Thứ hai 23/12/2024 12:42
Vụ “chuyến bay giải cứu”:

Quan điểm bào chữa của luật sư là "xúc phạm những người dân đã trải qua dịch Covid-19”

Theo Viện kiểm sát, quan điểm bào chữa của luật sư là "xúc phạm đến những người dân đã trải qua dịch Covid-19 đầy đau thương, khi coi đó là số tiền không lớn".

Diễn biến phiên tòa “chuyến bay giải cứu” sáng ngày 21/7 cho thấy, Viện kiểm sát đã đưa ra quan điểm đối đáp với phần bào chữa của bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên) và luật sư. Trong vụ án này, bị cáo Kiên là người duy nhất bị đề nghị mức án tử hình.

Theo Viện kiểm sát, luật sư của bị cáo Kiên cho rằng, cơ quan công tố căn cứ "hoàn cảnh người khác" để quy kết số tiền 42,6 tỷ đồng là lớn. Luật sư đưa ra quan điểm, đây là số tiền hối lộ của 18 doanh nghiệp, cần chia trung bình để xác định số tiền của mỗi doanh nghiệp để đánh giá khoản tiền đó chiếm bao nhiêu phần trăm lợi nhuận, từ đó xác định “số tiền Kiên nhận có thực sự lớn”.

Cũng theo quan điểm luật sư, 42,6 tỷ đồng bị cáo Kiên nhận hối lộ là tổng tiền của 18 doanh nghiệp. Số tiền mà Kiên nhận là phép cộng của 30.000 công dân ở nước ngoài, chia bình quân công dân chỉ bỏ 500.000 - 2 triệu đồng một vé để về nước.

Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế

Đại diện Viện kiểm sát cũng dẫn lại lời bào chữa của luật sư khi đặt vấn đề, số tiền mà bị cáo Kiên nhận hối lộ, khi chia bình quân ra 30.000 người "có lớn không" khi đánh đổi để về nước trong dịch bệnh, "có lớn không" so với thu nhập trung bình của số đông và "chưa kể giá trị bằng vô giá của việc đoàn tụ với gia đình".

Trước những quan điểm bào chữa của luật sư, đại diện Viện kiểm sát nói "thật sự phẫn nộ" và nhận định quan điểm trên thể hiện "sự thờ ơ trước nỗi đau, mất mát của đồng bào".

Sau đó, Viện kiểm sát đã dẫn lại những con số cho thấy, sự mất mát của người dân trong dịch bệnh và hành vi của các bị cáo thực hiện khi dịch bùng phát với diễn biến phức tạp cướp đi sinh mạng hàng triệu người trên thế giới. Tính riêng ở nước ta đã hơn 43,2 ngàn người chết vì dịch Covid-19.

Theo Viện kiểm sát, hành vi của bị cáo Phạm Trung Kiên cũng như các bị cáo khác đã làm mất đi ý nghĩa của chuyến bay giải cứu, gây bất bình trong nhân dân và "phản bội lại sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, Đảng, Nhà nước, nhân dân". Viện kiểm sát cũng nhận định, quan điểm bào chữa của luật sư là "xúc phạm đến những người dân đã trải qua dịch Covid-19 đầy đau thương, khi coi đó là số tiền không lớn".

Về quan điểm bào chữa của luật sư cho rằng, bị cáo Kiên không có chức vụ quyền hạn, Viện kiểm sát dẫn chứng, ngày 19/12/2019, Văn phòng Bộ Y tế đã có văn bản gửi Vụ Trang thiết bị công trình y tế giao Kiên đảm nhận công tác giúp việc, thư ký Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên. Do chức danh giúp việc chưa được chính thức, nên công việc của bị cáo Kiên chủ yếu do lãnh đạo phân công trực tiếp.

Trong công tác phòng chống dịch, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên là phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch. Trong 5 bộ thì Bộ Y tế là đơn vị rất quan trọng, trong việc cho ý kiến. Bị cáo Kiên là một mắt xích trong vai trò, quy trình cấp phép chuyến bay, do đó là người có chức vụ, quyền hạn. Nếu bị cáo Kiên chậm trình ký, đóng dấu thì sẽ gây khó khăn, ảnh hưởng tới quá trình cấp phép, viện kiểm sát đưa ra phân tích.

Viện kiểm sát đưa ra quan điểm: "Chỉ chậm một ngày, hai ngày là không thực hiện được chuyến bay. Kiên không đóng dấu thì doanh nghiệp mỏi cổ chờ mong. Nên trong vụ án này nhiều bị cáo là doanh nghiệp sợ Kiên, nếu không đưa tiền thì bị Kiên gây khó khăn trong quá trình cấp phép. Thực tế Kiên đã gây sức ép".

