Quảng Ninh đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử
Thúc đẩy sản phẩm trên sàn điện tử
Thời gian qua, thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có những bước phát triển. Để hoạt động thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ hơn, hiện, các sở, ngành, địa phương đã và đang tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh nắm bắt cơ hội từ thương mại điện tử. Qua đó, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện.
Năm 2023, Quảng Ninh có doanh số thương mại điện tử nội địa chiếm 12% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ dân số Quảng Ninh tham gia mua sắm trực tuyến đạt trên 40%; giá trị giao dịch thương mại điện tử của doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu.
Khu gian hàng thương mại điện tử và giải pháp số được lồng ghép trong các kỳ tổ chức hội chợ. Ảnh: Nguyễn Dũng |
Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 50% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại, các hộ gia đình và cá nhân sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng.
Đồng thời, có 80% số doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các phương tiện điện tử; 90% số giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử.
Hiện, tỉnh có 156 website về thương mại điện tử, trong đó, 143 website có chức năng bán hàng và 5 website có chức năng là sàn giao dịch thương mại điện tử. Phát triển thương mại điện tử là cơ sở để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thành mục tiêu đặt ra đến năm 2025, kinh tế số đạt 20% GRDP và đến năm 2030, kinh tế số đạt 30% GRDP của tỉnh.
Tất cả sản phẩm OCOP đạt chuẩn (từ 3 - 5 sao) được đưa lên các sàn thương mại điện tử đều chấp nhận các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài kênh thương mại điện tử ocop.com.vn, tỉnh Quảng Ninh cũng đã có nhiều cuộc kết nối, trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng trên các kênh thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Voso… Trên thực tế, đây đều là những kênh phân phối có uy tín, có lượt tiếp cận cao, giúp thúc đẩy và tăng hiệu quả hoạt động thương mại của các đơn vị.
Đây cũng là cơ sở quan trọng để tỉnh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, nhất là những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, hợp tác xã có thể tiếp cận tham gia vào mạng lưới thương mại điện tử.
Tập huấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác địa bàn tỉnh Quảng Ninh ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Nguyễn Dũng |
Tại Quảng Ninh, trong thời gian này, ngành Công Thương cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu hoạt động thương mại điện tử và sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và cung ứng dịch vụ tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Thu Đông năm 2024, tại địa chỉ: http://ocopquangninh.com.vn. Đồng thời, tận dụng các nền tảng như Facebook, Zalo, và YouTube để truyền thông rộng rãi, tạo nội dung hấp dẫn và dễ chia sẻ để thu hút người tiêu dùng trong tỉnh và trên toàn quốc.
Tỉnh Quảng Ninh cũng tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ liên quan đến hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho đại biểu là cán bộ công chức của huyện, thị xã, thành phố, doanh nghiệp/hợp tác xã/cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, hỗ trợ tạo điều kiện cho thương nhân thực hiện thủ tục hành chính và thực hiện hoạt động khuyến mại trên địa bàn tỉnh; quảng bá sản phẩm thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới, cơ hội bán hàng trên sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh và các nền tảng số…
Doanh nghiệp chủ động
Không để tụt hậu trong quá trình chuyển dịch mạnh mẽ từ thương mại truyền thống sang thương mại điện tử, các đơn vị cũng nỗ lực học hỏi, tìm cách hòa vào "làn sóng" thương mại điện tử. Phát sóng livestream, chủ động quay các đoạn video ngắn đăng tải lên các tài khoản mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm là cách mà anh Nguyễn Văn Mạnh - Giám đốc Công ty TNHH Nam dược Y Võ (người vừa vinh dự đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024) thực hiện trên hành trình hòa nhập làm thương mại điện tử.
Đối với những người sản xuất trực tiếp như anh Mạnh, thương mại điện tử được xem là lĩnh vực khá mới, song cũng là xu hướng mà các đơn vị sản xuất không thể bỏ qua. "Thương mại điện tử vừa là thử thách, vừa là cơ hội cho những người sản xuất. Tôi có thể tiếp cận được một thị trường với quy mô lớn mà không cần qua quá nhiều chi phí cho marketing cũng như quảng bá sản phẩm như trước kia. Tôi cũng nỗ lực để có thể hoà chung vào mạng lưới thương mại điện tử, giúp sản phẩm có thể đi được xa hơn, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn", anh Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Mạnh - Giám đốc Công ty TNHH Nam dược Y võ (TP. Uông Bí) - thực hiện livestream giới thiệu sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Trang |
Bà Nguyễn Thị Thúy Lụa - Trưởng Phòng Tư vấn xuất khẩu khu vực phía Bắc, Công ty CP Đầu tư và Công nghệ OSB (Đại lý Alibaba tại Việt Nam) - cho biết: Từ năm 2023, các sàn giao dịch lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop đóng góp một phần đáng kể vào doanh thu của thương mại điện tử Việt Nam. Doanh thu từ các nền tảng này chiếm khoảng 233.200 tỷ đồng cho thấy, thương mại điện tử đang trở thành một trụ cột quan trọng của nền kinh tế số Việt Nam.
"Với lợi thế là địa bàn có biên giới cùng Trung Quốc, nếu các doanh nghiệp Quảng Ninh nắm bắt được cơ hội đẩy mạnh thương mại điện tử xuyên biên giới, sẽ giúp doanh nghiệp có những sự phát triển bứt phá hơn nữa trong giai đoạn tới", bà Lụa cho hay.
Ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Ninh - cho biết, thông qua các nền tảng thương mại điện tử, đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh cũng nhận được những đánh giá chính xác từ phía người tiêu dùng, từ đó, nghiên cứu cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Xác định thương mại điện tử là xu hướng tiêu dùng sẽ chiếm ưu thế trong thời gian tới, các cơ quan quản lý của tỉnh Quảng Ninh đang đẩy mạnh công tác hướng dẫn, hỗ trợ người nông dân, người sản xuất, chế biến, tiêu dùng tham gia các nền tảng, từ nội địa tới thương mại điện tử xuyên biên giới.