Quảng Nam: Làng gốm 500 tuổi tất bật sản xuất linh vật rồng phục vụ Tết Giáp Thìn 2024
Anh Lê Văn Nhật (36 tuổi, phường Thanh Hà, thành phố Hội An) cho biết, hàng năm cứ vào khoảng tháng 11 Âm lịch là thời điểm cơ sở của anh bắt đầu nặn linh vật để bán cho khách hàng. Năm nay, Tết Giáp Thìn nên cơ sở của anh cũng như các cơ sở khác đều tập trung nặn đất sét để tạo ra sản phẩm linh vật rồng và các sản phẩm khác có dấu ấn hình hài của rồng. |
“Năm nay, tôi nặn 2 con rồng lớn theo đơn đặt hàng của UBND phường Thanh Hà, TP. Hội An. Đây là 2 con rồng đang quấn quanh bình gốm có kích thước 70x55cm. Để hoàn thiện 2 tác phẩm này, tôi phải bỏ rất nhiều thời gian để làm tỉ mỉ từng công đoạn, làm sao cho sản phẩm sinh động, đẹp mắt nhất”, anh Nhật chia sẻ. |
Hình ảnh con rồng quấn quanh bình gốm được anh Nhật làm một cách tỉ mỉ, đẹp mắt để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. |
Anh Nhật cho biết thêm, ngoài 2 tác phẩm rồng quấn bình gốm, mỗi tháng cơ sở của anh cho ra lò khoảng 1.000 con tò he mang hình dáng 12 con giáp. Các sản phẩm này được anh bán cho các quầy lưu niệm, khách du lịch với giá dao động từ 25.000 – 50.000 đồng/con. |
Tương tự, anh Nguyễn Văn Hoàng (40 tuổi, phường Thanh Hà) cho biết, mỗi năm, các nghệ nhân trong làng làm tượng linh vật Tết để trưng bày ở làng gốm. Năm nay cũng vậy, các nghệ nhân đang nhào nặn linh vật rồng để chuẩn bị trưng bày và bán cho khách du lịch. |
Năm nay anh mất khoảng 20 ngày để hoàn thiện 2 linh vật hình rồng và sản phẩm này sẽ được trưng bày ở đầu làng gốm Thanh Hà để người dân và du khách có thể đến tham quan, chụp hình lưu niệm. |
Bên cạnh làm tượng linh vật rồng, anh Hoàng và các thành viên trong gia đình còn tăng năng suất nặn tò he 12 con giáp dịp cận Tết, ước tính sản lượng đạt 6.000 con, cho thu nhập khoảng 18 triệu đồng. |
Ngoài các sản phẩm tò he giữ nguyên màu gốm đỏ sau nung, một số cơ sở đã tô vẽ chi tiết và tráng men cho tò he để sản phẩm sinh động, mới mẻ và phù hợp với thị hiếu mới của khách hàng. |
Bộ linh vật 12 con Giáp được khách hàng yêu thích |
Tò he liên quan đến linh vật rồng bán chạy dịp Tết Giáp Thìn nên người dân tất bật sản xuất. |
Ông Nguyễn Văn Xê (66 tuổi) cho biết, các làng gốm Thanh Hà sản xuất đa dạng các mặt hàng, nhưng cứ dịp Tết đến Xuân về thì chủ yếu làm tò he 12 con giáp, nồi, niêu đất, bùng binh... "Năm nay là năm con rồng, nên tôi cũng sáng tạo nhiều sản phẩm có hình rồng, tò he con rồng và được du khách thích thú mua làm quà lưu niệm", ông Xê nói. |
Với lịch sử hình thành hơn 500 năm tuổi, làng gốm Thanh Hà là một trong những địa điểm mà du khách không thể bỏ lỡ khi ghé thăm đô thị cổ Hội An. Được biết, làng gốm Thanh Hà hiện có hơn 30 cơ sở sản xuất với 68 lao động tham gia trực tiếp và tất cả lao động này đều được nhận lương dựa trên mức độ đóng góp, tham gia vào hoạt động du lịch của làng. |
Năm 2023, tổng lượng khách mua vé tham quan làng gốm Thanh Hà đạt hơn 550 nghìn lượt (doanh thu hơn 19,2 tỷ đồng), tăng hơn 317% so với cùng kỳ năm 2022, trở thành một trong những mô hình du lịch làng nghề hiệu quả nhất hiện nay ở Quảng Nam và cả nước. |