Cũng theo đại diện Viện kiểm sát, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế và Thứ trưởng Bộ Y tế đóng vai trò rất quan trọng, khi cho ý kiến về việc cấp phép các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao. Vì vậy, Phạm Trung Kiên là người có chức vụ, quyền hạn và trực tiếp tham gia vào công đoạn trong chuỗi quy trình cấp phép chuyến bay giải cứu.

Nếu bị cáo Kiên không thực hiện đúng quy trình, chậm hoặc khi có phê duyệt của Thứ trưởng nhưng giữ lại chậm đóng dấu gửi Bộ Ngoại giao sẽ ảnh hưởng lớn đến thời hạn cấp phép chuyến bay của doanh nghiệp. Chỉ cần chậm 1-2 ngày thì doanh nghiệp đã không thực hiện được chuyến bay, chưa nói đến việc giữ văn bản lại không đóng dấu sẽ khiến doanh nghiệp phải chờ đợi.

Theo cáo buộc, bị cáo Kiên không chỉ có hành vi yêu cầu, đòi hỏi, thảo thuận với các doanh nghiệp phải đưa tiền. Sau khi vụ án bị khởi tố, Kiên đã gọi điện nhờ một số doanh nghiệp xác nhận tiền chuyển cho Kiên là vay mượn dân sự nhằm che giấu hành vi phạm tội.

Theo tài liệu điều tra, có tổng cộng 19 doanh nghiệp đưa tiền cho Kiên. Trong đó, 12 doanh nghiệp bị Kiên yêu cầu đưa tiền từ 150 đến 200 triệu đồng/chuyến bay được cấp phép và 1 đến 2 triệu đồng/khách lẻ về nước. Trong số 7 doanh nghiệp còn lại, có 4 doanh nghiệp Kiên không yêu cầu đưa tiền nhưng các doanh nghiệp phải cân đối để tự đưa tiền.

Theo cáo trạng, bị cáo Phạm Trung Kiên là người nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, với 253 lần, tổng số hơn 42 tỉ đồng, bằng "thủ đoạn trắng trợn". Do đó, Viện kiểm sát nhân dân đề nghị mức án tử hình đối với bị cáo Phạm Trung Kiên.

Hà Cường

Tin cùng chuyên mục

Tiktoker Dưỡng Dướng Dường tiếp tục bị phạt

Cần Thơ: Cưỡng chế thuế đối với Công ty Cổ phần Trung Sơn

Bạc Liêu: Công ty Vật liệu xây dựng Phúc Lộc Thọ bị cưỡng chế thuế

Phú Quốc: Đầu tư tiền tỷ cải tạo vườn hoang, bị kiến nghị phạt tội huỷ hoại đất

Thực hư thị trường cao hổ bạc tỷ - Bài 1: Những toán người bí ẩn trong ngôi nhà cổ

Thanh tra TP. Hồ Chí Minh: Công ty Công Ích quận 7 thu lợi gần 6 tỷ đồng không đúng quy định

Hà Nội: Làm rõ trách nhiệm vụ tưới xăng đốt quán cà phê khiến 11 người tử vong

Cần Thơ: Cưỡng chế thuế Công ty CP Thương mại và Đầu tư Công nghệ Ecotech Việt Nam

Hà Nội: Nghi phạm đốt quán hát khiến 11 người tử vong có 2 tiền án

Đắk Lắk: Cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn 4 doanh nghiệp nợ thuế

Lào Cai: Công khai thông tin 7 doanh nghiệp, hợp tác xã nợ thuế trên địa bàn huyện Bắc Hà

Quảng Bình: Khởi tố 7 bị can hành vi lừa đảo trên không gian mạng

Cảnh sát giao thông Đắk Lắk phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển gần 70 kg pháo hoa nổ lậu

Thanh Hóa: Bắt 5 đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán pháo nổ liên tỉnh

Thanh Hóa: Kiểm điểm trách nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Thạch Thành

Lào Cai: Tạm hoãn xuất cảnh 3 giám đốc doanh nghiệp nợ thuế

Nghệ An: Phá đường dây mua bán trái phép hơn 500 tài khoản ngân hàng để lừa đảo và rửa tiền

Vĩnh Long: Công ty Cổ phần cảng Bình Minh nợ thuế hơn 36 tỷ đồng

Đồng Tháp: Cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn Công ty TNHH Nguyễn Vang do nợ thuế hơn 9,6 tỷ đồng

Khởi tố đối tượng khai thác đất trái phép tại Hoà Bình