Thứ sáu 08/11/2024 23:27

Quản lý thị trường giám sát, xử phạt vi phạm kinh doanh xăng dầu

Lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh phía Nam đã tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, phát hiện, xử lý nhiều vi phạm.

Liên tiếp phát hiện, xử lý vi phạm

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công Thương về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội, lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh phía Nam như Kiên Giang, Lâm Đồng, Tiền Giang, Long An... đã tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, phát hiện, xử lý nhiều cửa hàng vi phạm.

Để đảm bảo hoạt động cung ứng xăng dầu cho thị trường kịp thời, đầy đủ, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường giám sát chặt chẽ tình hình kinh doanh tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu; tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 517/CĐ-BCT ngày 28/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường về kiểm tra lĩnh vực này. Chỉ trong ngày 2/8/2022, các Đội Quản lý thị trường đã giám sát 215/616 tổng cửa hàng trên địa bàn toàn tỉnh (đạt gần 35%).

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Tiền Giang cho biết, các cửa hàng đều mở cửa bán hàng bình thường, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, cắt giảm thời gian, số lượng bán hàng, tăng giá bất hợp lý, thực hiện tốt việc niêm yết giá và bán đúng theo giá niêm yết. Tuy nhiên, có 02 cửa hàng trên địa bàn huyện Cái Bè hết xăng tạm thời, vẫn mở cửa bán dầu bình thường; mặt hàng xăng đang trên đường vận chuyển về và tiếp tục được mở bán.

Trong ngày 1/8, qua kiểm tra, Đội số 2 - Cục Quản lý thị trường Lâm Đồng phát hiện một Cửa hàng xăng dầu trên địa bàn huyện Đơn Dương đóng cửa, không bán hàng. Tiến hành đo bồn, lực lượng chức năng phát hiện trong bồn chứa vẫn còn tồn số lượng dầu DO là 4.444 lít. Qua làm việc, chủ doanh nghiệp thừa nhận, cửa hàng đóng cửa không bán khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Đội số 2 đã lập biên bản và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp số tiền 15 triệu đồng.

Ở một số địa phương, lực lượng Quản lý thị trường đã kịp thời phát hiện một số vụ việc vi phạm trong kinh doanh xăng dầu

Tại Kiên Giang, cũng trong ngày 1/8 , lực lượng Quản lý thị trường tỉnh tổ chức kiểm tra nhiều cửa hàng xăng dầu, trong đó, xử lý 2 đại lý bán lẻ xăng dầu niêm yết giá không đúng với giá do thương nhân phân phối xăng dầu quy định.

Cụ thể, trong ngày 1/8, Đội Quản lý thị trường số 7 phối hợp Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra 02 đại lý bán lẻ xăng dầu Đ.P và H.Q tại huyện Giồng Riềng. Tại thời điểm kiểm tra, 02 đại lý bán lẻ này vẫn còn niêm yết giá bán giá xăng Ron 95-III là 26.590 đồng/lít (giá trước khi được điều chỉnh). Đội Quản lý thị trường số 7 đã lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng với mỗi đại lý về hành vi niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng với giá do thương nhân phân phối xăng dầu quy định.

Trong những ngày đầu tháng 8/2022, Đội Quản lý thị trường số 6, Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An đã đề nghị xử lý doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại huyện Cần Giuộc về hành vi kinh doanh dầu DO có chất lượng không đảm bảo. Vụ việc được Đội Quản lý thị trường số 6 chủ trì phối hợp Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh kiểm tra vào ngày 18/7/2022 tại cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn xã Long Phụng. Tại thời điểm kiểm tra, số lượng dầu DO tồn tại bồn là 1.000 lít, qua lấy mẫu, lực lượng chức năng phát hiện, dầu DO 0,05S-II có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Ngày 2/8, Đội Quản lý thị trường số 6, chủ trì Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tiến hành lập biên bản hành chính, đồng thời, chuyển hồ sơ và đề nghị Cục Quản lý thị trường xử phạt vi phạm hành chính về hành vi nêu trên với số tiền trên 72 triệu đồng và buộc doanh nghiệp liên hệ đơn vị sản xuất hoặc nhập khẩu tái chế số lượng dầu DO không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật.

Tăng cường phối hợp, kiểm tra xử lý

Qua công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Quản lý thị trường phát hiện nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; trong đó phổ biến là hành vi không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; mua hoặc bán xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống; Kinh doanh xăng dầu khi giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã hết hiệu lực; kinh doanh xăng dầu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; kinh doanh xăng dầu không có Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu trong trường hợp có từ 02 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trở lên; Sử dụng phương tiện đo không có chứng chỉ kiểm định; vi phạm tác động vào cấu trúc kỹ thuật của phương tiện đo làm thay đổi tình trạng kỹ thuật và đặc tính đo lường của phương tiện đo để làm sai lệch kết quả đo (điều chỉnh sai số của phương tiện đo vượt quá giới hạn sai số cho phép); Không niêm phong kẹp chì nắp bồn xe chứa xăng dầu.

Ngoài ra còn tình trạng nhân viên bán hàng lợi dụng giờ cao điểm cũng như khâu quản lý lỏng lẻo để bơm chồng số, không niêm yết giá, tự ý điều chỉnh giá, treo biển không bán hàng, cố ý che bảng thông tin cột bơm... thu lợi bất chính, gây bất bình cho người tiêu dùng.

