Phương Tây chỉ ra những sai lầm chính của Ukraine trong cuộc phản công
Mặc dù được Mỹ và các đồng minh NATO hỗ trợ về huấn luyện binh sĩ, viện trợ khí tài quân sự và cung cấp thông tin tình báo, nhưng chính việc Lực lượng vũ trang Ukraine hành động theo cách của riêng họ đã khiến cuộc phản công hiện tại sa lầy và có nguy cơ thất bại.
Theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự phương Tây trên tờ The Economist, việc duy ý chí quyết chiến ở thành phố Bakhmut của Ukraine đã khiến Quân đội Ngacó nhiều tháng xây dựng được hệ thống phòng thủ kiên cố ở Zaporozhye và Nam Donetsk với tên gọi phòng tuyến Surovikin.
Phương Tây đang đưa ra phân tích cho rằng cuộc phản công thất bại là do việc hoạch định kế hoạch sai lầm từ phía Ukraine. Ảnh: Reutes |
Cuộc phản công được khởi động vào đầu tháng 6/2023 với sự phối hợp chặt chẽ giữa Lực lượng vũ trang Ukraine và các đồng minh NATO. Họ chuyển thông tin tình báo, đưa ra những khuyến cáo, thậm chí là tham gia vào quá trình hoạch định chiến thuật phản công và quan trọng nhất chính là việc huấn luyện các lữ đoàn chuẩn NATO phù hợp với học thuyết tác chiến của khối quân sự này.
Tuy nhiên, sau vụ việc rò rỉ thông tin tình báo lớn của Mỹ hồi tháng 4/2023, Ukraine đã lựa chọn đi theo cách của riêng mình. Ukraine đã cố gắng trì hoãn tổ chức các đợt phản công lớn và không chia sẻ kế hoạch tác chiến cụ thể của họ trên chiến trường với đồng minh.
Một trong những trở ngại lớn nhất khiến Ukraine không thể tổ chức phản công lớn sớm hơn trong nửa đầu năm 2023 chính là cuộc chiến giành giật thành phố Bakhmut, vùng Donetsk. Dù vị trí này theo đánh giá của phương Tây có ít giá trị chiến lược, nhưng theo đánh giá của giới chức Kiev, nó chính là biểu tượng của sự kháng cự quyết liệt của Ukraine trước Nga.
Chuyên gia quân sự Konrad Muzyka của Tổ chức Rochan Consulting, một công ty phân tích cuộc chiến, cho biết, quyết định bảo vệ Bakhmut bằng mọi giá của Ukraine đã có tác động lớn đến cuộc phản công sau đó. Ukraine đã cạn kiệt nguồn dự trữ đạn pháo và vấn đề chỉ được giải quyết nhờ Hàn Quốc bắt đầu cung cấp đạn pháo qua Mỹ. Nga đã có được thời gian quan trọng để tạo ra các tuyến phòng thủ vững chắc ở phía Nam với tên gọi phòng tuyến Surovikin.
Sau khi cuộc phản công bắt đầu, Kiev cũng không nghe theo khuyến nghị của Mỹ là tập trung lực lượng xuyên thủng tuyến phòng thủ phía Nam của Nga để tiến tới biển Azov, thay vào đó Ukraine là dàn trải lực lượng tấn công Nga dọc theo phòng tuyến dài hơn 1.000km. Những lữ đoàn thiện chiến nhất vẫn bị giữ lại gần Bakhmut, nơi họ đã tham gia các cuộc phản công ác liệt, nhưng chỉ giành được kết quả hạn chế tại hướng Berkhovka và Kleshchevka.
Trong khi đó, ở mặt trận quan trọng phía Nam chỉ có những lữ đoàn mới được thành lập cùng trang bị mới. Sự “non nớt” đã phải trả giá khi họ kẹt lại trong những bãi mìn rộng lớn và phơi mình trước hỏa lực pháo binh, UAV tự sát và trực thăng tấn công của Nga. Cùng với đó, những sĩ quan chỉ huy thiếu kinh nghiệm nhiều thời điểm đã đẩy những người lính của mình vào chỗ chết.
Các chuyên gia phương Tây đều có chung dự đoán rằng cuộc phản công nếu không sớm thất bại sẽ còn kéo dài với con số thương vong khủng khiếp thuộc về Ukraine. Ảnh: AFP |
Các chuyên gia về Quân đội Nga Michael Kofman và Rob Lee đánh giá: “Nếu các lữ đoàn Ukraine giàu kinh nghiệm hơn nhận được thiết bị mới, họ sẽ khó có thể mắc nhiều sai lầm mà các đơn vị mới hơn mắc phải”.
Một phần nguyên nhân dẫn đến những bước đi sai lầm ở giai đoạn đầu nằm ở những người lên kế hoạch phản công. Trong một bài báo gần đây, Jack Watling và Nick Reynolds thuộc Viện Nghiên cứu Royal United Services Institute ở London cho rằng cuộc tấn công được chuẩn bị dựa trên những giả định và đánh giá lỗi thời, mà không tính đến mối đe dọa từ các thiết bị trinh sát và UAV: “Phần lớn dữ liệu hình thành nên nền tảng chiến thuật mà các đối tác nước ngoài cố gắng huấn luyện quân đội Ukraine dựa trên phân tích hoạt động từ thế kỷ 20 và những người này đã không tính đến thực tế mới, bao gồm nhiều loại công nghệ và vũ khí được sử dụng ở Ukraine".
