Quảng Ninh: Gần 4 năm triển khai Nghị quyết số 01-NQ/TU góp phần đem lại diện mạo mới cho 'đất mỏ'
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang được các chuyên gia kinh tế ví như “ngôi sao đang lên” đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Nhận diện rõ xu thế này, tỉnh Quảng Ninh đã sớm chuẩn bị những nền tảng quan trọng. Đặc biệt, tháng 11/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nghị quyết đầu tiên trong nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Việc ban hành nghị quyết này nhằm thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Theo đó, nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch thực hiện với những mục tiêu cụ thể: Vốn đăng ký giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 2,5 - 3 tỷ USD, giai đoạn 2026 - 2030 đạt khoảng 3 - 4,5 tỷ USD; vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 1,5 - 2 tỷ USD, giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 2-3 tỷ USD. Đến năm 2025, tỷ lệ các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng trên 50% và đạt 100% vào năm 2030; tỷ trọng lao động qua đào tạo năm 2025 đạt trên 87,5%, đến năm 2030 đạt trên 90%.
Sau gần 4 năm triển khai, Nghị quyết số 01-NQ/TU đã góp phần đem lại diện mạo mới cho “đất mỏ” Quảng Ninh. Ảnh: Thùy Dương |
Để hoàn thiện mục tiêu này, việc xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn trong tỉnh được quan tâm triển khai. Trong chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài, tỉnh Quảng Ninh chú trọng đến việc lựa chọn đầu tư một cách có chọn lọc, dựa trên các tiêu chí chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường.
Tỉnh tập trung vào những lĩnh vực như: Du lịch, dịch vụ, bảo vệ môi trường; các ngành công nghiệp sản xuất có giá trị gia tăng cao (cơ khí chế tạo ô tô, xe máy, thiết bị phục vụ nông nghiệp, đóng tàu...), cũng như công nghiệp điện, điện tử và vật liệu mới.
Cùng với đó, Quảng Ninh quan tâm hoàn thiện thể chế, chính sách cho các KCN, KKT có vai trò quan trọng để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Đến nay, trên địa bàn Quảng Ninh có 5 KKT với tổng diện tích 375.171ha, bao gồm 3 KKT cửa khẩu và 2 KKT ven biển. Với việc quy hoạch mới 8 KCN, đến năm 2030 toàn tỉnh sẽ có 23 KCN với tổng diện tích khoảng 18.842ha. Trong đó, quy hoạch tỉnh xác định cụ thể định hướng ngành, nghề ưu tiên phát triển, thu hút đầu tư đối với từng KCN, nhằm thu hút đầu tư thông qua tạo điều kiện thuận lợi về vận tải, lưu thông hàng hóa, giảm chi phí logistics….
Với sự tích cực, chủ động, quyết liệt trong tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết, đến nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh đã có được sự khởi sắc đáng ghi nhận, góp phần đưa Quảng Ninh đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Theo đó, đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành mục tiêu về vốn FDI đăng ký và vốn FDI thực hiện giai đoạn 2021-2025 đề ra. Cùng với những giải pháp linh hoạt, sáng tạo, đổi mới, hơn 3 năm qua, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã thu hút 42 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt gần 5,5 tỷ USD (chiếm trên 71,4% tổng số vốn FDI), gấp 4 lần so với giai đoạn 2016-2020. Các dự án đầu tư đều là các dự án FDI thế hệ mới, công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Từ năm 2021 đến hết tháng 6/2024, vốn FDI đăng ký đạt 8,43 tỷ USD, bằng 281% kế hoạch toàn giai đoạn; vốn FDI thực hiện đạt 2,69 tỷ USD, bằng 134,5% kế hoạch. Dự kiến đến hết năm 2025, vốn FDI đăng ký đạt khoảng 10 tỷ USD, bằng 333,3% kế hoạch; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 4,1 tỷ USD, bằng 205% kế hoạch.
Với những kết quả này, có thể khẳng định, sau gần 4 năm triển khai Nghị quyết 01, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã và đang đạt được nhiều kết quả khả quan, ngày càng khẳng định là một trong những trụ cột chính trong nền kinh tế của tỉnh. Các mục tiêu, tốc độ tăng trưởng, thu hút vốn đầu tư... đã đạt và vượt mục tiêu đề ra, đem lại một diện mạo phát triển mới cho “đất mỏ”.