Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội rất quan trọng, vừa hiện thực hóa chủ trương của Đảng, vừa thể hiện được ý chí, nguyện vọng và sự đồng thuận cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - về khai thác tiềm năng di sản cũng như công tác thu hút các nhà đầu tư thời gian tới.
Xin ông cho biết ý nghĩa khi Huế đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương?
Có thể nói, đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở những góp ý quý báu của nhân dân, các trí thức, các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các chuyên gia, các ban, bộ ngành trung ương.
Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Nguyễn Tuấn |
Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Đây là thành quả có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội quan trọng, vừa hiện thực hóa chủ trương của Đảng, vừa thể hiện được ý chí, nguyện vọng và sự đồng thuận cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế.
Trong thời khắc quan trọng này, tôi vô cùng phấn khởi, hạnh phúc và tự hào khi mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã thành hiện thực. Đây là một mốc son, là dấu ấn quan trọng mang tính lịch sử, không chỉ cho sự phát triển của tỉnh mà còn cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa và lịch sử đặc trưng của Huế.
Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đảm bảo đúng định hướng, chỉ đạo, quan điểm, tư tưởng của Bộ Chính trị, sẽ tạo ra ảnh hưởng và sức bật mới không chỉ cho Huế phát triển mà còn tạo điều kiện cho Huế khai thác tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh về vị trí, di sản, văn hóa và đóng góp thiết thực cho vùng, cho đất nước, tạo ra những vận hội mới để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ mang tính chiến lược của địa phương, vùng và quốc gia trong giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, sẽ giúp thành phố Huế bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Với việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đây là cơ hội để Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu đúng như Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra. Đây cũng là kết quả của sự kiên trì, nỗ lực và quyết tâm của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và nhân dân toàn tỉnh trong nhiều năm qua.
Xin ông cho biết định hướng thu hút đầu tư của địa phương trong thời gian tới sẽ như thế nào, sẽ chú trọng vào những lĩnh vực gì? Đặc biệt, tỉnh ta có những giải pháp nào để cải thiện môi trường đầu tư trong thời gian tới, thưa ông?
Những lĩnh vực ưu tiên kêu gọi đầu tư hiện nay của địa phương.
Đối với ngành dịch vụ: Phát triển các loại hình du lịch với sản phẩm đa dạng, đặc trưng, khác biệt, đẳng cấp như: Văn hóa - di sản; sinh thái, nghỉ dưỡng, biển - đầm phá, chú trọng phát triển du lịch chuyên đề với thương hiệu di sản Cố đô Huế. Phát triển du lịch thông minh dựa trên nền tảng chuyển đổi số, du lịch xanh, bền vững. Tập trung phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế và có hàm lượng tri thức, công nghệ cao gắn với công nghệ số, kinh tế số, dịch vụ đô thị thông minh.
Đối với ngành công nghiệp: Phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp điện tử, bán dẫn, thiết bị điện tử - viễn thông, công nghiệp vật liệu mới. Ưu tiên phát triển một số ngành như sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu; khuyến khích phát triển các sản phẩm đồ uống, công nghiệp luyện kim gắn với cảng biển; sản xuất điện từ nguồn năng lượng xanh như hướng đến phát triển đô thị xanh, không gian khu công nghiệp xanh và bền vững.
Đối với ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản: Ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo, các loại rau hoa, cây ăn quả đặc sản của địa phương phục vụ xuất khẩu và du lịch.
Đối với phát triển kinh tế biển và đầm phá: Xây dựng kinh tế biển là một trong những trung tâm mạnh của cả nước với hệ thống cảng biển nước sâu Chân Mây đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển chuỗi khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị biển - đầm phá.
Phát triển kinh tế di sản gắn với du lịch và công nghiệp văn hóa: Xây dựng nền tảng kinh tế của thành phố dựa trên 3 trụ cột là kinh tế du lịch, kinh tế di sản, kinh tế tuần hoàn; phát huy giá trị di sản bằng du lịch văn hóa, cảnh quan, đô thị và sinh thái. Quy hoạch không gian để mỗi di sản trở thành hạt nhân tạo động lực phát triển.
Đầu tư phát triển các khu đô thị, khu dân cư nông thôn: Đảm bảo quy định, phù hợp với định hướng giữ gìn và phát huy các không gian đô thị di sản, chú trọng phát triển xanh, bền vững, thông minh và có nét đặc trưng riêng.
Thành phố Huế. Ảnh: Lê Hoàng |
Những giải pháp nào cần được đưa ra để cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh trong thời gian tới, thưa ông?
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI về công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện bằng các quyết định, kế hoạch, chỉ thị về tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp và tăng cường đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số.
Trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư, tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính, hệ thống hóa bộ thủ tục hành chính. Để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hằng năm, tỉnh tiến hành rà soát, báo cáo những đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp thông qua bộ chỉ số PCI; ban hành Kế hoạch đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) để xác định các hạn chế đang không được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao rơi vào đơn vị nào (sở, ban, ngành hay địa phương nào), thủ tục nào, hoạt động nào để từ đó thực hiện các biện pháp điều chỉnh tốt hơn…
Ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiến đến tháo gỡ các rào cản, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, trong đó phải kể đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng chữ ký số công cộng; hỗ trợ chi phí hóa đơn điện tử; chính sách hỗ trợ mặt bằng…
Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng và vận hành phần mềm quản lý dự án ngoài ngân sách; đã kiện toàn và tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả hơn 4 Tổ công tác giám sát, quản lý các dự án đầu tư do Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ngoài ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách, sớm đưa vào hoạt động đối với các dự án đã được chấp thuận, lựa chọn nhà đầu tư; sớm hoàn thành thủ tục kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư…
Xin cảm ơn ông!