Phụ kiện điện thoại di động: Mập mờ nguồn gốc, xuất xứ
Những năm qua, đi cùng với sự phát triển của smartphone (điện thoại thông minh), thị trường phụ kiện điện thoại cũng sôi động không kém. Không chỉ phong phú về mẫu mã, kiểu dáng mà mức giá của sản phẩm phụ kiện điện thoại cũng đa dạng từ vài chục nghìn cho đến vài trăm nghìn. Tuy nhiên, đi cùng với đó là nhiều cơ sở kinh doanh hàng hóa linh phụ kiện không rõ nguồn gốc xuất xứ và đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.
Lực lượng quản lý thị trường liên tiếp phát hiện cơ sở kinh doanh phụ kiện điện thoại không rõ nguồn gốc. Ảnh DMS |
Mới đây nhất, ngày 29/7/2023, Đội Quản lý thị trường số 10, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, chức vụ Công an Quận 10 (TP. Hồ Chí Minh) kiểm tra 3 điểm kinh doanh linh kiện, phụ kiện, thiết bị điện thoại trên địa bàn Quận 10 phát hiện hơn 27.000 hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng giá trị hàng hóa trị giá hơn 274 triệu đồng. Đội Quản lý thị trường số 10 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa nêu trên để xử lý theo quy định.
Trước đó, vào chiều ngày 1/6/2023, Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường Nghệ An phối hợp với Công an TP. Vinh kiểm tra cửa hàng kinh doanh linh kiện, phụ kiện điện thoại của ông Nguyễn Xuân Lâm (địa chỉ LK04 đường Nguyễn Đức Cảnh, phường Hưng Bình, TP. Vinh, Nghệ An).
Cụ thể, đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng kinh doanh nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ: 1.900 miếng dán cường lực điện thoại, 210 mặt kính điện thoại, 200 màn hình điện thoại di động và 850 ốp điện thoại các loại. Tại thời điểm kiểm tra, số hàng hóa nêu trên không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp. Đội Quản lý thị trường số 3 đã xử phạt hộ kinh doanh Nguyễn Xuân Lâm về hành vi kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Có thể nói, thị trường phụ kiện điện thoại đang xảy ra tình trạng bát nháo, đặc biệt là có nhiều sản phẩm “mập mờ” với “3 không” là không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng sản phẩm, không đảm bảo chất lượng đang được bán tràn lan trên thị trường.
Theo khảo sát của phóng viên, tại Hà Nội, trên nhiều tuyến phố hay khu vực được coi là “thủ phủ” của hàng “chợ” với nhiều địa điểm bán phụ kiện điện thoại di động như: Chợ sinh viên, chợ Đồng Xuân… người dùng có thể dễ lựa chọn cho mình nhiều món hàng phụ kiện điện thoại. Các sản phẩm này có đa dạng mẫu mã, kiểu dáng bắt mắt thu hút khách hàng. Tuy nhiên, chất lượng thì chỉ được các chủ cửa hàng cam kết bằng…miệng.
Cũng phải khẳng định thêm rằng, nhiều người mua phụ kiện điện thoại di động thường không mấy khi để ý đến xuất xứ của sản phẩm. Hoặc, tâm lý của nhiều người tiêu dùng là ham hàng rẻ, nên mua những sản phẩm không rõ ràng nguồn gốc, xuất xứ, đang được rao bán với giá rẻ.
Để ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ đặc biệt là mặt hàng linh phụ kiện điện thoại di động, thiết nghĩ, các cơ quan quản lý cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm việc kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh thành phố bằng nhiều hình thức, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Người tiêu dùng nên tìm đến các địa chỉ kinh doanh có uy tín, mua hàng đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh để “tiền mất tật mang”. |