Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập
Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng để đánh giá tình hình, nhận diện đúng những hạn chế, tồn tại, khó khăn, thách thức, từ đó xác định phương hướng, đề ra nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức, vận hành tốt hơn thị trường khoa học và công nghệ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập" |
Thông qua đó để thị trường này thực sự trở thành con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất biến khoa học và công nghệ thành lực lượng sản xuất chủ lực của xã hội, giúp các doanh nghiệp tạo ra nhiều hàng hoá, dịch vụ mới có hàm lượng khoa học cao, tạo sức cạnh tranh vượt trội của nền kinh tế.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thị trường khoa học và công nghệ ở nước ta là một trong những yếu tố quan trọng trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đầu tư, đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách có liên quan, thị trường khoa học và công nghệ bước đầu được hình thành, phát triển và đã đạt được những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và so với một số thị trường khác, thị trường khoa học và công nghệ phát triển chậm, còn nhiều vướng mắc, chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng với nhu cầu sản xuất, kinh doanh…
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã xác định "Phát triển mạnh thị trường khoa học, công nghệ gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học, công nghệ. Kết nối có hiệu quả các sàn giao dịch công nghệ quốc gia với các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ ở các địa phương. Phát triển mạnh mạng lưới các tổ chức dịch vụ trung gian môi giới, đánh giá chuyển giao công nghệ….
Do vậy, phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học và công nghệ là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thủ tướng khẳng định, phát triển thị trường khoa học và công nghệ phải lấy nghiên cứu khoa học là nền tảng, nhà khoa học là động lực, doanh nghiệp là trung tâm, phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Đồng thời, huy động tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân và hợp tác quốc tế, đẩy nhanh tốc độ đổi mới sản phẩm và dịch vụ có độ tích hợp cao về công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhanh chóng gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu và chiếm lĩnh thị trường quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, khoa học và công nghệ đã đóng góp khoảng 30% giá trị nói chung trong ngành nông nghiệp và 40% giá trị trong lĩnh vực giống, cây trồng. Nhưng rõ ràng, so với những kỳ vọng về việc gia tăng hàm lượng giá trị bằng khoa học và công nghệ thì con số này còn thấp.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chúng ta đang nói đến thị trường khoa học và công nghệ, đã nói thị trường thì ta phải xác định rõ. Kinh tế thị trường phải trả lời được 3 câu hỏi: Sản xuất cái gì? Sản xuất cho ai? Sản xuất như thế nào?
"Nếu coi nghiên cứu khoa học cũng là 1 sản phẩm thì chúng ta phải "bán cái thị trường cần, không phải là bán cái chúng ta có". Tiếp đó, chúng ta nâng lên cấp độ nữa là "bán cái thị trường chưa cần nhưng mà thị trường sẽ cần" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói, đồng thời cho rằng, cần hình thành những trung tâm chuyển giao của Nhà nước thực sự hoạt động theo thị trường.
Theo bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP), Việt Nam đã có nhiều thành tựu trong phát triển khoa học công nghệ; có tham vọng trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 và có nền kinh tế dựa trên tri thức. Việt Nam cũng đạt nhiều thành tựu phát triển kinh tế lớn với tốc độ phát triển kinh tế nhanh, trung bình 7,8%/năm; có nhiều tiến triển trong triển khai các mục tiêu phát triển bền vững.
Hiện nay, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên có nhiều biến động về kinh tế, chính trị, người dân trên khắp thế giới đang chịu ảnh hưởng do những vấn đề như nóng lên toàn cầu, những ảnh của khí quyển…
Theo đó, khoa học công nghệ có thể có phương án giải quyết vấn đề này như giảm chi phí, đưa mô hình tuần hoàn vào sản xuất và tiêu dùng, công nghệ về nông nghiệp có thể giúp chúng ta sản xuất thực phẩm rẻ hơn và ít ảnh hưởng của môi trường…
Bà Ramla Khalidi cho hay, xây dựng được môi trường pháp lý có thể hỗ trợ và khuyến khích đổi mới sáng tạo đang là thách thức lớn dù ở Việt Nam hay bất kỳ nước nào khác. Để đạt được chính sách nhất quán, có rất nhiều cơ quan đang tham gia xây dựng chính sách khoa học công nghệ, tuy nhiên đôi khi quy định còn chồng lấn. Những thách thức này có thể cản trở đổi mới sáng tạo để đưa ra sáng kiến mới cho thị trường.
Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Trường Hải Thaco cho biết, xác định ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất là xu thế tất yếu thúc đẩy tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa kinh phí vận hành trong sản xuất kinh doanh, Thaco đã ứng dụng công nghệ kỹ thuật và số hóa một cách phù hợp với quy mô, trình độ độ sản xuất với lộ trình nhanh và hợp lý với xu thế thị trường trong và ngoài nước.
"Thaco luôn xác định đổi mới và nâng cấp công nghệ là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng sản phẩm và gia tăng năng lực cạnh tranh. Công nghệ chính là đòn bẩy quan trọng tao động lực phát triển cho ngành sản xuất ô tô, phụ tùng của Thaco đáp ứng nhu cầu thị trường" - ông Phạm Văn Tài nêu.