Quản lý, khai thác đường bộ cao tốc: Nhiều bất cập
Ảnh minh họa |
Theo ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT - Quyết định số 326/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến 2030 cho thấy, Việt Nam sẽ đầu tư xây dựng 31 tuyến với tổng chiều dài 6.411km. Các tuyến đường bộ cao tốc đến nay đã hoàn thành, đưa vào khai thác được 745km đường, gồm 12 tuyến.
Ông Nguyễn Văn Nhi - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - nhìn nhận, các tuyến đường cao tốc đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; kết nối các khu vực nghèo, vùng sâu, vùng xa với các trung tâm kinh tế...
Bên cạnh hiệu ứng tích cực trong khai thác, quản lý hệ thống đường cao tốc, thực tế còn một số bất cập được ghi nhận tại hội thảo như: Tình trạng các phương tiện tham gia giao thông thường xuyên dừng đỗ, đón trả khách trên đường cao tốc; người dân sinh sống dọc theo đường cao tốc phá dỡ hàng rào, ném đá vào phương tiện lưu thông trên đường; chăn thả gia súc gây mất an toàn. Vẫn còn tình trạng xe quá tải, người dân sinh sống trộm cắp tài sản trên đường cao tốc ảnh hưởng đến kết cấu công trình. Đặc biệt gần đây nổi lên vấn đề thu phí.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - cho biết - có đường cao tốc nhưng vẫn phải duy trì đường cũ để người dân lựa chọn tuyến đi phù hợp. Ông Thanh nêu quan điểm, để nâng cao hiệu quả, không đưa vào khai thác các tuyến đường chưa bảo đảm tiêu chuẩn. Đường cao tốc phải thông thoáng, không ùn tắc, năng suất vận tải phải được tăng lên. Liên quan đến vấn đề thu phí, các tuyến đường cao tốc phải thu phí không dừng. Nếu ùn tắc, nhất quyết không được thu phí nữa.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin, hệ thống trạm thu phí không dừng đang được đẩy mạnh, mời các nhà đầu tư thực hiện. Tuy nhiên, phải đẩy nhanh giám sát doanh thu, đặc biệt đặt hệ thống phần mềm của nhà đầu tư; thông tin hàng ngày chuyển về trung tâm dữ liệu của Tổng cục Đường bộ.
Hiện có 3 nguồn đầu tư chính vào đường bộ cao tốc gồm ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Trong đó, tỷ trọng đầu tư bằng ngân sách nhà nước đang giảm nhanh, tỷ trọng đầu tư từ khối tư nhân tăng mạnh. |