển và giao khu vực biển. Chỉ trong một thời gian ngắn ngay đầu tháng 4 vừa qua, Quảng Ninh đã cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho 6 doanh nghiệp, hợp tác xã.

Trong bối cảnh nhiều địa phương trên cả nước vẫn lúng túng trong triển khai quy hoạch không gian biển, một số kết quả nêu trên của Quảng Ninh đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng nhiều chuyên gia đánh giá là có cách làm, bước đi bài bản nhất trong phát triển nuôi trồng thủy sản.

Chí Tâm
Bài viết cùng chủ đề: tỉnh Quảng Ninh

Tin cùng chuyên mục

Quảng Ninh ban hành nhiều chính sách đưa sản xuất công nghiệp 'vượt khó'

Quảng Ninh vươn mình trở thành điểm đến hàng đầu của du lịch tàu biển quốc tế

Quảng Ninh thu hút đầu tư nước ngoài vào khu công nghiệp, khu kinh tế

Quảng Ninh: Nông sản lên sàn thương mại điện tử, bắt kịp xu hướng tiêu dùng hiện đại

11 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp của Nam Định tăng 14,8%

Quảng Ninh thu hút lượng lớn du khách quốc tế bằng đường biển

Sơn La: đa dạng giải pháp xúc tiến thương mại nông sản

TP. Hồ Chí Minh: Cuối năm, hàng loạt mặt bằng “chật vật” tìm khách thuê

Bạc Liêu: Đẩy mạnh sản xuất và quảng bá hiệu quả các sản phẩm OCOP

Công bố Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính huyện, xã tỉnh Quảng Nam

Sơn La: nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Quảng Ninh chú trọng phát triển khu công nghiệp, thu hút đầu tư

Quảng Ninh: Mỗi sản phẩm OCOP là một 'đại sứ du lịch'

Quảng Ninh: Doanh nghiệp tăng tốc về đích kế hoạch năm

Tỉnh Lạng Sơn, Hậu Giang có tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Hoàng Văn Nghiệm được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn

Quảng Ninh tháo gỡ khó khăn về vật liệu san lấp

Quảng Nam: Huyện Nam Trà My xuất hiện sạt lở sau dư chấn động đất

Thành phố Huế trực thuộc Trung ương tạo điều kiện khai thác tiềm năng di sản, thu hút đầu tư

Quảng Ninh: Kích cầu tiêu dùng, tăng tốc phát triển thương mại nội địa