Quảng Ninh: Doanh nghiệp tăng tốc về đích kế hoạch năm
Tăng tốc sản xuất
Năm 2024, trong bối cảnh nền kinh tế nhiều khó khăn cộng với ảnh hưởng lớn từ cơn bão số 3, đòi hỏi các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh phải chủ động, linh hoạt tìm kiếm giải pháp thúc đẩy sản xuất, đa dạng thị trường tiêu thụ sản phẩm, cung cấp các dịch vụ chất lượng, nỗ lực hoàn thành tốt nhất kế hoạch năm 2024 và tạo tiền đề cho năm 2025.
Sau cơn bão số 3, Công ty TNHH Điện tử Tonly Việt Nam (Khu công nghiệp Đông Mai) là một trong những đơn vị bị thiệt hại nặng nề. Nhiều cơ sở vật chất bị hư hỏng, hệ thống máy móc, linh kiện bị ngập cùng với việc bị mất điện khiến cho hoạt động sản xuất bị ngưng trệ, ước tổng thiệt hại khoảng 150 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngay sau khi cơn bão đi qua, ban lãnh đạo công ty đã chỉ đạo cán bộ, công nhân lao động cùng tham gia khắc phục hậu quả, chủ động sử dụng máy phát đảm bảo điện duy trì hoạt động cho nhà máy. Đến nay, sau gần 3 tháng cơn bão đi qua, công ty đã vượt qua được giai đoạn khó khăn, củng cố lại mọi hoạt động sản xuất ổn định, đảm bảo tiến độ các đơn hàng. Với năng lực sản xuất trung bình hàng tháng khoảng 100.000 sản phẩm bao gồm loa và tai nghe xuất khẩu đi thị trường các nước trên thế giới như: Mỹ, châu Âu… đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn công nhân lao động.
Lãnh đạo Công ty TNHH Điện tử Tonly Việt Nam (Khu công nghiệp Đông Mai) kiểm tra hoạt động sản xuất của đơn vị. Ảnh: Thùy Dương |
Công ty TNHH Dịch vụ thương mại dịch vụ tổng hợp Xuân Nghiêm là đơn vị cung cấp gas có tiếng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và một số tỉnh lân cận (Lạng Sơn, Hải Dương…) với khoảng 200 đại lý, 25 cửa hàng bán lẻ.
Đơn vị sử dụng dây chuyền chiết nạp gas tự động giúp tăng năng suất, mỗi năm sản lượng gas xuất bán ra thị trường của công ty đạt gần 9.000 tấn mang đến doanh thu khoảng 220 tỷ đồng. Năm 2024, công ty tiếp tục giữ vững sự tăng trưởng, trước khi bước vào quý IV của năm, sản lượng đã đạt trên 7.000 tấn.
Trong tháng cuối năm, nhu cầu sử dụng gas của các hộ gia đình, các công ty lớn, khách sạn, nhà hàng sẽ tăng đáng kể, ngoài việc chủ động dự trữ nguồn hàng, doanh nghiệp tiếp tục đặt sản xuất thêm 6.000 bình gas đưa ra thị trường để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Công ty đặt quyết tâm phấn đấu đạt mức sản lượng 9.850 tấn cho cả năm, doanh thu trên 255 tỷ đồng.
Dây chuyền chiết nạp gas tự động của Công ty Xuân Nghiêm hoạt động hết công suất dịp cuối năm. Ảnh: Việt Hưng |
Hiện nay, ngoài việc tiếp tục tăng cường nhân lực, thiết bị, đẩy nhanh tiến độ mở đường, đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản xuất tháng cuối năm 2024, Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu cũng đang tập trung quy hoạch lại các hệ thống hạ tầng dùng chung, đảm bảo liên thông giữa hai khai trường, giúp tiết giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất.
"Chúng tôi đang tiếp tục lập lại quy hoạch hạ tầng dùng chung giữa hai khai trường như hệ thống đường vận chuyển, kho bãi, sàng tuyển, thoát nước, nhà điều hành, để phát huy tối đa công năng sử dụng của hạ tầng. Phấn đấu cả năm 2024 sản xuất 2,75 triệu tấn than", ông Đinh Thái Bình - Phó Giám đốc Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu cho biết.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Quảng Ninh bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen. Ngay từ đầu năm, trên cơ sở dự đoán những khó khăn, thách thức trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, Tỉnh ủy đã chủ động ban hành sớm Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 (Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 27/11/2023) để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, giao cho các cấp, các ngành tổ chức thực hiện, với nhiều chỉ tiêu khó, chưa từng có; đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả bằng những giải pháp căn cơ, chặt chẽ, đồng bộ gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Trên cơ sở nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xây dựng kịch bản tăng trưởng, xác định các ngành, lĩnh vực là động lực, trọng điểm đóng góp cho tăng trưởng kinh tế để tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Đặc biệt, trước những thiệt hại do bão số 3 gây ra, tỉnh đã chủ động các giải pháp hỗ trợ, khắc phục với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ từ cộng đồng doanh nghiệp, người dân.
Doanh nghiệp ở Quảng Ninh tăng tốc sản xuất, kiên trì mục tiêu tăng trưởng cả năm 2 con số. Ảnh: Việt Hưng |
Về phía doanh nghiệp, trong bối cảnh thị trường khởi sắc dịp cuối năm, nhiều đơn vị đã nắm bắt cơ hội thực hiện đồng loạt các giải pháp đa dạng hóa và làm mới sản phẩm; linh hoạt các phương thức bán hàng nhằm nâng cao doanh số, nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, chuẩn bị nguồn lao động ổn định. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp đã cơ bản hoàn thành và vượt kế hoạch sản xuất kinh doanh 2024 và nhiều doanh nghiệp đã ký kết được các đơn hàng mới cho năm 2025.
Có thể thấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế suy thoái và thiên tai gây ra, nhưng ở giai đoạn cuối năm 2024, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang quyết tâm sản xuất kinh doanh để bù đắp lại quãng thời gian không thể sản xuất, đảm bảo việc làm, doanh thu cho đơn vị, chung tay đóng góp cùng địa phương hoàn thành mục tiêu tăng thu ngân sách.
Tại chương trình Cà phê Doanh nhân tháng 11/2024 do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh tổ chức vừa qua, ông Nghiêm Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - nhấn mạnh: "Với quan điểm doanh nghiệp có phát triển, tỉnh mới phát triển; an sinh xã hội, đời sống, việc làm của người dân, người công nhân mới đảm bảo…, các cấp ủy Đảng, chính quyền của tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt, đồng hành cùng doanh nghiệp".
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu tham mưu đề xuất lãnh đạo UBND tỉnh giải quyết sớm nhất các kiến nghị, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp khắc phục khó khăn, đóng góp chung vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.