Quảng Bình: Dự trữ hàng hóa đảm bảo cung ứng từ 20 - 30 ngày cho phòng chống dịch
Ông Phan Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình - cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, ngành Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Bình nhiều văn bản để chỉ đạo công tác đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại địa phương, ứng phó phòng chống dịch. Theo đó, sau khi xuất hiện hàng chục ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng, ngành Công Thương đã triển khai kịch bản về ứng phó dịch bệnh trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Quảng Bình và cũng đã gửi văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thực hiện. Tuy nhiên, tùy tình hình thực tế từng địa phương mà xây dựng kịch bản cung ứng hàng hóa phù hợp cho riêng địa phương mình để ứng phó với từng cấp độ của dịch bệnh.
Các siêu thị, trung tâm thương mại tại TP. Đồng Hới tăng lượng hàng thiết yếu từ 3-4 lần so với ngày thường |
Cũng theo ông Phan Hoài Nam, thực hiện theo các tình huống của kịch bản cung ứng hàng hóa, hiện nay công tác dự trữ các nhu yếu phẩm thiết yếu để phục vụ cho người dân trên địa bàn đều chuẩn bị chu đáo. Hiện tại, tất cả các đơn vị đầu mối phát luồng cũng như các kho dự trữ hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn đang đáp ứng rất tốt.
“Với nguồn dự trữ hiện tại thì có thể đảm đương, phục vụ người dân trong vòng một tháng. Ngoài ra, các đơn vị đầu mối trên địa bàn được Sở Công Thương giao nhiệm vụ đảm bảo cung ứng hàng hóa như: Co.op mart Quảng Bình, siêu thị Vincom Đồng Hới, Công ty Tuấn Việt, Ngọc Phương… cũng đã kết nối với các hệ thống phân phối trên toàn quốc, trong vòng từ 1 - 3 ngày sẽ điều lượng hàng lớn đến Quảng Bình để phục vụ người dân trong công tác phòng chống dịch”, ông Nam cho biết thêm.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bách hóa cho biết, hiện nay số lượng hàng hóa thiết yếu như gạo, mì tôm, dầu ăn, nước mắm, thực phẩm, thủy hải sản… dự trữ phục vụ người dân tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường và lượng hàng hóa có thể cung ứng từ 20-30 ngày, nên người dân không lo thiếu hàng, khan hàng.
Song song với công tác đảm bảo cung ứng hàng hóa, Sở Công Thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường (QLTT) Quảng Bình tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc lưu thông hàng hóa, giá cả, chống buôn lậu, gian lận thương mại, các hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, lợi dụng tình hình dịch bệnh để tung tin thất thiệt nhằm trục lợi gây bất ổn thị trường theo quy định của pháp luật.
Cũng trong ngày 26/8, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành văn bản về việc đảm bảo hoạt động cung ứng hàng hóa phục vụ phòng chống dịch. Trong đó nhấn mạnh, Sở Công Thương khẩn trương phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai ngay các phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa phục vụ người dân phòng, chống dịch trên địa bàn, đặc biệt là ở các khu phong tỏa, khu vực thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Rà soát, đánh giá nhu cầu các mặt hàng thiết yếu và khả năng đáp ứng của hệ thống phân phối để có phương án cân đối kịp thời. Yêu cầu các doanh nghiệp thuộc hệ thống phân phối, cung ứng hàng hóa chủ động phương án tăng nguồn dự trữ hàng hóa, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục diễn biến theo chiều hướng phức tạp và các biện pháp giãn cách phải kéo dài.
UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã chỉ đạo Cục QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, việc thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt nhằm thu lợi bất chính… đặc biệt là đối với các mặt hàng thiết yếu. Duy trì đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân, các đơn vị liên quan về tình hình giá cả thị trường để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.
Nhu cầu sử dụng rau, củ, quả tăng mạnh so với ngày thường, tuy nhiên chỉ mang tính cục bộ, từng thời điểm, không đột biến về giá |
Ông Vũ Quang Thắng – Cục trưởng Cục QLTT Quảng Bình - cho biết, thời gian qua lực lượng QLTT thường xuyên kiểm tra, giám sát thị trường, giá cả chặt chẽ và thực hiện theo chỉ đạo UBND tỉnh, Bộ Công Thương đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng trong công tác phòng chống dịch. “Sức mua hai ngày qua của người dân trên địa bàn Quảng Bình có tăng, tuy nhiên chỉ tăng từng thời điểm trong ngày, không đột biến. Các mặt hàng có đột biến rơi vào các mặt hàng rau, củ quả. Tuy nhiên sau khi thành phố Đồng Hới, huyện Bố Trạch thực hiện theo Chỉ thị 16 thì sức mua đã giảm”, ông Thắng cho biết thêm.
Kịch bản ứng phó nhằm đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu, với 3 tình huống: Tình huống 1, khi chưa ghi nhận trường hợp bệnh; tình huống 2, xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập được cách ly tập trung tại các khu vực cách ly của tỉnh và tại nhà; tình huống 3, khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng tiến hành cách ly trên diện rộng.
Đối với tình huống xuất hiện ca bệnh và cách ly tập trung diện rộng thì tuyên truyền để người dân không hoang mang, không nên mua hàng tích trữ nhiều dẫn đến thị trường bất ổn; hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, hệ thống chợ, cửa hàng bách hóa tổng hợp xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu. Thực hiện điều tiết, luân chuyển hàng hóa thường xuyên, kịp thời từ các kho hàng đầu mối phát luồng hoặc giữa các điểm bán hàng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng tại các điểm bán… Yêu cầu các doanh nghiệp, siêu thị, hệ thống chợ, cửa hàng bách hóa tổng hợp cử đầu mối liên lạc, thiết lập số điện thoại đường dây nóng để kết nối thông tin, báo cáo trong mọi tình huống…