Phó Tổng biên tập Vietnamplus 'bày" cách để trí tuệ nhân tạo thành trợ thủ của nhà báo Việt
Sáng 18/10, tại Hội nghị tập huấn chuyên sâu về công tác truyền thông, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí tổ chức tại Bộ Công Thương, ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập Báo điện tử Vietnamplus, đã có buổi trao đổi chuyên sâu về chủ đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong tác nghiệp đa phương tiện”. Tại đây, ông đã chỉ ra những lợi ích to lớn mà AI mang lại cho ngành báo chí, đồng thời thảo luận về thách thức và giải pháp cần thiết để thúc đẩy ứng dụng này trong bối cảnh Việt Nam.
AI - Trợ thủ đắc lực cho nhà báo
Ông Nhật cho rằng AI không còn là một khái niệm xa vời mà đã trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực trong đời sống hàng ngày, đặc biệt là trong lĩnh vực báo chí. Ông đưa ra nhiều ví dụ cụ thể để minh họa cho việc ứng dụng AI giúp đơn giản hóa các công việc phức tạp và tốn thời gian của nhà báo.
Ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập Báo điện tử Vietnamplus, đã có buổi trao đổi chuyên sâu về chủ đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong tác nghiệp đa phương tiện”. - Ảnh: Thế Duy |
Thay vì mất từ 15 đến 20 phút để gõ lại một văn bản, chỉ cần một lần quét, AI có thể chuyển đổi văn bản một cách nhanh chóng sang định dạng Word. Việc tách nền ảnh cũng trở nên dễ dàng chỉ bằng một cú chạm và tính năng chuyển giọng nói thành văn bản trên các thiết bị như iPhone giúp người dùng nhắn tin trong khi di chuyển mà không phải mất nhiều thời gian.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh sự tiện lợi của AI trong việc tạo video đồ họa. Công cụ này giúp sản xuất những video minh họa đơn giản mà không cần đến sự can thiệp của các nhà thiết kế chuyên nghiệp. Một ví dụ nổi bật là video mô tả về sự cố sạt lở đất tại khu vực Làng Nủ (Lào Cai) vừa qua đã thu hút hàng triệu lượt xem trên TikTok, cho thấy sức hút mạnh mẽ của thông tin được truyền tải qua các nền tảng trực tuyến.
Ông cũng nhắc đến nhiều ứng dụng hữu ích khác của AI như tạo podcast, dịch thuật nhanh chóng thông qua ChatGPT, hay bóc băng ghi âm với độ chính xác lên tới 95%. Tất cả những công cụ này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn nâng cao chất lượng bài viết, tạo điều kiện cho nhà báo tập trung vào những khía cạnh quan trọng hơn trong công việc của mình.
Báo chí Việt Nam: Nỗ lực bắt nhịp xu hướng
Trên toàn cầu, nhiều tờ báo lớn đã nhanh chóng ứng dụng AI để tạo ra những đột phá trong hoạt động báo chí. Như tờ West Australian, đã áp dụng AI để chọn lựa những bài báo thu phí, từ đó gia tăng đáng kể doanh thu. Các tờ báo quốc tế cũng đã tích hợp nút AI trên trang web của mình, giúp độc giả có thêm nhiều lựa chọn như tóm tắt bài viết, ghi chú và viết lại các bài báo theo phong cách khác nhau, từ đó tăng cường sự tương tác và giữ chân độc giả.
Mặc dù còn nhiều thách thức, báo chí Việt Nam cũng đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc ứng dụng AI. Một số cơ quan báo chí điển hình đã tiên phong trong việc triển khai công nghệ này, như Báo Vietnamplus với chatbot đầu tiên ra mắt vào năm 2018, cung cấp thông tin dựa trên từ khóa người dùng tìm kiếm. Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã phát triển chatbot có khả năng vẽ biểu đồ theo yêu cầu của độc giả. Các tờ báo như Tuổi Trẻ và Thanh Niên cũng đã ứng dụng AI trong việc sản xuất podcast và gợi ý tin bài liên quan, góp phần nâng cao hiệu quả công việc.
