Việt Nam bán dầu thô cho Trung Quốc giá cao hơn giá xuất khẩu trung bình PVEP và BSR tăng cường hợp tác trong hoạt động mua bán dầu thô |
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị trực tuyến khối Công Thương địa phương, mới đây UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn gửi Bộ Công Thương đề nghị xem xét, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có nhiều vấn đề liên quan đến Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (BSR).
Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ngãi, từ giữa năm 2018 thị trường sản phẩm lọc hóa dầu nội địa có nhiều thay đổi khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào sản xuất. Nguồn cung xăng dầu trong nước tăng lên rất nhiều khiến cho cán cân cung cầu xăng dầu nội địa dần được cân bằng.
Bên cạnh đó, với các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo Quyết định 49/2011/QĐ-TTg, sản lượng xăng dầu cung ứng trên thị trường có thời điểm sẽ vượt nhu cầu nội địa hoặc có những thời điểm sản phẩm xăng dầu của BSR không thể tiêu thụ được tại thị trường nội địa.
Để đảm bảo cho Nhà máy được vận hành an toàn và liên tục, ngoài phương án tiêu thụ tối đa sản phẩm tại thị trường nội địa, BSR buộc phải có kế hoạch xuất khẩu sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất sang các nước trong khu vực khi sản phẩm của nhà máy không thể tiêu thụ được tại thị trường nội địa (ngoài ra, hàng năm BSR xuất khẩu khoảng hơn 140-150 nghìn tấn FO).
Tuy nhiên, sản phẩm lọc dầu của BSR khi xuất khẩu vẫn không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, do đó, phần thuế giá trị gia tăng tăng không được khấu trừ này đang được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh. Điều này không những làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh mà còn làm giảm đi lợi thế cạnh tranh cũng như bất lợi cho BSR trong quá trình kinh doanh.
Vì vậy, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ Công Thương, phối hợp cùng với Bộ Tài Chính xem xét, kiến nghị cấp có thẩm quyền loại bỏ các sản phẩm được chế biến từ tài nguyên dầu thô ra khỏi danh sách các sản phẩm không chịu thuế giá trị gia tăng khi xuất khẩu (bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp từ BSR hoặc thông qua các đầu mối).
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất |
Ngoài ra, căn cứ Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, quy định: "Chỉ có thương nhân có Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu được tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu và nguyên liệu".
Hiện tại, BSR không phải là thương nhân có giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu nên không được thực hiện hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu dầu thô. Do đó, BSR không thể bán lại các lô dầu thô đã mua từ nước ngoài chưa nhập khẩu vào Việt Nam.
Để giải quyết khó khăn trên, Quảng Ngãi đề nghị Bộ Công Thương, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh lại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, theo hướng "Cho phép BSR bán lại các lô dầu thô mua từ nước ngoài trong trường hợp cấp bách khi bị ảnh hưởng do dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, khi nhà máy có sự cố hỏng hóc, dừng vận hành hoặc không còn nhu cầu sử dụng".
Bên cạnh đó, để giảm hạn chế thiệt hại khi nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn phải dừng khẩn cấp hoạt động sản xuất kinh doanh, Quảng Ngãi cũng đề nghị Bộ Công Thương xem xét, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét cho hoàn thuế hoặc khấu trừ thuế, đặc biệt đối với dầu thô Bạch Hổ khi BSR phải xuất khẩu nhằm linh hoạt hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.