Chủ nhật 22/12/2024 15:26

Quảng Nam: Doanh nghiệp hiến kế phát triển du lịch

Các doanh nghiệp du lịch đã hiến kế để làm sao du khách đến Quảng Nam phải lưu trú nhiều ngày hơn, chi tiêu ở mức cao, khám phá được nhiều hơn...

Du lịch phục hồi

Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 có hơn 305.000 lượt du khách tham quan, lưu trú trên địa bàn tỉnh. Con số này tăng 35% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 97.000 lượt, tăng 42% so với cùng kỳ, khách nội địa ước đạt 208.000 lượt, tăng 31% so với cùng kỳ. Công suất sử dụng phòng tại các khách sạn, cơ sở lưu trú trong tỉnh ước đạt 60-65%.

Hơn 305.000 lượt du khách tham quan, lưu trú Quảng Nam trên dịp Tết Giáp Thìn 2024. (Ảnh: Người Hội An)

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp du lịch đã nỗ lực phát triển để đạt nhiều kết quả tích cực.

Theo số liệu thống kê từ Hoiana Resort & Golf (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), số lượt khách lưu trú tại Hoiana Resort & Golf trong năm 2023 đạt hơn 165.000 lượt (tăng khoảng 5 lần so với cùng kỳ năm 2022). Hoiana Resort & Golf cũng đưa thêm 300 phòng vào hoạt động để đáp ứng nhu cầu của du khách, nâng tổng số phòng tại khu nghỉ dưỡng lên hơn 1.200 phòng. Khách đến Hoiana Resort & Golf trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đạt gần 3.000 lượt.

Ông Steven Wolstenholme - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hoiana Resort & Golf cho biết, thời gian qua, chính quyền Quảng Nam đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị phát triển các dự án, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hoiana Resort & Golf đưa thêm 300 phòng vào hoạt động để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Ông Steven Wolstenholme cũng cho rằng, du lịch xanh đang là hướng đi đúng đắn và quan trọng của tất cả doanh nghiệp du lịch tại Quảng Nam. “Trong thời gian tới, tôi mong muốn các doanh nghiệp sẽ cùng nhau hợp tác, liên kết để tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, đưa Quảng Nam trở thành điểm sáng du lịch không chỉ ở Việt Nam mà còn của quốc tế”, ông Steven Wolstenholme chia sẻ.

Ông Nguyễn Xuân Hà - đại diện Công viên Ký ức Hội An (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) cho biết, sau nhiều năm "nằm chìm dưới đất", đến năm 2023, khu du lịch này đã “lên trên mặt đất" khi tình hình kinh doanh có nhiều kết quả tích cực. Điều này là tín hiệu tốt cho sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và du lịch Hội An, Quảng Nam nói chung. Tuy nhiên, cần có những hoạt động, sự kiện, sản phẩm mới để thu hút nhiều du khách đến với phố cổ trong thời gian đến.

“Phía công ty đang nghiên cứu và làm việc với các bên liên quan để tổ chức Lễ hội đèn trời vào tháng 7 Âm lịch tới đây. Đây là sự kiện mang tầm quốc tế được tổ chức vào những ngày cuối tuần và kéo dài trong một tháng để hút khách du lịch”, ông Hà nói.

Cần thêm sản phẩm níu chân du khách

Ông Lê Ngọc Thuận - Chủ nhà hàng Shore Club An Bang Beach (thành phố Hội An) cho biết, tỉnh Quảng Nam cần sắp xếp lại không gian biển, tạo ra những khu vui chơi, giải trí hoặc những câu lạc bộ biển xứng tầm phục vụ như cầu nghỉ dưỡng của người dân và du khách trong nước, quốc tế.

“Hiện tại, sản phẩm du lịch ở Hội An chủ yếu phục vụ khách châu Âu, trong khi khách châu Á rất quan tâm đến thể thao biển nhưng từ sau dịch COVID-19 đến nay chúng ta hầu như không có sản phẩm đáp ứng được nhu cầu này. Vì vậy, đa số khách đổ ra các bãi biển Đà Nẵng, do đó tỉnh cần có chính sách, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp phát triển các môn thể thao biển” , ông Thuận đề xuất và cho biết thêm, hiện lượng khách càng tăng cao thì lượt xe lưu thông càng nhiều, tiếng còi giao thông làm cho khách khó chịu. Đây dù là điều rất nhỏ nhưng cũng ảnh hưởng tới trải nghiệm du khách.

Cần có thêm các sản phẩm đến níu chân du khách.

