Quản chặt việc tiếp nhận, sử dụng tài sản do tổ chức, cá nhân cho, biếu, tặng
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Nếu biếu, tặng không đúng định mức thì không được sử dụng, thừa thì đấu giá sung công quỹ |
Cho ý kiến vào nội dung (quy định tại Điều 10 của Dự thảo luật) về các hành vi bị cấm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trong quá trình tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ nhận thấy, có nhiều ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ, cụ thể việc tiếp nhận các tài sản cho/biếu/tặng ngay trong luật, vì thực tế hiện nay một số cơ quan, đơn vị sử dụng các tài sản cho/biếu/tặng (ô tô) không đúng tiêu chuẩn, định mức được quy định, dẫn đến việc phải trả lại các phương tiện này cho các tổ chức, cá nhân cho/biếu/tặng; hoặc tài sản được cho/biếu/tặng đúng tiêu chuẩn, định mức nhưng cá nhân lãnh đạo sử dụng tài sản đó cũng gây dư luận không tốt trong xã hội.
Giải trình vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, pháp luật hiện hành (Quyết định 64/2006/QĐ-TTg, Nghị định 29/2014/NĐ-CP) đã quy định cụ thể điều kiện các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước được nhận và không được nhận quà tặng; xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với quà tặng. Đồng thời cũng quy định về xử lý quà tặng trong trường hợp việc tiếp nhận phù hợp về đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị chỉ được nhận quà tặng theo đúng quy định của pháp luật, đối với quà tặng không đúng chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng thì đại diện cơ quan, đơn vị phải từ chối và giải thích rõ lý do với người tặng quà. Trường hợp tổ chức, cá nhân tặng, cho vẫn có nguyện vọng thì phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc xác lập quyền sở hữu của Nhà nước và xử lý theo quy định của pháp luật.
Dự thảo luật quy định việc giao tài sản công cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập phải phù hợp với tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản (khoản 2 Điều 28, khoản 1 Điều 48), thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản, đồng thời giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản, trong đó có tài sản do các tổ chức, cá nhân tặng cho các cơ quan, đơn vị của Nhà nước. Như vậy, các quy định Nhà nước là khá chặt chẽ.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực tế hiện nay, việc tiếp nhận và sử dụng các tài sản cho/biếu/tặng có nhiều trường hợp sai quy định, gây dư luận không tốt, đặc biệt đối với tài sản là ô tô và các tài sản phục vụ cho cá nhân. Mặt khác, mặc dù tài sản cho/biếu/tặng đúng tiêu chuẩn, song việc cá nhân sử dụng tài sản này cũng dễ gây nghi ngờ về tính khách quan khi xử lý các vấn đề liên quan đến đơn vị cá nhân cho biếu tặng.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bổ sung vào Điều 10 về các hành vi bị cấm như sau: “Sử dụng xe ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân tặng cho để phục vụ cho cá nhân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị”. Nội dung này được thể hiện tại khoản 4 Điều 10 của Dự thảo luật.
Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong quá trình tiếp thu ý kiến, có nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định cấp trên cung cấp hoặc điều chuyển những tài sản quá tiêu chuẩn, định mức hoặc không có nhu cầu cho cấp dưới, thì cấp dưới có thể từ chối.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo bổ sung vào Điều 10 về các hành vi bị cấm như sau: “Cơ quan quản lý cấp trên mua sắm tài sản để giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới không phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công” và bổ sung vào Điều 23 nội dụng: “Từ chối nhận tài sản do cơ quan quản lý cấp trên giao không phù hợp với nhu cầu sử dụng hoặc tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công”. Nội dung này được thể hiện tại khoản 3 Điều 10 và khoản 1 Điều 23 của Dự thảo luật.
Trong phần thảo luận, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho rằng, nếu là quà cho, biếu, tặng mà không nhận để tăng tài sản của Nhà nước thì rất lãng phí, nhưng việc trục lợi hoặc đánh giá động cơ sử dụng từ những quà tặng này lại rất khó khăn.
"Nếu cho, biếu, tặng, rồi sau đó có mối quan hệ, có hợp đồng kinh tế, có mối liên hệ qua lại thì thực sự rất khó minh bạch" - ông Hải nói và đề nghị, cần có quy định chặt chẽ để động cơ cho, biếu, tặng không ảnh hưởng đến việc trục lợi cá nhân.
Tán thành quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị thêm, để tránh việc trục lợi từ việc cho, tặng, biếu tài sản thì toàn bộ xe, phương tiện được cho, biếu, tặng phải được tập hợp lại và xử lý nghiêm.
Khép lại phần thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, quy định về cho, biếu, tặng tài sản không nên cứng nhắc vì cá nhân, doanh nghiệp tặng tài sản cho Nhà nước là điều bình thường, quan trọng là người sử dụng có đúng mục đích, định mức, tiêu chuẩn không.
“Nếu biếu, tặng không đúng định mức thì không được sử dụng, thừa thì đấu giá sung công quỹ”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận.