Phú Thọ: Không để đứt gãy nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm
Theo số liệu thống kê, năm 2023 và nửa đầu năm nay, ngành chăn nuôi của tỉnh Phú Thọ đạt nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, tổng giá trị sản xuất trên 8 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 5,81%, chiếm tỷ trọng 57,71% trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp.
Hiện nay, tổng đàn trâu, bò của tỉnh ở mức khoảng 145.000 con, đàn lợn xấp xỉ 750.000 con, đàn gia cầm khoảng 15,7 triệu con, trong đó có 13,8 triệu con gà. Theo dự báo của ngành chăn nuôi và thú y, với tổng đàn như hiện nay, hoàn toàn có thể bảo đảm nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng trong tỉnh Phú Thọ, đồng thời cung cấp cho các tỉnh, thành khác trong cả nước dịp cuối năm.
Mô hình chăn nuôi gà sinh học của người nông dân tỉnh Phú Thọ. Ảnh minh họa |
Một số hộ chăn nuôi cho biết, dịp cuối năm, nhu cầu sử dụng gia cầm, chủ yếu là gà rất cao, đặc biệt là gà nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, thả đồi. Vì vậy, nhiều hộ đã áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp với phòng bệnh đầy đủ và dự báo sẽ cung ứng cho thị trường lượng lớn gà thịt và trứng.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Thọ khuyến cáo, dù hiện nay giá thành động vật và sản phẩm chế biến từ động vật đang ở mức cao khiến người chăn nuôi có lãi, tuy nhiên không vì vậy mà người nuôi tăng mức tái đàn, vào đàn mà cần thận trọng, chăn nuôi theo quy hoạch của từng địa phương. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi cần hết sức chú ý đến việc phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm đang có diễn biến phức tạp như cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi...
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Thọ, trọng tâm trong thời gian tới của ngành chăn nuôi là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân chuyển dần sang chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh, hướng tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh... Bên cạnh đó, các trạm chăn nuôi và thú y các huyện theo dõi chặt chẽ tình hình chăn nuôi tại địa phương, kịp thời phát hiện các ổ dịch để có phương án xử lý sớm, tránh lây lan rộng, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.