Báo điện tử VnExpress đã tối ưu hóa quá trình sản xuất thông tin và kiểm duyệt bình luận bằng AI, trong khi Báo Nhân Dân ứng dụng AI để rút ngắn thời gian sản xuất bài viết từ 18 giờ xuống còn hơn 8 giờ, cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành báo chí Việt Nam trong việc nắm bắt công nghệ mới.
Thách thức cần vượt qua
Tuy nhiên, việc ứng dụng AI trong báo chí Việt Nam không phải không có khó khăn. Một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là khung pháp lý chưa hoàn thiện, gây khó khăn cho việc sáng tạo và áp dụng công nghệ mới. Hơn nữa, ngân sách hạn chế và các quy định cũng khiến nhiều tòa soạn gặp khó trong việc chi trả cho các công cụ AI nước ngoài.
Ngoài ra, nhận thức về công nghệ AI trong giới báo chí vẫn còn hạn chế, nhiều cơ quan báo chí chưa chủ động trong việc ứng dụng, thiếu kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết. Chi phí nghiên cứu và phát triển AI cũng là một rào cản lớn, nhất là với những tòa soạn tự chủ tài chính. Hơn nữa, sự thiếu hụt các công ty Việt Nam chuyên phát triển công cụ AI cho báo chí khiến cho ngành này chưa thể tận dụng hết tiềm năng của công nghệ.
Để thúc đẩy ứng dụng AI trong báo chí hiệu quả hơn, ông Nhật đề xuất một số giải pháp quan trọng. Trước hết, cần hoàn thiện khung pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng AI trong báo chí. Thứ hai, tạo ra cơ chế tài chính linh hoạt cho phép các tòa soạn tự chủ trong việc mua sắm phần mềm AI. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam phát triển công cụ AI phù hợp với nhu cầu của báo chí trong nước là một giải pháp rất cần thiết.
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn về công nghệ AI. Hợp tác quốc tế cũng sẽ giúp Việt Nam học hỏi kinh nghiệm và chia sẻ nguồn lực để phát triển công nghệ một cách hiệu quả hơn.
Toàn cảnh buổi trao đổi - Ảnh: Thế Duy |
Ngoài ra, ông Nhật đã giới thiệu một số công cụ AI hữu ích cho các nhà báo như CamScanner, Ads Search, Pixel+, ChatGPT và Copilot. Những công cụ này giúp hỗ trợ việc quét tài liệu, tìm kiếm thông tin, phục chế ảnh và vẽ hình minh họa, tạo điều kiện thuận lợi cho công việc báo chí.
AI đang trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho báo chí, mang đến nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Việc ứng dụng AI hiệu quả đòi hỏi nỗ lực từ nhiều phía, từ hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế tài chính đến nâng cao nhận thức và kỹ năng cho đội ngũ làm báo.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, báo chí Việt Nam cần chủ động nắm bắt xu hướng và ứng dụng AI một cách sáng tạo, phù hợp với thực tiễn trong nước để nâng cao chất lượng thông tin, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả. AI không chỉ là công cụ hỗ trợ, mà còn là chìa khóa mở ra cánh cửa mới cho sự phát triển bền vững của ngành báo chí Việt Nam trong tương lai gần.
Cuối buổi trao đổi ông Nhật cũng nhấn mạnh một thực tế rằng, báo chí đã một lần bỏ lỡ cuộc cách mạng công nghệ trước đây nên đã để các tập đoàn truyền thông lớn như Google “vượt mặt”. Đối với cuộc cách mạng AI lần này báo chí không thể một lần nữa bị vượt qua.
Theo Quyết định số 505/QĐ-BCT ngày 12/3/2024 của Bộ Công Thương về việc giao kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2024, Văn phòng Bộ đã tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên sâu về công tác truyền thông, công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Hội nghị được chủ trì bởi Lãnh đạo Bộ Công Thương, diễn ra từ ngày 17/10 đến hết ngày 18/10. Nội dung tập huấn tập trung vào các kỹ năng truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông, hướng dẫn viết bài về Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái và thù địch trong ngành Công Thương. Thêm vào đó, hội nghị cũng sẽ đề cập đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong tác nghiệp đa phương tiện, cùng với công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Công Thương. |