Quảng Ninh - Hoạt động thương mại biên giới: Chủ động, tích cực
Nhộn nhịp hoạt động xuất nhập cảnh |
Không ít khó khăn
Hoạt động thương mại biên giới - một trong những thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh từ trước đến nay - đang có xu hướng giảm, đặc biệt ở Cửa khẩu Móng Cái. Hoạt động tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập và khoản thu phí bến bãi của Cửa khẩu Móng Cái giảm mạnh so với năm 2016.
Cùng với đó, nhiều tuyến hàng truyền thống hiện nay đã không còn đi hướng Hải Phòng ra Móng Cái, thay vào đó, đổi hướng vận chuyển từ Hồng Kông sang Khu Phòng Thành (Trung Quốc).Ngoài ra, tuyến vận chuyển hàng hóa đến Quảng Ninh đã chuyển dần sang các tỉnh như Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn dẫn đến nguồn thu từ hoạt động kinh tế Cửa khẩu ở Móng Cái và các cửa khẩu khác trên địa bàn giảm nhiều.
Liên quan đến những khó khăn trong việc phát triển kinh tế cửa khẩu, ông Đặng Bá Bắc - Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu - cho biết: Năm 2017, hoạt động thương mại khu vực Cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc) còn gặp nhiều khó khăn do chính sách biên mậu của Trung Quốc thay đổi. Ví dụ, phía Trung Quốc thay đổi phương thức quản lý như giảm giờ xuất nhập khẩu hàng hóa, giảm ngày làm việc trong tuần, dẫn đến khó khăn trong việc giao thương hàng hóa.
Ở khía cạnh khác, năm nay mưa nhiều, đường tràn ở Cửa khẩu Hoành Mô - Động Trung bị ngập khiến cho hàng hóa khó có thể giao thương. Tính từ đầu năm đến nay, doanh thu từ cửa khẩu Hoành Mô giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2016.
Tiền đề quan trọng
Ông Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh: Trung Quốc là thị trường rộng lớn với Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Chính sách thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước, tỉnh Quảng Ninh với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) cơ bản rất thuận lợi, tạo điều kiện để Quảng Ninh có những giải pháp tích cực thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới.
Hiện nay, cầu Bắc Luân 2 nối thành phố Móng Cái (Quảng Ninh - Việt Nam) - Đông Hưng (Quảng Tây - Trung Quốc) đã được khánh thành. Việc đầu tư, xây dựng nhà kiểm soát liên ngành để thông quan hàng hóa đang được khởi động khẩn trương. Dự kiến, năm 2018 sẽ đi vào hoạt động, tạo bước đột phá cho thành phố Móng Cái nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Cụ thể, sẽ tạo “cú huých” mạnh cho hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới, phát triển du lịch. Hơn nữa, kết nối Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái với Khu thí điểm khai phát mở cửa trọng điểm quốc gia Đông Hưng, cũng như giao thương giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc và khu vực Đông Bắc Á.
Ngoài ra, Quảng Ninh đã được Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Trung Quốc chấp thuận thông quan lối mở/cặp chợ biên giới Pò Hèn (Việt Nam) - Thán Sản (Trung Quốc) và cầu phao tạm km3+4 nối Móng Cái với Đông Hưng. Khi 2 điểm thông quan này đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa (đặc biệt xuất khẩu hoa, quả) cho cư dân hai bên biên giới.
Thông xe cầu phao tạm km3+4 |
Ông Vũ Văn Sơn - Chủ tịch UBND xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái - cho biết: Hải Sơn là xã vùng sâu, vùng xa biên giới của thành phố Móng Cái, có đường biên giới dài 12,6km giáp với Thán Sản. Những năm qua, thực hiện chính sách cư dân biên giới, bà con hai bên đã qua lại trong ngày để giao thương, buôn bán, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh. Trước đây, việc giao thương hàng hóa của bà con hai bên còn gặp nhiều khó khăn do chính sách biên mậu. Khi lối mở Pò Hèn - Thán Sản được mở, sẽ thúc đẩy hơn nữa hoạt động giao thương.
Được biết, Quảng Ninh cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu qua cặp Cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc) và đang đề nghị Chính phủ nâng cấp cơ sở hạ tầng tại Cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Việt Nam). Khi các công trình tại 2 cửa khẩu này được hoàn thành sẽ giúp cải thiện giao thông, tạo thuận lợi cho việc thông quan trên toàn tuyến biên giới của tỉnh Quảng Ninh.
Giải pháp bền vững
Về những giải pháp để phát triển kinh tế cửa khẩu, ông Đặng Bá Bắc kiến nghị: Thời gian tới, Chính phủ cần có chính sách cụ thể hơn nữa, các điểm xuất nhập hàng linh hoạt hơn; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư cơ sở hạ tầng...
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Quảng Ninh cũng tham mưu với UBND tỉnh, đề nghị các bộ, ngành cho phép những điểm như km3+4 Pò Hèn được xuất nhập khẩu hoa, quả theo quy định, được thực hiện chính sách biên mậu, tạm nhập - tái xuất. Nếu giải quyết được những vấn đề trên, sẽ tháo gỡ được rào cản chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Về vấn đề cải cách thủ tục hành chính, cần rà soát, bãi bỏ những điều kiện không cần thiết, không phù hợp, đặc biệt liên quan đến thủ tục, quy trình kiểm tra hàng hóa... Các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Giao thông - vận tải… cần có sự phối hợp chặt chẽ, tránh chồng chéo về chính sách, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất - kinh doanh.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh Quảng Ninh nhìn thấy trước những khó khăn trong hoạt động thương mại qua biên giới và đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục. |