Quản lý tiền mặt, tài sản quý tạm gửi tại Kho bạc Nhà nước
Thông tư quy định, KBNN nhận bảo quản tài sản theo hòm, túi, gói đã được niêm phong của đơn vị gửi tài sản; trên niêm phong đóng dấu của đơn vị gửi, chữ ký của người niêm phong.
Trong trường hợp đơn vị gửi tài sản bảo quản là tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý của đơn vị thực hiện như sau: Đối với tiền mặt nộp tại KBNN, KBNN phải kiểm đếm xác định giá trị tài sản và hạch toán vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý của đơn vị tại KBNN.
Đối với tiền mặt và ngoại tệ tiền mặt (các loại ngoại tệ mà KBNN có tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ tại ngân hàng) nộp tại ngân hàng, đơn vị nộp trực tiếp tại ngân hàng thương mại để chuyển vào tài khoản của KBNN. Đơn vị thực hiện nộp tiền theo hướng dẫn của ngân hàng thương mại. KBNN hạch toán vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý của đơn vị tại KBNN theo quy định.
Thông tư cũng quy định, KBNN phải có trách nhiệm mở các loại sổ để ghi chép, theo dõi từng lần nhập, xuất tài sản. Cán bộ KBNN phải hướng dẫn thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho bên gửi đến giao và nhận lại tài sản.
Theo quy định, phải trả đúng, đủ tài sản theo hòm, túi, gói niêm phong cho bên gửi khi có quyết định của cấp có thẩm quyền. Sau đó, thông báo kịp thời cho bên gửi tài sản biết để có biện pháp xử lý trong trường hợp niêm phong hòm, túi, gói bảo quản có thể bị hư hỏng.
KNNN cũng phải chịu trách nhiệm chấp hành quyết định của cấp có thẩm quyền về việc xử lý tài sản. KBNN không chịu trách nhiệm về số lượng, trọng lượng, chất lượng tài sản trong hòm, túi, gói còn nguyên niêm phong của bên gửi tài sản.
Trường hợp KBNN phát hiện mất tài sản của đơn vị gửi tài sản tại KBNN thì KBNN nơi để mất tài sản phải báo ngay cho cho cơ quan chức năng và đơn vị đã gửi tài sản để phối hợp giải quyết.
Trường hợp bên gửi phát hiện mất hồ sơ tài sản gửi bảo quản phải báo ngay cho KBNN bằng văn bản để phối hợp ngăn ngừa kẻ gian lấy tài sản.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2019.