Dù vậy, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, lực lượng Quản lý thị trường cả nước cũng gặp không ít khó khăn. Đơn cử như, hiện nay trên thị trường các chất dung môi, phụ gia, chế phẩm có thể lợi dụng để pha chế xăng dầu được mua khá dễ dàng, nếu các đối tượng có ý gian lận về xăng dầu thì rất dễ thực hiện. Bên cạnh đó, việc quản lý hoạt động kinh doanh, buôn bán, chứa trữ các chất dung môi, phụ gia, chế phẩm nêu trên do nhiều cơ quan chức năng quản lý. “Trong khi kiểm tra lấy mẫu có xác định số tồn nhưng khi có kết quả kiểm nghiệm mẫu là vi phạm thì không thể thu hồi số xăng dầu vi phạm vì lý do khi chưa có kết luận giám định thì không có căn cứ tạm giữ ban đầu. Trong khi đó quá trình bán hàng của doanh nghiệp là liên tục nên khi có kết quả, tiếp tục làm việc với doanh nghiệp thì lượng xăng vi phạm đã bán hết, rất khó khăn trong quá trình xử lý tang vật”, lãnh đạo Cục Nghiệp vụ- Tổng cục Quản lý Thị trường thông tin.

Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, thời gian vừa qua, ở một số địa phương lực lượng Quản lý thị trường đã kịp thời phát hiện một số vụ việc vi phạm trong kinh doanh xăng dầu như: bán xăng dầu kém chất lượng. xăng dầu không rõ nguồn gốc gây lũng đoạn, thiệt hại kinh tế cho đất nước, thất thu ngân sách. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ của toàn lực lượng Quản lý thị trường. Tuy nhiên, hoạt động vi phạm này vẫn diễn ra âm thầm và dai dẳng.

Trong thời gian tới, để đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường đối với mặt hàng xăng dầu, lực lượng Quản lý thị trường cả nước sẽ tăng cường công tác quản lý địa bàn, công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định trong kinh doanh xăng dầu với đối tượng kiểm tra là các đơn vị xuất, nhập khẩu xăng dầu, tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu, các hộ kinh doanh xăng dầu tự phát. Đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Thông qua công tác kiểm tra, xử lý, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép theo quy định; đồng thời giám sát chặt chẽ các cửa hàng xăng dầu đã bị thu hồi giấy phép.

Cùng với đó, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tăng cường trao đổi thông tin, chủ động phối hợp với các lực lượng Công an, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và chính quyền địa phương trong công tác kiểm tra, phân tích, giám định nhằm ngăn chặn xăng dầu giả, xăng dầu kém chất lượng. Mặt khác, nghiên cứu xây dựng các quy chế phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng nhằm nâng cao hiệu quả kiểm tra, xử lý; đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của từng ngành để tránh việc kiểm tra, xử lý chồng chéo và đổ lỗi trách nhiệm khi xảy ra những vấn đề gây bức xúc trong dư luận.

Trang Anh
Bài viết cùng chủ đề: Quản lý thị trường

Tin cùng chuyên mục

Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa tổ chức Lễ công bố quyết định về công tác cán bộ

Hải Dương: Buộc tiêu hủy gần 14.000 sản phẩm mỹ phẩm, phụ kiện làm đẹp không rõ nguồn gốc

TP. Hồ Chí Minh: Tạm giữ hơn 1 tấn bò khô ‘4 không’ của Công ty Thực phẩm Nhật Hưng

Bắc Giang: Tạm giữ số lượng lớn hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc

Các công ty Hàn Quốc thiệt hại đến 9,7 tỷ USD do vấn nạn hàng giả

Hải quan Hà Nội ‘bóc trần’ nhiều thủ đoạn tinh vi của tội phạm ma túy

Lai Châu: Xử phạt hộ kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Cần Thơ: Tăng cường kiểm tra, chống buôn lậu, hàng giả đợt cao điểm cuối năm

Bà Rịa - Vũng Tàu: Buôn lậu, gian lận thương mại trên biển diễn biến phức tạp

Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội phát huy 'sức mạnh', triệt phá hàng ngàn vụ vi phạm buôn lậu, hàng giả

Lào Cai: Xử phạt hộ kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu Apple

Tháng 10/2024, Quản lý thị trường Long An thu nộp ngân sách hơn 1,7 tỷ đồng

Hà Nội thu giữ hàng chục xe điện không rõ nguồn gốc, cấm lưu thông trên thị trường

Hà Nội: Quản lý thị trường thu giữ số lượng lớn hàng hoá vi phạm tại 2 cơ sở kinh doanh

Bình Phước: Kiểm tra 66 tổ chức, cá nhân dịp cao điểm chống buôn lậu, hàng giả

Nghệ An: Xử phạt chủ cơ sở kinh doanh 400kg thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ

Quản lý thị trường Cao Bằng tuyên truyền pháp luật tại Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP

Nghệ An: Tiêu hủy 400kg sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ

Quảng Trị: Mở đợt cao điểm chống buôn lậu, hàng giả dịp cuối năm

Tây Ninh: Quản lý thị trường 'mạnh tay' với vi phạm trên thương mại điện tử