Ai chịu trách nhiệm cho sự việc đã xảy ra thì rõ ràng đã có chuyện gì đó không ổn xảy ra. Chuyên gia Jack Watling cho biết: “Có vẻ như Kyiv không có kế hoạch dự phòng nào có thể được thực hiện nếu cuộc tấn công bị dừng lại”.
Theo thời gian, bộ chỉ huy Ukraine quyết định rút các xe bọc thép hạng nặng và sử dụng chiến thuật bộ binh đơn giản hơn. Các nhóm công binh nhỏ của Ukraine đang phải rà phá mìn ở các bãi mìn theo cách thủ công. Trong các cánh rừng ở tiền tuyến, không phải lữ đoàn chiến đấu mà chỉ là các đại đội và trung đội được triển khai để hạn chế thương vong. Họ phải tự cơ động theo nhóm nhỏ để tránh hỏa lực của Nga hướng tới. Điều này giúp giảm tổn thất về nhân lực và thiết bị, nhưng quân Ukraine hiện chỉ tiến được 700-1.200m trong 5 ngày, Watling và Reynolds lưu ý. Điều này cho phép quân đội Nga xây dựng lại hệ thống phòng thủ của họ.
Điều này dẫn đến sự bắt đầu tranh luận về hai chủ đề. Chủ đề thứ nhất: Chẳng phải các chỉ huy Ukraine quá ngại mạo hiểm? Một số quan chức phương Tây cho rằng nếu Ukraine thực hiện các cuộc tấn công quyết liệt và quy mô lớn hơn như kế hoạch ban đầu, thì ban đầu nước này sẽ chịu nhiều tổn thất hơn nhưng có thể xâm nhập sâu hơn vào hàng phòng ngự của Nga. Kết quả là cuộc phản công sẽ mất ít thời gian hơn và tổng thiệt hại sẽ thấp hơn. Các nhà lãnh đạo Ukraine phản ứng bằng cách nói rằng điều này sẽ chỉ dẫn đến đổ máu nhiều hơn và các sĩ quan không thể ném các đơn vị của họ, chủ yếu là tân binh vào “cối xay thịt”.
Chủ đề thứ hai: Ukraine có nên áp dụng các chiến thuật của phương Tây hay nên đi theo con đường riêng của mình? Quân đội phương Tây đánh giá cao tác chiến cơ động và binh chủng hợp thành, trong đó các đơn vị xe tăng là mũi nhọn tiếng công kết hợp với đội hình bộ binh, pháo binh, phòng không và tác chiến điện tử. Năm tuần huấn luyện quân đội Ukraine ở Đức trước cuộc tấn công rõ ràng là không đủ để dạy họ cách tiến hành tác chiến binh chủng hợp thành hiệu quả.
Một quan chức Mỹ phàn nàn: “Người Ukraine vẫn bị ràng buộc với học thuyết của Liên Xô. Sẽ mất thời gian để thay đổi suy nghĩ, thay đổi chiến thuật của họ”. Các cuộc tấn công bằng pháo hạng nặng chứ không phải các cuộc tấn công chính xác và được tính toán kỹ lưỡng là một khía cạnh gây ra tranh cãi, đặc biệt là vì Mỹ cung cấp phần lớn đạn dược cho pháo binh Ukraine.
Sĩ quan pháo binh đã nghỉ hưu B. Friedman, người từng phục vụ trong Thủy quân lục chiến Mỹ cho biết trên thực tế, chiến thuật của Ukraine khá phù hợp để đạt được các mục tiêu tấn công. Friedman nói rằng các quan chức Mỹ không có khả năng đưa ra những chiến thuật tối ưu. Quân đội Mỹ gần đây đã có được kinh nghiệm chiến đấu ở vùng núi và sa mạc, nơi các đơn vị nhỏ không thể sử dụng nơi trú ẩn trong một cuộc tấn công. Hai trung tâm huấn luyện chính của Quân đội Hoa Kỳ đều nằm ở sa mạc California. Đây là căn cứ của Quân đội tại Fort Irwin và trung tâm huấn luyện Thủy quân lục chiến tại Twentynine Palms. Friedman lưu ý: “Quân đội Mỹ có ít kinh nghiệm trong huấn luyện chiến đấu và các hoạt động chiến đấu mà Ukraine phải tiến hành”.
Theo các chuyên gia Watling và Reynolds, quy mô của quân đội Ukraine đã tăng lên đáng kể trong một năm rưỡi qua, nhưng do sự suy giảm của các sĩ quan, một tình huống đã nảy sinh trong đó quân đội thiếu các chỉ huy cấp dưới có kinh nghiệm tiến hành các hoạt động tấn công. Kết quả là, các quyết định cấp thấp hơn được đưa ra bởi các sĩ quan cấp cao tại sở chỉ huy lữ đoàn cách xa chiến tuyến nhiều km, nên có đáp ứng được thực tế chiến trường.
“Nếu các tuyến phòng thủ của Nga không sụp đổ, thì chiến cuộc chúng ta đã chứng kiến trong ba tháng qua có thể sẽ còn tiếp tục trong vài tháng nữa”, chuyên gia Nick Reynolds dự báo và cho rằng, Ukraine thiếu các đội hình lớn để phản công hiệu quả.
Trong khi đó, hàng chục chuyên gia phương Tây được tờ Economist phỏng vấn đều nghi ngờ liệu Ukraine có thể đạt được bước đột phá lớn trước khi mùa đông bắt đầu. Một người trong số họ nhận định: “Chúng ta sẽ phải kéo dài cuộc phản công. Đó sẽ là một cuộc chiến rất lâu dài”.