Đồng quan điểm, ông Lê Quốc Việt - Chủ khách sạn Santa Sea Villa Hội An cho rằng, với những tiềm năng và lợi thế biển, Hội An cần quy hoạch xây dựng một công viên bảo tồn biển và nghề cá Quảng Nam, bên trong bố trí thêm nhà hát trình diễn các tác phẩm dân ca dân vũ Quảng Nam. Riêng với hoạt động thể thao nước, nên phát triển các môn thể thao cảm giác mạnh như lướt sóng tại khu vực Nam Hội An, biến những hạn chế mùa đông thành lợi thế của du lịch biển vì thời điểm này sóng lớn phù hợp môn thể thao lướt sóng, giúp thu hút khách đến Hội An, Quảng Nam nhiều hơn.

Bà Phạm Thị Nghĩa – Đại diện Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) cho hay, tỉnh Quảng Nam cần liên kết các điểm du lịch, tổ chức nhiều tour trải nghiệm để du khách có thể khám phá. “Hội An – là linh hồn du lịch của Quảng Nam và tạo điều kiện cho các vùng lân cận của tỉnh phát triển. Chính vì thế cần liên kết hơn nữa các điểm du lịch trong địa bàn tỉnh với nhau để hình thành tour trải nghiệm, đưa du khách đến nhiều nơi hơn, ở lại lâu hơn với Quảng Nam”, bà Nghĩa nói.

Việc đa dạng các sản phẩm dịch vụ sẽ giúp khách ở lại Quảng Nam lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn.

Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam, du lịch tỉnh nhà đang có những tín hiệu tốt. Tuy nhiên vẫn còn những vấn đề tồn đọng trong thực tế, đòi hỏi lực lượng chức năng làm tốt hơn nữa, quan tâm hơn nữa về an ninh trật tự, giảm tệ nạn xã hội, đặc biệt ô nhiễm tiếng ồn, rác thải. Ông Thanh cho rằng, để thúc đẩy du lịch phát triển bền vững cần liên kết ngành, nhất là ngành du lịch với ngành nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm hướng tới du lịch xanh.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, khách đến Hội An, Quảng Nam không chỉ có phố cổ, người ta muốn quay lại thì cần phải có thêm những sản phẩm phục vụ du lịch khác, các hoạt động bổ trợ. Không gian cũng cần mở rộng, không chỉ Hội An mà các địa phương lân cận để tạo ra các sản phẩm du lịch phong phú hơn, hấp dẫn hơn. Địa phương sẽ đồng hành với doanh nghiệp cùng hướng đến mục tiêu xây dựng thương hiệu điểm đến Hội An, Quảng Nam bền vững.

"Cần có sự liên kết, làm sao khách đến Quảng Nam phải ở lại dài ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn, khám phá được nhiều hơn, yêu mến vùng đất này nhiều hơn và muốn quay trở lại nhiều hơn, chứ không chỉ đo lường bằng số lượng khách đến năm sau tăng hơn năm trước bao nhiêu khách…", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói.

Hạ Vĩ
Bài viết cùng chủ đề: Hội An

Tin cùng chuyên mục

Sóc Trăng: Nông dân kỳ vọng lớn vào vụ hành tím sớm phục vụ Tết

Tuyên Quang: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp huyện Na Hang tăng 12%

Thanh Hóa: Triển khai có hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững

Đồn Biên phòng Lũng Cú tiếp tục trồng cây xanh bảo vệ biên giới

Bài 2 - Tự hào vì quê hương có nhà máy điện hạt nhân

Sở Công Thương Hà Giang: Quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Khai mạc Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2024

Quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh Nghệ An năm 2024

Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh thành khu kinh tế năng động, thông minh

Kết nối đầu tư, thương mại và du lịch 2 tỉnh Sơn La và Thanh Hóa

Hậu Giang: Phát triển công nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong năm 2025

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 1 - Đồng thuận và mong chờ

Đồng Tháp: Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,75%, cao hơn bình quân cả nước

Ngành Công Thương Thanh Hóa triển khai hiệu quả khuyến công, góp phần xóa đói giảm nghèo

Vĩnh Phúc: Người dân, doanh nghiệp là trung tâm của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Phê chuẩn kết quả bầu ông Dương Minh Dũng làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Sóc Trăng: Nông dân ‘đổi đời’ nhờ xuất khẩu vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ

Giao lưu văn hóa giữa lực lượng biên phòng Hà Giang (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc)

Bài cuối - Giải pháp đưa Chương trình OCOP phát triển bền vững

Khởi công cụm công nghiệp Bắc Sơn 2, vốn đầu tư hơn 280 tỷ đồng