Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn: Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi 'kép'
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam lần thứ 2 (Vietnam New Economy Forum 2024) với chủ đề: “Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hồng Sơn- Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, nền kinh tế mới mà Việt Nam muốn kiến tạo trước hết là nền kinh tế có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa hay đây là nền kinh tế lấy con người làm trung tâm và không để ai bị bỏ lại phía sau, đảm bảo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Ông Nguyễn Hồng Sơn- Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc diễn đàn |
Là nền kinh tế có cơ cấu hiện đại với mô hình tăng trưởng mới, dựa chủ yếu vào hiệu quả các nguồn lực, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; là nền kinh tế số, xanh và tuần hoàn và; là nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu, rộng.
Để xây dựng được nền kinh tế mới này, Đảng, Chính phủ đang thực hiện hai cuộc chuyển đổi lớn. Một là, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với hội nhập quốc tế. Hai là, chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh (hay chúng ta thường gọi là chuyển đổi kép). Điều đặc biệt là cả hai quá trình chuyển đổi này đều mang tính cách mạng.
“Đối với nước ta, cả hai quá trình chuyển đổi này đều chưa có tiền lệ cần phải tiếp tục nghiên cứu, vừa làm, vừa hoàn thiện”, ông Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.
Trong bối cảnh nêu trên, để kiến tạo được nền kinh tế mới, ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, cần phải có sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Ông cũng đặt ra các vấn đề cần bàn thảo tại Diễn đàn. Trong đó, các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc góp phần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; góp phần cùng với Nhà nước tạo dựng các thể chế, cơ chế, chính sách mới, nhất là những cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (send box)…; cơ sở hạ tầng mới (như hạ tầng mạng internet, trung tâm dữ liệu, mạng 5G…); phát triển nguồn nhân lực mới (với kỹ năng số và hiểu biết về môi trường); phát triển văn hoá mới (như văn hoá số) và thu hút nguồn tài chính mới như tài chính xanh cho chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh? Nói cách khác, làm thế nào để doanh nghiệp có thể góp phần giúp Nhà nước phát huy được vai trò kiến tạo cho phát triển nói chung và cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nói riêng?
Các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò như thế nào trong đầu tư, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển công nghệ, nhất là công nghệ số; đóng vai trò như thế nào trong việc giúp Việt Nam ứng dụng hiệu quả công nghệ, nhất là công nghệ số và tiến tới làm chủ được công nghệ, nhất là công nghệ số; giúp Việt Nam đảm bảo được an toàn, an ninh mạng? Nói cách khác, làm thế nào để doanh nghiệp có thể phát huy được vai trò trung tâm trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia?
Làm thế nào để có thể giải quyết được một cách tối ưu mối quan hệ giữa hiệu quả và chi phí trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đặc biệt là trong bối cảnh năng lực và trình độ của doanh nghiệp chưa cao; đa số các doanh nghiệp của chúng ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cần có những giải pháp gì để Nhà nước có thể hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thành công trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và đảm bảo các cam kết quốc tế.
Ông Nguyễn Hồng Sơn cũng đề nghị các diễn giả tập trung thảo luận và đề xuất những giải pháp mới, khả thi phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, nhất là những giải pháp đột phá từ giác độ của doanh nghiệp để thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh. Qua đó giúp đạt được các mục tiêu phát triển đã đặt ra đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Thảo luận và đề xuất từ giác độ doanh nghiệp về những nội dung cụ thể về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, có thể được đưa vào văn kiện Đại hội XIV của Đảng (như các quan điểm mới, chỉ tiêu mới, giải pháp mới, nhất là về hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển khu vực kinh tế tư nhân; về các đột phá chiến lược; về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút FDI chất lượng cao...).