Quản lý thị trường Hà Giang: Xử lý vi phạm hành chính 360 vụ, xử phạt gần 1,5 tỷ đồng
Quyết liệt kiểm soát thị trường
Ngay từ đầu năm, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh Hà Giang, Ban Chỉ đạo 389 Hà Giang, Cục Quản lý thị trường Hà Giang đã ban hành kế hoạch công tác năm 2024 để các đơn vị nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ và chỉ tiêu đề ra.
Theo đó, Cục Quản lý thị trường Hà Giang đã tập trung, nỗ lực trong việc thực hiện hoạt động kiểm tra, kiểm soát đạt 72,32 % chỉ tiêu định hướng năm 2024. Bên cạnh đó là sự phối hợp ngày càng hiệu quả của các ngành, các cấp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
6 tháng đầu năm, lực lượng QLTT tỉnh Hà Giang xử lý vi phạm hành chính 360 vụ, xử phạt gần 1,5 tỷ đồng. (Ảnh: Cục QLTT Hà Giang) |
Trong tháng 6/2024, đơn vị đã kiểm tra 72 vụ; xử lý vi phạm hành chính 56 vụ; thu nộp ngân sách nhà nước là 243.875.000 đồng. Trong đó, số tiền thu từ xử phạt hành chính 177.500.000 đồng; tiền bán hàng hóa tịch thu 66.375.000 đồng; Trị giá tang vật vi phạm hành chính áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: 140.047.000 đồng.
Kết quả kiểm tra 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính 360 vụ (giảm 63 vụ) đạt 85,1 % so với cùng kỳ năm 2023; chuyển sang cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang 01 vụ; tiếp nhận 01 vụ việc lưu giữ vỏ chai LPG do cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang chuyển giao để xử phạt hành chính; xử phạt vi phạm hành chính 292 vụ, với 302 hành vi vi phạm (giảm 74 vụ) (thuộc thẩm quyền của Quản lý thị trường) đạt 79,78% so với cùng kỳ năm 2023;
Số tiền nộp ngân sách nhà nước: 1.446.597.625 đồng, tăng 10,89 % so với cùng kỳ năm 2023 (Tiền xử phạt vi phạm hành chính: 1.083.250.625 đồng; tiền bán hàng hóa tịch thu 363.347.000 đồng). Trị giá tang vật vi phạm hành chính áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: 486.942.700 đồng...
Trong 6 tháng đầu năm 2024 đơn vị đã cập nhật các thông tin của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ và nhập 360 hồ sơ vụ việc vào phần mềm INS. Đơn vị đã phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát và xử lý vi phạm trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, mua bán thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc tại các chợ phiên... Tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm do các huyện, thành phố thành lập.
Kết quả, tham gia phối hợp kiểm tra 270 cơ sở; xử phạt vi phạm hành chính 24 cơ sở, nộp ngân sách nhà nước 95.750.000 đồng; chuyển giao chính quyền địa phương xử lý đối với 26,7 kg, 965 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật; 20,3 kg và 407 sản phẩm mỹ phẩm các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ; phối hợp chuyển giao vụ việc lưu giữ 26.846 vỏ chai LPG; cơ quan thuế kiểm tra việc triển khai hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh xăng dầu...
Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả chưa cao; trách nhiệm và trình độ năng lực của một số công chức quản lý thị trường còn hạn chế. Việc áp dụng hệ thống xử phạt vi phạm hành chính (INS) của một số đơn vị còn lúng túng nên hiệu quả kiểm tra, kiểm soát thị trường chưa cao.
Phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm
Trong 6 tháng cuối năm 2024, Cục Quản lý thị trường Hà Giang tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị, Công điện 4 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương về tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ cho toàn thể công chức, người lao động trong đơn vị; xử lý nghiêm công chức vi phạm, đặc biệt là hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa.
Cục Quản lý Thị trường Hà Giang tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với nhóm mặt hàng điện tử điện lạnh điện dân dụng trên địa bàn. (Ảnh: Cục QLTT Hà Giang) |
Tiếp đó, đơn vị đã tăng cường công tác kiểm tra thi hành pháp luật, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của công chức đơn vị nhằm đưa hoạt động của lực lượng quản lý thị trường vào nề nếp, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tế; tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra việc triển khai và thi hành pháp luật về quản lý thị trường.
Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì ổn định, hỗ trợ vận hành các ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo hoạt động ổn định. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức thực thi công vụ về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kiểm tra kiểm soát thị trường được trang bị đầy đủ về kiến thức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ông Vũ Quốc Khánh - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Giang cho biết: Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất và kiểm tra chuyên đề đã được phê duyệt; thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo 389 tỉnh Hà Giang về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, lực lượng QLTT Hà Giang chủ động nắm vững diễn biến tình hình địa bàn để kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao năm 2024.
“Nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu trong chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tập trung cao độ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với một số lĩnh vực như thương mại điện tử, an toàn thực phẩm, hàng giả, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Phối hợp tốt với các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển và trên bộ” - Ông Vũ Quốc Khánh nhấn mạnh.
Mặt khác, đơn vị thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các chợ, đến các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn để kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi đối với các vụ việc hoặc tiêu hủy hàng hóa vi phạm. Chủ trì phối kết hợp giữa các sở, ban, ngành, các cấp và các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm xử lý nghiêm các vấn đề, vụ việc phát sinh, nổi cộm được phát hiện xảy ra trên địa bàn.